Xét tuyển học bạ 30 điểm vẫn trượt đại học, đâu là giải pháp?

26/07/2022 06:33
Hương Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có giáo viên so sánh, năm nay, điểm chuẩn đại học theo phương thức này "nhảy múa" như thị trường chứng khoán, không tài nào dự đoán được.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phản ánh, kì tuyển sinh đại học năm 2022 một số ngành lấy điểm chuẩn ở ngưỡng 9,75 điểm/môn, thậm chí có thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 theo phương thức xét điểm học bạ vẫn trượt đại học.

Thực tế, không phải chỉ riêng năm nay, dư luận và các chuyên gia băn khoăn về tình trạng điểm học bạ bị "làm đẹp". Câu chuyện này cũng đã âm ỉ nhiều năm qua.

Một số ngành Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có mức điểm chuẩn 30.5. (Ảnh: C.N)Một số ngành Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có mức điểm chuẩn 30.5. (Ảnh: C.N)

Vì sao có nhiều băn khoăn, lo lắng điểm học bạ có thể bị làm đẹp?

Là giáo viên đang dạy bậc trung học phổ thông ở cả hai hệ công lập và tư thục ở một tỉnh phía Nam, tôi nhận thấy nhiều năm nay trường học có tình trạng cho điểm nới tay khiến điểm tổng kết học bạ của học sinh cao chót vót.

Trường công lập tốp dưới thường cho điểm học bạ cao những mong học sinh có thêm cơ hội đỗ tốt nghiệp vì điểm học bạ chiếm 30% trên tổng điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Còn trường tốp đầu cũng cho điểm học bạ cao giúp mở rộng cơ hội cho học sinh xét tuyển vào đại học nếu chẳng may điểm thi tốt nghiệp thấp.

Một lí do cũng rất quan trọng khiến trường công lập cho điểm học bạ cao là nhằm đáp ứng tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục. Nếu chất lượng học tập của học sinh thấp thì trường học sẽ bị vướng tiêu chí đánh giá.

Cụ thể, Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học như sau:

Tiêu chí kết quả giáo dục: Kết quả học lực, hạnh kiểm của học sinh có chuyển biến tích cực trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá; tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp có chuyển biến tích cực trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá. [1]

Ngoài ra, trường công lập cho điểm học bạ cao cũng là một cách lôi kéo học sinh lớp 9 đăng kí nguyện vọng vào trường ở kì thi tuyển sinh. Cá biệt, một số trường cho điểm học bạ cao để dễ kêu gọi phụ huynh đóng góp, tài trợ cơ sở vật chất cho nhà trường.

Riêng trường tư thục thì có chuyện nghịch lí là, học sinh học càng yếu thì điểm học bạ càng cao, vì điểm học bạ chính là "cứu cánh" của thí sinh khi xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hơn nữa, học sinh (nội trú) trường tư thục thường chi phí ăn học cả chục triệu đồng/tháng nên hiếm có trường nào nỡ đánh giá kết quả học sinh "thẳng tay". Chỉ cần một học sinh rớt tốt nghiệp (vì điểm học bạ thấp) là trường mất uy tín, phụ huynh không dám gửi con em vào học nữa, giáo viên cũng mất việc.

Giải pháp nào cho phương thức xét điểm học bạ?

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại ưu, nhược của 20 phương thức xét tuyển vào đại học hiện nay, đặc biệt là phương thức xét điểm học bạ.

Năm 2020, 2021, sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục đã tiến hành đối sánh điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ để so sánh sự chênh lệch về điểm.

Cụ thể, năm 2020, kết quả đối sánh mà Bộ Giáo dục công bố cho thấy các tỉnh thành đều có sự chênh lệch theo hướng điểm học bạ cao hơn điểm thi thực tế, mức chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi nhiều nhất là 1,7 điểm. [2]

Năm 2021, phân tích kết quả đối sánh điểm học bạ lớp 12 và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của các tỉnh thành cho thấy, hầu hết các địa phương đều có độ "vênh" giữa 2 điểm này, ở nhiều môn có điểm chênh lệch lớn hơn 1 điểm. [3]

Nếu Bộ Giáo dục tiến hành đối sánh điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của từng trường thì có thể sẽ rõ hơn nhiều vấn đề. Và đặc biệt là thống kế điểm học bạ các năm, các kỳ của học sinh có sự tăng cao bất thường không.

Việc đối sánh này rất dễ dàng, nhanh chóng, vì các cơ sở giáo dục hiện nay đều có phần mềm quản lý điểm, như Vnedu, VietSchool... Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu hiệu trưởng gửi file điểm trung bình cả năm lớp 12 (hoặc cả 3 năm) là được.

Theo Bộ Giáo dục, nếu môn nào, ở tỉnh nào kết quả còn thấp và có sự chênh lệch lớn thì cần tiếp tục điều chỉnh việc dạy học để nâng cao chất lượng. Sở Giáo dục và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đó cũng cần điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học bảo đảm sát hơn với năng lực của học sinh.

Người viết cho rằng, nếu mục đích của việc đối sánh chỉ dừng lại ở việc "điều chỉnh" thì không thể nào giải quyết dứt điểm chuyện điểm học bạ có thể bị làm "đẹp". Bộ Giáo dục cần đưa ra hình thức xử lí nghiêm thì mới hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.

Điểm chuẩn Trường Đại học Sư phạm kĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có ngành lấy 29,5 điểm. (Ảnh: C.N)Điểm chuẩn Trường Đại học Sư phạm kĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có ngành lấy 29,5 điểm. (Ảnh: C.N)

Thứ hai, ngành giáo dục cần học hỏi phương thức tuyển sinh đại học từ các nước có nền giáo dục phát triển tốt để đưa ra phương án tối ưu.

Được biết, nhiều năm qua việc xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ cũng đã có nhiều thay đổi, chúng ta có thể tham khảo, học hỏi thêm.

Tại Trung Quốc, Nhật Bản, học sinh phải cạnh tranh gay gắt để vào đại học, đặc biệt các trường hàng đầu. Ở hai nước này, học sinh không phải thi tốt nghiệp hoặc kỳ thi tốt nghiệp rất đơn giản.

Giáo dục ở Mỹ có sự khác biệt giữa các bang cả về chương trình học lẫn cách thức, yêu cầu để học sinh có thể nhận bằng tốt nghiệp trung học.

Tuy nhiên, để học lên đại học, nhiều học sinh lựa chọn tham dự một trong hai kỳ thi chuẩn hóa là SAT hoặc ACT để lấy điểm làm một trong những căn cứ cho trường xét tuyển.

Điểm số chiếm một phần, ngoài ra, thí sinh còn phải thuyết phục ban tuyển sinh bằng thành tích học tập, hoạt động xã hội, năng khiếu thể thao, nghệ thuật hoặc bài luận. [4]

Thứ ba, các trường đại học cũng có thể tham khảo kì thi đánh giá năng lực của Bộ Công an được tổ chức vào ngày 17/7.

Kết quả bài thi đánh giá này chiếm 60% tổng điểm xét tuyển, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo chiếm 40% tổng điểm xét tuyển.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, bài thi đánh giá của Bộ Công án có tính phân loại cao, tuyển chọn được nhân tài, chỉ trong khoảng 10% thí sinh sẽ đạt trên 80 điểm trở lên. [5]

Cá nhân tôi rất đồng tình với ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương về xét tuyển đại học, đó là "dần thay đổi tiến đến đánh giá học sinh bằng năng lực để tuyển sinh đại học. Qua đó, rèn học sinh năng lực tư duy, phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ.

Thông qua tự học, trau dồi kỹ năng sống, thiết thực giúp thầy và trò hợp tác với nhau vì mục tiêu đào tạo con người, chứ không phải dạy - học vì điểm số; lấy điểm số giả dối làm thước đo sản phẩm giáo dục là phi giáo dục". [6]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-18-2018-TT-BGDDT-cong-nhan-dat-chuan-quoc-gia-doi-voi-truong-trung-hoc-co-so-367509.aspx

[2] https://laodong.vn/giao-duc/ket-qua-doi-sanh-hoc-ba-nhieu-dia-phuong-co-chenh-lech-diem-thi-lon-831506.ldo

[3] https://laodong.vn/giao-duc/nhieu-dia-phuong-co-chenh-lech-lon-giua-diem-hoc-ba-va-diem-thi-thpt-935388.ldo

[4] https://zingnews.vn/xet-tot-nghiep-va-tuyen-sinh-dai-hoc-o-trung-quoc-nhat-ban-my-post1266853.html

[5] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/bai-thi-danh-gia-cua-bo-cong-an-chi-khoang-10-thi-sinh-dat-tren-80-diem-20220718074906417.htm

[6] https://tuoitre.vn/5-kien-nghi-nhan-diem-chuan-xet-hoc-ba-tang-manh-20220717143202059.htm?fbclid=IwAR1-a8wWM83zWRXlVU6OrzV3hx0Eyu5kGUDtuvfmTL3qnXm5TPm5rlB95as

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Ly