Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Thanh niên ở thời đại 4.0 đừng để bị robot thay thế

12/12/2020 06:50
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa mở ra cơ hội lớn nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho thế hệ trẻ của Việt Nam khi nước ta đang ngày càng hội nhập quốc tế...

Trong tiết trời se lạnh đầu đông, hơn 1.000 học sinh trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Việt Yên, Bắc Giang) đã có mặt từ rất sớm để chuẩn bị cho một ngày đặc biệt.

Ngày nhà trường vinh dự đón diễn giả, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng về trò chuyện trong buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức.

Thầy trò háo hức đón vị diễn giả nổi tiếng. Ảnh: Trung Dũng

Thầy trò háo hức đón vị diễn giả nổi tiếng. Ảnh: Trung Dũng

Buổi hội thảo diễn ra trong không khí chăm chú theo dõi của đông đảo học sinh, thầy cô với diễn giả là một người thầy từng tốt nghiệp đại học trẻ nhất Việt Nam, cũng có thể là do cách chia sẻ vui vẻ và khoa học nên Giáo sư đã dẫn dắt được người nghe đi từ bất ngờ này tới ngỡ ngàng khác.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tại buổi hội thảo. Ảnh: Trung Dũng

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tại buổi hội thảo. Ảnh: Trung Dũng

Bên cạnh đó, Giáo sư cũng đã có những chia sẻ rất thật về bản thân và gia đình. Nói về những thiếu thốn của các thế hệ các giáo viên ngày xưa, vị diễn giả không giấu nổi xúc động: “Nghĩ lại hồi ấy sao chúng tôi gian khổ thế, không được ngồi học ở ngôi trường đẹp và khang trang như các em thế này. Chúng tôi phải học ban đêm mà còn không có điện, thậm chí là không có cả đèn dầu như bây giờ.

Ngày đó, chúng tôi phải tự tạo ra những cái đèn tự chế, khi học một tay che đèn, một tay viết tránh bị gió thổi tắt và khi đó tôi nhận ra rằng học chính là cho mình không phải học cho người khác. Cuộc sống là do mình quyết định chứ không phải từ sự sắp đặt của người khác”.

Đông đảo học sinh có mặt tại buổi hội thảo. Ảnh: Trung DũngĐông đảo học sinh có mặt tại buổi hội thảo. Ảnh: Trung Dũng

Giáo sư lại nói tiếp về tầm quan trọng cũng như cách học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Một mẹo nhỏ được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng bật mí: “Tôi đã đi được 30 nước và tôi thấy ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng là quan trọng vô cùng.

Lời khuyên của tôi dành cho các em là phải học ngoại ngữ, các em phải kết hợp giữa việc học ở trường và tự học. Vậy cách học tiếng Anh như nào cho hiệu quả, đầu tiên các em phải học được các từ tối thiểu.

Các em cố gắng học và phải thuộc nằm lòng ít nhất 1.000 từ thì may ra các em mới có thể tự tin giao tiếp trong xã hội”.

Các học sinh giao lưu cùng giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Trung Dũng

Các học sinh giao lưu cùng giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Trung Dũng

Về cuộc cách mạng 4.0, Giáo sư không quên việc nêu khái quát và đầy đủ các thông tin, sự kiện liên quan về các thành tựu của các cuộc cách mạng trước đó để các học sinh dễ hình dung.

Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh về ảnh hưởng của nó, cuộc cách mạng này vừa mở ra cơ hội lớn nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho thế hệ trẻ của Việt Nam khi nước ta đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.

“Trong tương lai, khi robot thay thế công việc của con người, nhiều lao động ở một số ngành nghề có thể đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Nếu các em không trang bị cho mình những hành trang kỹ năng tiến bộ, đổi mới để phát triển bản thân thì rất có thể chính các em sẽ là nạn nhân của tình trạng này.

Đại học không phải là con đường duy nhất để dẫn tới thành công các em hãy nhớ lấy điều đó. Chính tôi cũng đã gặp và giúp đỡ rất nhiều nông dân trở thành tỷ phú nhưng trình độ của họ cũng không phải là đại học hay cao hơn.

Trong tương lai thế hệ các em chính là những chủ nhân của đất nước. Tôi mong các em tiếp cận công nghệ mới và không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên” Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói.

Để các học trò không bị mơ hồ về lý thuyết của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Giáo sư đã kể cho thầy cô, học sinh toàn trường nghe về những tấm gương có thật về sự kiên trì, vượt qua số phận vươn lên trong cuộc sống. Làm động lực cho các em có những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo trong thời kỳ công nghiệp mới.

Đó là câu chuyện về Lê Thị Thắm vượt lên nghiệt ngã của số phận khi sinh ra không có hai tay như người thường, nhưng vẫn phấn đấu và đạt giải nhất viết chữ đẹp toàn tỉnh Thanh Hóa bằng chân.

Rồi tiếp đến là câu chuyện của Trần Hồng Giang ở Nam Định tuy liệt cả tay lẫn chân nhưng có thu nhập cao hơn mọi thanh niên trong làng từ việc biên tập sách cho các nhà xuất bản. Hay câu chuyện kể về cuộc đời của anh nông dân Trịnh Xuân Mười (Mười Bơ) vươn lên làm giàu khi trình độ chưa hết cấp hai.

Buổi hội thảo càng thêm thú vị hơn với phần tương tác giữa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng với các bạn học sinh. Các em học sinh mạnh dạn đặt rất nhiều câu hỏi về những băn khoăn lứa tuổi học đường, về những hành trang cần thiết của các bạn trẻ trước thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần. Những băn khoăn này đã được thầy giải đáp và truyền thêm cảm hứng cho các bạn học sinh, đặc biệt là quan điểm “học để trở thành người tự do”.

Thầy Nguyễn Danh Bắc – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Việt Yên, Bắc Giang) tặng hoa cảm ơn diễn giả vì buổi chia sẻ đầy ý nghĩa. Ảnh: Trung DũngThầy Nguyễn Danh Bắc – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Việt Yên, Bắc Giang) tặng hoa cảm ơn diễn giả vì buổi chia sẻ đầy ý nghĩa. Ảnh: Trung Dũng

Phát biểu tại buổi lễ, thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Việt Yên, Bắc Giang) cho rằng: “Cuộc nói chuyện hôm nay của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã đem đến cho thầy trò trường chúng tôi rất nhiều điều bổ ích.

Buổi hội thảo không những giúp các em học sinh của nhà trường được tiếp thu nhiều kiến thức sâu sắc mà còn giúp các em sống tình nghĩa và có trách nhiệm hơn với tương lai của chính mình. Thay mặt nhà trường, tôi xin cảm ơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã kết hợp tổ chức buổi hội thảo vô cùng ý nghĩa này”.

Các giáo viên nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng giáo sư. Ảnh: Trung Dũng

Các giáo viên nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng giáo sư. Ảnh: Trung Dũng

Được biết, trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt được Chủ tịch tỉnh Bắc Giang ký quyết định thành lập ngày 04/7/2002 là địa điểm học tập của học sinh các xã Vân Hà, Tiên Sơn, Trung Sơn và Ninh Sơn trên cơ sở trước đây là trường Phổ thông cấp 2 và 3 huyện Tiên Sơn.

Giai đoạn đầu thành lập, trường được xây dựng trên diện tích 10.000m2 với 01 dãy nhà 3 tầng (15 phòng học), 01 nhà cấp 4 (3 phòng học), 01 nhà 3 tầng bố trí các phòng điều hành, 01 dãy nhà cấp 4 làm khu nhà ở tập thể cho cán bộ giáo viên. Nay quy mô nhà trường đã tăng lên 24 lớp với trên 1.000 học sinh và hơn 60 cán bộ giáo viên.

Chuỗi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Trung Dũng