Giáo sư Lê Huy Bá: Nhà máy nước sông Đà coi thường sức khoẻ, tính mạng người dân

30/10/2019 06:19
Vũ Phương
(GDVN) - Giáo sư Lê Huy Bá: “Đúng là sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Cơ quan chức năng cần xem xét hành vi cố tình bán nước bẩn cho người dân”.

Sự việc nhà máy nước sông Đà cung cấp nước nhiễm dầu thải có mùi khét gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân, nhiều trường học, hàng vạn học sinh ở khu vực phía Tây Hà Nội khiến dư luận bức xúc nhiều ngày qua.

Sau 17 ngày khủng hoảng nước nhiễm dầu gây phẫn nộ trong dư luận, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) mới có thông cáo báo chí trên website, trong đó lồng ghép nội dung xin lỗi qua loa và gắn thêm ý miễn tiền nước một tháng trong thời gian xảy ra sự cố.

Hành động qua loa, đại khái của của Viwasupco khiến nhiều người cho rằng doanh nghiệp này chưa thể hiện thái độ cầu thị, nếu không muốn nói thẳng là đã quá coi khách hàng của mình.

Khi nước nhiễm dầu thải Viwasupco vẫn bất chấp cung cấp nước tới người dân phía Tây Hà Nội đó là hành vi sai trái đáng phải lên án, cho nên không thể chỉ xin lỗi qua loa và "miễn phí" tiền nước một tháng là xong chuyện.

Cái người dân cần lúc này là họ phải biết tường tận chi tiết vì sao dầu thải lọt qua cả quy trình sản xuất của nhà máy và đi tới tận bể nước ăn của từng gia đình? Phải làm rõ vấn đề này bởi nó có liên quan tới hệ thống kỹ thuật (có đảm bảo an toàn không?) và ý thức đạo đức của một số cán bộ làm việc tại nhà máy này.

Vì tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 15/10/2019 thì một lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, một số cán bộ của nhà máy nước sông Đà biết có dầu thải nhưng không ngăn chặn, không báo cáo, mặc kệ cho dầu tràn vào.

Cho dân ăn nước bẩn, xin lỗi kiểu đãi bôi là xong?
Cho dân ăn nước bẩn, xin lỗi kiểu đãi bôi là xong?

Như vậy, đó là vấn đề đạo đức!

Nhưng bên cạnh đó rõ ràng là hệ thống kỹ thuật của nhà máy này không bình thường cho nên mới để lọt dầu thải ra các đường ống nước bơm tới nhà dân. Vậy thì ngoài sự việc dầu thải này, còn những tạp chất khác thì sao? Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu có những kẻ đổ trộm hóa chất khác, liệu hệ thống của sông Đà có ngăn chặn nổi không?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia hàng đầu về môi trường là Giáo sư Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng, Viện Khoa học công nghệ và Quản lý Môi trường (Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá vụ việc nước nhiễm dầu xảy ra tại nhà máy nước sông Đà là rất nghiêm trọng.

Giáo sư Lê Huy Bá nhấn mạnh: “Nước nhiễm dầu thải sẽ ảnh hưởng rất lớn, lâu dài tới sức khỏe người sử dụng nguồn nước bẩn đó nếu không được xử lý triệt để.

Cần phải hiểu rằng, dầu thải nhiễm trong nước nhẹ thì nổi lên mặt nước thành váng, nặng thì chìm xuống. Lâu dần dầu thải trong nước kết tủa thành dạng keo.

Để lọc được dầu từ trong nước phải sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến bởi có thể phân tử phân tán rất nhỏ, có cả phân tử mùi trong nước rất khó xử lý.

Người ăn phải nước nhiễm dầu sẽ rất khó đào thải ra, lâu dần sẽ gây bệnh vào người. Như con vật, loài chim, vịt chỉ dính dầu vào lông, vào da, lâu ngày độc thấm vào da rồi chết”.

Giáo sư Lê Huy Bá cho rằng, biết nước nhiễm bẩn vẫn cung cấp cho dân là không chấp nhận được. Ảnh: Đại học Công nghệ Thực phẩm.
Giáo sư Lê Huy Bá cho rằng, biết nước nhiễm bẩn vẫn cung cấp cho dân là không chấp nhận được. Ảnh: Đại học Công nghệ Thực phẩm. 

Cũng theo Giáo sư Lê Huy Bá, để hạn chế độc hại của nước bẩn nhiễm dầu, người dân cần thau rửa bể thường xuyên. Còn để lọc hoàn toàn dầu thải có trong nước là điều rất khó vì đòi hỏi công nghệ, máy móc tiên tiến, hiện đại. Điều đó cho thấy hệ thống máy móc của nhà máy nước sông Đà không hiện đại - điều đó dẫn tới lo lắng cho hàng vạn gia đình ở Hà Nội.

Về việc nước sinh hoạt, ăn uống của người dân có mùi lạ, mùi khét của dầu, Giáo sư Lê Huy Bá phân tích: “Để lọc được nước nhiễm dầu từ đầu nguồn, nhà máy phải được trang bị công nghệ rất hiện đại, đắt tiền.

Qua vụ việc vừa rồi có thể thấy cách quản lý nhà máy nước sông Đà quá yếu kém, tắc trách. Họ quá coi thường sức khỏe, tính mạng người dân, những khách hàng hàng tháng vẫn trả cho họ một khoản tiền đều đặn”.

Vị chuyên gia hàng đầu về môi trường đặt nghi vấn, công nghệ, máy móc lọc nước của nhà máy nước sông Đà đã lạc hậu? Nếu công nghệ lọc nước của nhà máy này vẫn đảm bảo thì quy trình xử lý nước có vấn đề, quy trình lọc có bị cắt xén hay không, cái này cơ quan chức năng cần làm rõ?

Sau khi bị người dân phát hiện nước có mùi khét, nhà máy nước sông Đà mới thực hiện các biện pháp ngăn dầu thải. Ảnh: G.C/VNE
Sau khi bị người dân phát hiện nước có mùi khét, nhà máy nước sông Đà mới thực hiện các biện pháp ngăn dầu thải. Ảnh: G.C/VNE

Giáo sư Lê Huy Bá nhấn mạnh: “Nước sinh hoạt người dân dùng bị nhiễm dầu thải có mùi khét lần này, cơ quan chức năng phải xem xét trách nhiệm chính thuộc về Công ty nước sạch sông Đà.

Công ty nước sạch sông Đà phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì cung cấp nước bẩn đến nhà dân. Không thể xin lỗi là xong.

Trở lại câu chuyện nước sông Đà, lâu nay họ cung cấp nước ăn, nước sinh hoạt cho dân như thế nào ai biết chất lượng ra sao. Vụ việc xảy ra người tiêu dùng mới giật mình về chất lượng nước nhà máy nước sông ĐàĐúng là sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc xem hành vi cố tình bán nước bẩn cho người dân thì phải xử lý thật nghiêm, thậm chí xem xét trách nhiệm hình sự”.

Hòa Bình đã khởi tố vụ án, bao giờ Hà Nội mới làm?
Hòa Bình đã khởi tố vụ án, bao giờ Hà Nội mới làm?

Giáo sư Lê Huy Bá cũng cho rằng, dù công nghệ hiện đại, nhưng những người vận hành, xử lý nhà máy nước phải chuyên nghiệp, có tâm. Biết nước nhiễm dầu vẫn bán cho dân đó là sự vô trách nhiệm của nhà máy nước sông Đà.

Để bảo vệ sức khỏe người dân sau sự cố nghiêm trọng nước nhiễm dầu, cần kiểm tra lại toàn bộ hệ thống giám sát, quản lý, lấy mẫu phân tích từ nước đầu nguồn đến vòi nước nhà dân. Chất lượng ra sao phải xử lý đến đó.

Giáo sư Lê Huy Bá cũng cảnh báo, chất lượng nước tại miền Bắc rất dễ nhiễm asen vì địa chất vùng sông Hồng như vậy. Bởi vậy, nếu quy trình, nhà máy lọc nước không đảm bảo, nước sẽ khó đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Chỉ khi phân tích bằng lý hóa mới phát hiện được nước nhiễm asen. Bởi vậy, người dân là khách hàng, họ trả tiền mua nước, họ phải biết chất lượng nước như thế nào, các chỉ số ra sao.

Lâu nay người dân bỏ tiền mua nước sạch, nhưng nước cung cấp đến nhà dân có đảm bảo sạch, nước an toàn hay không thì khó mà biết được.

Vũ Phương