Xin đừng bắt con em chúng ta phải giỏi toàn diện!

12/07/2021 08:47
Ngân Hoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với quy định học quá nhiều môn và áp lực thi cử, mà muốn không còn hiện tượng học sinh học lệch như hiện nay là vô cùng khó.

Á quân Giọng hát Việt nhí 2013 Phương Mỹ Chi vừa thừa nhận đã làm sai câu hỏi môn Lịch sử vì nhầm lẫn Ấn Độ ở châu Phi trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia mới đây, đã nhận được khá nhiều ý kiến chê trách của dư luận.

Trong thực tế, hiện tượng học sinh học lệch khá phổ biến (Ảnh minh họa trên giaoduc.net)

Trong thực tế, hiện tượng học sinh học lệch khá phổ biến (Ảnh minh họa trên giaoduc.net)

Nhớ lại câu chuyện cách đây vài năm, chương trình truyền hình Chuyển động 24h của VTV đã phỏng vấn 7 học sinh bậc trung học cơ sở thì có đến 6 em không biết hoặc nhầm lẫn giữa Nguyễn Huệ và Quang Trung, có em cho rằng đây là hai anh em hoặc hai cha con!

Thậm chí, sự tự tin của một cậu bé khi trả lời: “Con học trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung” làm cho mọi người…giật mình.

Tất nhiên, khi nhiều học sinh không nắm được các kiến thức cơ bản, phổ thông về khoa học xã hội, thì ngoài chuyện lỗ hổng kiến thức của mỗi cá nhân, người viết cho rằng cần xem lại tổng thể chương trình giáo dục. Phải chăng con em chúng ta đang phải học quá nhiều thứ, nhớ quá nhiều thứ?

Đòi hỏi học sinh phải học toàn diện là rất khó

Là người trong nghề, chúng tôi biết, chúng tôi hiểu những ví dụ mà người viết vừa dẫn chứng ở trên không còn là hiện tượng cá biệt trong giáo dục. Dù thế, cũng chẳng có gì đáng lo ngại vì có những học sinh hổng mảng kiến thức này nhưng lại rất giỏi, rất xuất sắc ở những mảng kiến thức khác.

Ví như ca sĩ Phương Mỹ Chi, kiến thức Lịch sử không giỏi nhưng cô bé lại có thành tích học lực nhiều môn khác thuộc tốp giỏi, xuất sắc của trường.

Trong giảng dạy, chúng tôi vẫn luôn gặp nhiều học sinh những môn khoa học tự nhiên luôn thuộc tốp đầu của trường nhưng lại không hề biết tác phẩm “Tắt đèn” của ai? Không hề biết sông Cửu Long ở đâu? Hay Quảng Trị thuộc miền nào?

Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi có mấy ai học toàn diện tất cả các môn? Hiện chương trình học của học sinh có đến hơn chục môn nhưng môn nào cũng buộc các em hiểu sâu, hiểu rộng là điều không thể.

Đã có những học sinh thắc mắc thế này: Sao thầy cô cũng chỉ dạy được một môn mà lại bắt học sinh môn nào cũng giỏi?

Thường những học sinh học giỏi các môn thì thực chất không thể giỏi bằng những học sinh học lệch. Đã có khá nhiều em chưa bao giờ đạt học sinh tiên tiến chứ nói gì đến học sinh giỏi nhưng khi thi đại học lại đạt điểm á khoa.

Lại có những học sinh 12 năm luôn nhận danh hiệu học sinh giỏi mà điểm thi đại học mới vừa chạm hoặc hơn một chút điểm sàn.

Dù thầy cô không khuyến khích nhưng xu thế học sinh học lệch là phổ biến. Ở bậc trung học cơ sở, vì chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 nên chủ yếu các em tập trung vào học 3 môn Toán, Anh văn, Ngữ văn nhiều nhất.

Sang bậc trung học phổ thông, phần đông học sinh đầu tư vào môn thuộc khối mình sẽ xét tuyển đại học. Ví như có em tập trung học Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ; em chọn Toán, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ…

Những môn không thuộc nhóm xét tuyển, nhiều em nói cố gắng đạt mức điểm trung bình là ổn. Đây không chỉ là ý thích của các em mà có cả sự định hướng của gia đình, thậm chí của nhà trường. Bởi thế, dù không ai quy định nhưng khái niệm môn chính, môn phụ vẫn cứ ngang nhiên tồn tại.

Không dễ để khắc phục hiện tượng này

Cô cháu gái từng học một trường trung học tư thục tại Thành phố Hồ Chí Minh kể rằng mỗi lần kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ, cuối năm nhà trường coi kiểm tra vô cùng gắt mấy môn Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ…mỗi phòng có tới 3 giáo viên coi để không ai có thể quay bài.

Thế mà những môn Sử, Địa, Giáo dục công dân…lại khá thoải mái như kiểu làm lơ cho học sinh quay bài để làm. Vì thế, bao thời gian cháu và các bạn chỉ tập trung vào học những môn sẽ xét tuyển vào đại học còn những môn học khác cố gắng không bị điểm liệt.

Xét cho cùng, trong thực tế một người bác sĩ học văn không tốt nhưng vẫn được mệnh danh là đôi bàn tay vàng. Một người kỹ sư xây dựng có thể không "thông kim bác cổ" về lịch sử nhưng vẫn trở thành một kỹ sư tài ba. Người hướng dẫn viên du lịch đâu buộc phải thông tuệ về kiến thức toán nhưng khi hướng dẫn du khách vẫn cuốn hút và đi vào lòng người.

Với quy định học quá nhiều môn và áp lực thi cử, mà muốn không còn hiện tượng học sinh học lệch như hiện nay là vô cùng khó.

Tài liệu tham khảo:

https://vov.vn/xa-hoi/hoc-sinh-noi-quang-trung-nguyen-hue-la-anh-em-loi-cua-ai-413662.vov

https://www.giaoduc.edu.vn/chuyen-nguyen-hue-va-quang-trung-la-anh-em-nguoi-lon-da-tram-trong-hoa-van-de.htm

https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/ca-si-phuong-my-chi-xin-loi-co-giao-vi-nham-an-do-o-chau-phi-20210709152834431.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa