Xóa sổ trường trung cấp y-dược là không đơn giản

11/03/2016 06:19
Xuân Trung
(GDVN) - Bộ Y tế có chủ trương từ năm 2021 trở đi chỉ tuyển những người tốt nghiệp cao đẳng y-dược trở lên làm việc trong ngành đang khiến các trường khó xoay xở.

Việc Bộ Y tế dự định từ 2021 sẽ ngừng tuyển điều dưỡng viên, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, hộ lý trình độ trung cấp đang thu hút sự chú ý của xã hội, đặc biệt là số lượng người đã tốt nghiệp hệ trung cấp y - dược đang làm việc tại các trung tâm y tế, bệnh viện và số phận các trường trung cấp y- dược sẽ như thế nào?

Qua trao đổi với ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), trước hết ông Khuyến bày tỏ quan điểm, đây là một chủ trương đúng và cần thiết để nâng cao trình độ nguồn nhân lực trong ngành y.

Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT). Ảnh của Xuân Trung
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT). Ảnh của Xuân Trung

Bài toán giải cứu các trường trung cấp y-dược sắp tới theo ông Khuyến chỉ còn cách nâng cấp lên thành hệ cao đẳng.

“Với giáo viên trước đây là trung học, sau đó giáo viên là cao đẳng và bây giờ là đại học, tức là có sự chuẩn hóa. Các nước đang phát triển như Thái Lan khi nâng trình độ chuẩn của đội ngũ nhân lực thì sẽ công bố điều đó trước 5 năm.

Ví dụ đang ở trình độ cao đẳng thì phải chuẩn hóa lên thành cử nhân, muốn lên thì phải đi học. Do đó hệ đào tạo liên thông và chuyên tu ra đời” ông Khuyến nói.

Xóa sổ trường trung cấp y-dược là không đơn giản ảnh 2

Các trường trung cấp y-dược có nguy cơ đóng cửa vì Bộ Y tế

(GDVN) - Với thông báo rằng Bộ Y tế từ năm 2021 sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý...hệ trung cấp, đã khiến nhiều trường lo sợ.

Cũng theo ông Lê Viết Khuyến, liên quan tới câu chuyện của Bộ Y tế thì đối với những người đã tốt nghiệp hệ trung cấp y-dược muốn làm được việc thì phải học nâng lên để đáp ứng trình độ chuẩn, nếu không đáp ứng được sẽ phải nghỉ việc.

Như vậy, từ 2021 trở đi sẽ không có bóng dáng trường trung cấp y-dược.

Và theo ông Khuyến, các trường trung cấp bây giờ có thể xử lí theo hai dạng: phải nâng chuẩn, giống như hệ sư phạm trước kia có trung cấp, nhưng hiện không có.

Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng, không hẳn số năm học hoặc cứ lên cao đẳng trình độ và chất lượng nhân lực ngành y sẽ được nâng lên? Quan điểm này ông Khuyến cho rằng, trình độ liên quan tới học vấn, thời gian dài hay ngắn là liên quan tới nghề.

“Một điều dưỡng trung cấp có thể 10 năm, 20 năm, 30 năm vẫn trung cấp chuyên nghiệp, nếu trình độ trung cấp thì vẫn làm công việc ở trình độ trung cấp, có thể làm giỏi, thành thạo, nhưng mở rộng ra nâng trình độ lên thì họ lại không làm được. 

Điều dưỡng ở trình độ trung cấp là người thực hiện, nhưng điều dưỡng ở cao đẳng còn phải hiểu biết về quản lí. Còn có thể sử dụng các thiết bị tự động, còn trung cấp có thể chỉ là thô sơ" ông Khuyến cho hay.

Nhận định về chủ trương dự kiến này, ông Phạm Hiệp (Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan) cho rằng, cần phải nhìn nhận ở tính khả thi của vấn đề.

Ông Hiệp cũng cùng quan điểm với ông Lê Viết Khuyến khi cho rằng, với tính chất quan trọng của nghề y, có thể khẳng định yêu cầu và mục đích của việc nâng cao chất lượng đào tạo điều dưỡng viên của Bộ Y Tế là hoàn toàn chính xác, phù hợp với kỳ vọng chung của toàn thể xã hội. 

Ông Phạm Hiệp (Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan). Ảnh của Xuân Trung
Ông Phạm Hiệp (Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan). Ảnh của Xuân Trung

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã lựa chọn biện pháp yêu cầu số năm đào tạo tối thiểu của điều dưỡng viên phải từ 3 năm trở lên (có bằng cao đẳng). 

“Quan điểm tôi không tin số năm đào tạo là chỉ dấu đánh giá chất lượng của người học. Bằng chứng là hệ cử nhân ở nhiều nước trên thế giới tại Anh, Pháp hay Australia hiện nay chỉ kéo dài 3 năm nhưng chất lượng không hề thua kém tại các nước tổ chức đào tạo kéo dài 4 năm” ông Hiệp cho biết. 

Thực tế, trong Dự thảo Cơ cấu giáo dục quốc dân có đề xuất cho phép chương trình đại học co lại học trong 3 năm thay vì 4 năm để giúp người học có khả năng học nhanh và ra trường sớm. 

“Tôi đoán chắc Bộ Y tế cũng đã có cơ sở và luận cứ khoa học cho việc thay đổi chính sách này (cũng có thể là đã tham khảo mô hình của Nhật). Cũng như nhiều người nghiên cứu về giáo dục, tôi rất mong sớm được đọc các bằng chứng khoa học liên quan tới sự thay đổi này” ông Hiệp cho hay.

Cũng theo ông Phạm Hiệp, một khi chính sách mới đi vào hiệu lực, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT sẽ gặp phải một vấn đề.

Vấn đề đó là cơ cấu giáo dục đào tạo ngành điều dưỡng (vẫn tồn tại sơ cấp và trung cấp) không tương thích với tiêu chuẩn lao động của ngành (chỉ chấp nhận cao đảng). 

“Từ nay đến năm 2021, hai Bộ cần có lộ trình giải quyết vấn đề này, ví dụ như có kế hoạch về nâng cấp, sáp nhập, giải thể các trường/hệ trung cấp hiện hành. Và rõ ràng, khi tiến hành các kế hoạch đó, bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi cho người học, hai Bộ cũng cần xét đến đội ngũ cán bộ, giảng viên đang làm việc tại các trường/hệ trung cấp” ông Hiệp nhấn mạnh. 

Xuân Trung