Xếp hạng theo thông tư mới, nhà giáo thâm niên thiệt đơn thiệt kép

03/12/2021 06:42
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bằng việc thực hiện xếp lương theo các Thông tư 01; 02; 03; 04 gần như chẳng ai còn ghi nhận những cống hiến hết mình vì giáo dục của lớp thầy cô giáo thâm niên

Nhiều thầy cô còn nhớ, năm 2006 khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Thiện Nhân lúc ấy đã hứa sẽ trình lên Chính phủ Đề án cải cách tiền lương để năm 2010 nhà giáo có thể sống được bằng lương, nhưng rồi cho đến nay đã là cuối 2021, điều mong mỏi của hàng triệu nhà giáo vẫn không thành hiện thực.

Bảng lương mới (dự kiến) sau khi tăng lương cơ sở và thay đổi trả lương theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp để giáo viên tham khảo.(Ảnh minh họa, nguồn: Báo Lao động)Bảng lương mới (dự kiến) sau khi tăng lương cơ sở và thay đổi trả lương theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp để giáo viên tham khảo.(Ảnh minh họa, nguồn: Báo Lao động)

Đến nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng có lời hứa sẽ đồng hành, tăng lương cho giáo viên: "Tất nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo không quyết định được vấn đề lương giáo viên nên Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ để cùng thống nhất vấn đề thang bảng lương, để làm sao triển khai thật tốt nghị quyết 29 của trung ương, để giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất". [1]

Giáo viên lại khấp khởi mừng thầm và chờ đợi trong hy vọng. Tuy nhiên, ngày 02/02/2021 bằng việc ban hành chùm Thông tư 01; 02; 03; 04/2021/ TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập thì người viết nhận thấy, hy vọng giáo viên sống được bằng lương đã tan biến.

Mức lương cao nhất giáo viên có hệ số 6.78 chỉ là bánh vẽ?

Theo quy định tại các Thông tư 01; 02; 03; 04/2021/TT-BGDĐT, giáo viên hệ công lập được xếp theo 3 hạng chức danh (hạng I; hạng II; hạng III). Nếu nhìn vào quy định xếp lương, nhiều nhà giáo sẽ mừng hụt vì hệ số lương cao nhất cho giáo viên hạng I lên đến 6.78 mà trước đó chỉ có 4.98. Tuy nhiên, để đạt được hệ số lương này, giáo viên cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ví dụ: Theo Thông tư 02/2021, giáo viên tiểu học được xếp ở hạng I sẽ được hưởng mức lương cao nhất là 6.78. Nhưng đạt được giáo viên tiểu học hạng I lại chẳng dễ dàng gì.

Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng II (yêu cầu khá cao), giáo viên còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác như:

Tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, học sinh tiểu học hoặc tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa khi được lựa chọn.

Chủ trì các hoạt động bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề của nhà trường hoặc tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp huyện trở lên;

Tham gia đoàn đánh giá ngoài hoặc tham gia các đoàn công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên tiểu học từ cấp huyện trở lên;

Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi hoặc giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi cấp huyện trở lên.

Có bằng tốt nghiệp thạc sĩ trở lên chuyên ngành giáo dục tiểu học hoặc chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy; có trình độ ngoại ngữ bậc 3; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I.

Ngay tại địa phương tôi có hàng ngàn giáo viên nhưng chắc chắn sẽ không có một ai đủ điều kiện là giáo viên tiểu học hạng I.

Bởi, chưa bao giờ chúng tôi thấy một giáo viên tiểu học nào được điều động đi làm giám khảo hội thi giáo viên giỏi cấp thị ngoài hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, cũng như tham gia các đoàn công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên tiểu học cấp thị.

Vì thế, cái hệ số lương được coi là cao chót vót kia mãi vẫn chỉ là bánh vẽ thì làm sao nói giáo viên sẽ được hưởng lợi?

Chỉ một số ít giáo viên trẻ được hưởng lợi

Việc xếp lương giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp theo chùm Thông tư 01; 02; 03; 04/2021/TT-BGDĐT có ưu điểm giáo viên mới vào ngành sẽ được chi trả theo đúng công sức lao động, theo đúng vị trí việc làm, giải quyết được bất cập về việc "cào bằng" theo hệ số cấp bậc.

Ví dụ: Cô giáo H. tốt nghiệp đại học tiểu học năm 2015 được xếp vào giáo viên tiểu học hạng II (quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã sổ, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập) và hưởng hệ số lương 2.34.

Năm 2018, cô giáo H. được nâng hệ số 2.67. Do cô H. đạt được một số thành tích như giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở và hiện làm tổ trưởng chuyên môn nên thực hiện việc chuyển xếp hạng theo Thông tư 02/2021 cô H. được giữ lại hạng II.

Vì thế, cô H. được chuyển xếp sang hạng II mới với hệ số lương 4.0 ngang với mức lương của một giáo viên đi dạy gần 20 năm. Điều lợi thứ hai, khi cô giáo H. về hưu chắc chắn mức lương sẽ đạt hệ số 6.38.

Giáo viên lớn tuổi thiệt đơn, thiệt kép

Điều bất cập lớn nhất khi thực hiện việc chuyển xếp hạng giáo viên theo chùm thông tư là việc rút ngắn mức chênh lệch của giáo viên mới ra trường với giáo viên lâu năm,

Như phân tích ở trên, một giáo viên hạng II cũ đang ở hệ số lương 2.67 đủ điều kiện được giữ hạng II và chuyển sang hạng II mới sẽ được xếp bậc 1 hệ số 4.0.

Trong khi, nhiều đồng nghiệp của người viết đi dạy 20 năm mới đạt mức lương 3.99 thì nay cũng chỉ bằng giáo viên H. ra trường 6 năm (lưu ý quy định 9 năm biên chế chỉ dùng cho trường hợp thăng hạng còn chuyển hạng thì không áp dụng).

Mỗi hệ số trong cùng hạng chức danh không có sự chênh lệch là bao trừ các hệ số 2.67; 3.0; 3.33; 3.66. Ví dụ: Giáo viên tiểu học hạng II cũ nếu được chuyển sang hạng II mới thì các bậc lương thay đổi như:

Bậc 3.99 sang 4.0; 4.32 sang 4.34; 4.65 sang 4.68; 4.98 sang 5.02. Giáo viên lớn tuổi sẽ không có đủ thời gian để ăn đến bậc lương cuối cùng.

Cũng như bản thân người viết đã đi dạy 30 năm, đang hưởng lương bậc 8 với hệ số 4.65 (giáo viên tiểu học hạng II), nay chuyển xếp sang hạng II mới với hệ số lương 4.68 chỉ ở bậc 3/8. Và, cho đến lúc về hưu cũng mới chỉ ở bậc 4/8 với hệ số 5.02.

Không riêng gì tôi, hàng trăm ngàn thầy cô giáo đi dạy hơn 30 năm nhưng lúc về hưu cũng chỉ đạt cao nhất là bậc 5, bậc 6, sẽ chẳng bao giờ chạm tới hệ số cao nhất của giáo viên tiểu học hạng II là 6.38. Vậy, cái bảng lương với hệ số được xem là sẽ cải thiện mức lương của nhà giáo kia cuối cùng chúng tôi cũng không thể chạm tới.

Khi thực hiện chế độ tiền lương mới, chế độ thâm niên nhà giáo không còn. Với những thầy cô giáo trẻ họ chẳng quan tâm đến chuyện này. Bởi, nhiều thầy cô chưa được tính thâm niên, số khác có mất cũng chỉ dăm bảy phần trăm nhưng bù lại họ được chuyển xếp lương hời đến vài bậc.

Theo Luật Giáo dục 2019, thâm niên nhà giáo không còn. Chính phủ đã đồng ý cho giáo viên được hưởng đến khi nhà nước thực hiện chế độ tiền lương mới. Luật Giáo dục 2019 đã quy định thì chắc chắn không có gì thay đổi, lúc đó những nhà giáo có thâm niên từ 15 % trở lên thì hàng tháng sẽ mất một khoản tiền không hề nhỏ.

Đơn cử người viết sẽ mất gần 30% phụ cấp thâm niên một tháng, tính ra tiền sẽ hơn 2 triệu đồng quả là một con số không hề nhỏ. Chuyển xếp lương từ hệ số cũ 4.65 sang hệ số mới 4.68 chỉ chênh lệch 0.03, tương đương vài chục ngàn đồng "tăng lương" thì lại mất đến 2 triệu đồng/tháng phụ cấp thâm niên.

Ưu tiên nhà giáo trẻ là điều nên làm vì như thế mới thu hút người tài đến với nghề nhưng cũng đừng bạc bẽo với những giáo viên có thâm niên nghề.

Trong số những thầy cô giáo lâu năm, không ít người đã cống hiến cho giáo dục vào những thời điểm ngành giáo dục gặp gian khó nhất, cái thời ai cũng chê ngành sư phạm, họ chỉ đi khi “cùng đường” vì không thể đi ngành khác nên mới có câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Không ít thầy cô đã dốc bao công sức cho giáo dục với một bề dày thành tích đáng nể thì lẽ ra lúc này họ cũng cần được đãi ngộ xứng đáng để thấy được sự tri ân của ngành.

Vì vậy, khi sửa các Thông tư 01; 02; 03; 04/2021/TT-BGDĐT, người viết tha thiết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự quan tâm thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi và ghi nhận cống hiến của lớp thầy cô giáo này.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/loi-hua-tang-luong-giao-vien-15-nam-4-doi-bo-truong-20211119225515476.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết