Giáo sư Lâm Quang Thiệp nhìn lại 10 năm đầu đổi mới giáo dục đại học

27/09/2017 06:38
Giáo sư Lâm Quang Thiệp
(GDVN) - Sự tương đồng của quá trình Bologna và việc đổi mới giáo dục đại học của nước ta trong thập niên đầu tiên cũng là một niềm “an ủi".

LTS: Được biết, thập niên đầu tiên của quá trình đổi mới giáo dục đại học (1987-1997) là giai đoạn khởi đầu cơ bản và phức tạp nhất. 

Nhân kỷ niệm lần thứ 30 năm bắt đầu đổi mới giáo dục đại học, Giáo sư Lâm Quang Thiệp - Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) giai đoạn 1988 đến 1997 vừa mô tả lại các chủ trương đổi mới quan trọng, vừa như hồi ức của một người trong cuộc.

Trong kỳ cuối (kỳ 4), chuyên gia này cùng độc giả đánh giá tổng kết về chủ trương đổi mới đó. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Có thể nói theo đường lối đổi mới kinh tế xã hội của Đại hội Đảng lần thứ VI, giáo dục đại học nước ta đã triển khai đổi mới cơ bản, và thập niên đầu của thời kỳ đổi mới là thời gian đặt nền móng đầu tiên cho các đổi mới. 

Để hiểu rõ hơn các chủ trương đổi mới giáo dục đại học ở nước ta trong thập niên đầu, hãy so sánh với quá trình Bologna của EU.

Tuyên ngôn Bologna (với tiêu đề là “Không gian giáo dục đại học Châu Âu” - the European Higher Education Area) được ký tại Bologna, Ý, bởi các vị bộ trưởng giáo dục của 29 nước Châu Âu vào năm 1999, cam kết sẽ phối hợp trong việc điều chỉnh các chính sách của mình để chậm nhất là vào cuối thập niên đầu (2010) của thiên niên kỷ phải thiết lập được Không gian giáo dục đại học Châu Âu, với các nguyên tắc thiết kế và vận hành cơ bản như sau:

1) Xây dựng một hệ thống văn bằng dễ hiểu và dễ so sánh để tăng khả năng tìm việc làm và năng lực cạnh tranh quốc tế cho công dân Châu Âu.

2) Hình thành hệ thống giáo dục đại học về cơ bản dựa trên hai giai đoạn đào tạo, đại học và sau đại học, giai đoạn đầu ít nhất 3 năm, giai đoạn sau dẫn đến bằng thạc sĩ (master) hoặc/và tiến sĩ.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp nhìn lại 10 năm đầu đổi mới giáo dục đại học ảnh 1
Giáo sư Lâm Quang Thiệp - Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) giai đoạn 1988 đến 1997 (Ảnh: Thùy Linh)

3) Thiết lập hệ thống tín chỉ trên tinh thần được tích lũy dần (accumulation) và có thể chuyển tiếp (transferable), xem như phương tiện để tạo nên sự lưu chuyển rộng rãi cho sinh viên. 

4) Tháo gỡ những gì ngăn cản, đối với sinh viên và giáo chức, các nhà nghiên cứu và quản lý, để họ được lưu chuyển tự do học tập và làm việc ở các nước Châu Âu.  

5) Tăng cường quan hệ hợp tác Châu Âu về hệ thống đảm bảo chất lượng bằng cách xây dựng các tiêu chí và phương pháp đánh giá thích hợp.

6) Định hình ý niệm về Không gian giáo dục đại học Châu Âu, đặc biệt đối với vấn đề phát triển chương trình đào tạo, sự hợp tác giữa các trường đại học, sự trao đổi lưu động và các chương trình giáo dục, đào tạo, nghiên cứu tích hợp.  

Giáo sư Lâm Quang Thiệp nhìn lại 10 năm đầu đổi mới giáo dục đại học ảnh 2

Đào tạo đại học không nên được quan niệm chỉ là đào tạo nghề

Cho đến năm 2015 đã có 49 quốc gia trong và ngoài EU ký kết tham gia quá trình Bologna để thực hiện mục tiêu Bologna.

Từ năm 1999 đến 2010 cứ hai năm một lần, Bộ trưởng Đại học các nước tham gia quá trình Bologna để kiểm điểm và thúc đẩy quá trình thực hiện.

Sau khi cơ bản đạt các mục tiêu vào năm 2010, các Bộ trưởng còn khẳng định là Quá trình Bologna sẽ được tiếp tục trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21 để đạt trọn vẹn các mục tiêu của Tuyên ngôn Bologna, và các hội nghị Bộ trưởng sẽ được tổ chức cứ 3 năm một lần.

Nếu so sánh các chủ trương đổi mới giáo dục đại học với các nguyên tắc thiết kế của quá trình Bologna, chúng ta thấy có sự trùng hợp khá lý thú.

Ngoài hai nguyên tắc 4 và 6 đặc trưng cho các nước châu Âu, các nguyên tắc 1, 2, 3, 5 về cơ cấu hệ thống, văn bằng, đào tạo theo giai đoạn, học chế tín chỉ, hệ thống đảm bảo chất lượng của quá trình Bologna đều trùng hợp với các chủ trương của chúng ta trong thời kỳ đầu đổi mới giáo dục đại học.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp nhìn lại 10 năm đầu đổi mới giáo dục đại học ảnh 3

Đại học đa lĩnh vực thành công trên thế giới, nhưng sao gặp "sự cố" ở ta?

Vì sao có sự trùng hợp đó?

Không thể nói chúng ta “bắt chước” EU, vì chúng ta thực hiện đổi mới giáo dục đại học trước quá trình Bologna một thập niên. Chuyện ngược lại tất nhiên cũng không thể.

Như vậy sở dĩ có sự trùng hợp đó phải chăng vì cả hai đều mong muốn xây dựng một hệ thống giáo dục đại học mạnh, đủ năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ở thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế?  

Tuy nhiên, quá trình Bologna và việc đổi mới giáo dục đại học ở nước ta cũng có một điều khác nhau rõ rệt, đó là: các nước châu Âu thực hiện quá trình Bologna rất khẩn trương, quyết liệt;

Còn việc đổi mới giáo dục đại học ở nước ta được thực hiện như “tiếng kèn ngập ngừng”, tiến rồi dừng, dừng rồi tiến, như chúng tôi đã mô tả trên đây.   

Dù sao sự tương đồng của quá trình Bologna và việc đổi mới giáo dục đại học của nước ta trong thập niên đầu tiên cũng là một niềm “an ủi” cho những người đã góp phần khởi xướng và thực hiện đổi mới giáo dục đại học: chúng ta đã đi đúng hướng.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp