Giáo viên bác bỏ tuyên bố sai sự thật của Hiệu trưởng trường kinh dị

23/10/2014 15:13
Thế Phú
(GDVN) - Theo Tổ trưởng tổ Hóa, chính cô Hiệu trưởng đã áp đặt các giáo viên trong tổ phải kiêm nhiệm vụ giám thị, chứ không giáo viên nào muốn, đồng tình.

Liên quan đến việc Thạc sĩ Nguyễn Đức Thắng – giáo viên Hóa học, trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn, TP.HCM phải làm kiêm thêm nhiệm vụ giám thị do tổ Hóa dư giáo viên, tối ngày 22/10, cô Ngô Thanh Huyền – tổ trưởng tổ Hóa đã bác bỏ ý kiến của Hiệu trưởng khi cho rằng các giáo viên cũng đồng thuận việc làm trên.

Áp đặt giáo viên làm giám thị

Theo cô Huyền cho biết, năm 2010, tổ Hóa có 3 giáo viên xin tạm nghỉ việc do nhiều lý do cá nhân khác nhau. Tới khoảng tháng 7/2010 đã có thêm 1 giáo viên nữ đi dạy trở lại, và tới đầu năm 2011 lại có thêm 1 giáo viên nữ khác đi dạy trở lại.

Nếu tính luôn 3 giáo viên xin tạm nghỉ việc, thì khi đó, tổ Hóa còn 4 giáo viên, chia ra cho 32 lớp học thì mỗi giáo viên cũng chỉ mới dạy có 16 tiết/tuần, chưa đủ quy định của Bộ GD&ĐT (17 tiết/tuần), không tính làm công tác giáo viên chủ nhiệm.

Tổ Hóa của trường hiện có 8 người, tính ra là dư 3 giáo viên. Đầu năm 2012 (năm học 2012 – 2013), cô Đào Thị Kim Nhi – Hiệu trưởng tổ chức  một cuộc họp của tổ Hóa lại, đề nghị các giáo viên làm kiêm nhiệm giám thị do dư giáo viên Tổ trưởng, tổ phó sẽ không phải làm vì còn làm công tác quản lý chuyên môn.

Các giáo viên tổ Hóa còn lại phải tự sắp xếp để làm giám thị 1 buổi. Sau khi nghe thông tin này, các giáo viên trong tổ chỉ im im ra về, và lịch làm giám thị đã được sắp xếp ngay sau đó, chứ không phải các giáo viên “đồng ý hay đồng thuận cao”, mà chỉ vì đơn giản một điều “sếp nói thì phải im nghe theo mà làm theo, chứ chẳng ai hỏi han có đồng ý hay không”.

Các giáo viên tổ Hóa - trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn, TP.HCM (ảnh: website trường)
Các giáo viên tổ Hóa - trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn, TP.HCM (ảnh: website trường)

Khi đó, các giáo viên trong tổ tưởng chỉ làm đỡ 1 năm học. Năm sau, giám thị nghỉ sinh con lại đi làm bình thường, thì các giáo viên tổ Hóa sẽ không phải làm giám thị nữa.

Cũng theo cô Huyền, có ngờ đâu kể từ năm học 2013 – 2014 trở về sau, có một điều mặc nhiên xảy ra tại trường THPT Nguyễn Hữu Tiến là các giáo viên tổ Hóa phải đi làm giám thị kiêm nhiệm, đầu năm là thấy bảng phân công, chia nhau làm giám thị được dán lên, chẳng ai kịp phản ứng hay hó hé điều gì.

Cô Trần Thị Hiền – một giáo viên Hóa khác phản ánh: Cuối năm học 2012 – 2013, khi chỉ còn 1 tháng nữa là học sinh lớp 12 đi thi tốt nghiệp THPT (năm đó có thi Hóa), một số giáo viên Hóa đã quá mệt mỏi khi vừa phải tập trung ôn thi căng thẳng cho học sinh, vừa phải làm kiêm nhiệm giám thị, nên đã xin cô Hiệu trưởng cho xin ngưng công tác làm giám thị.

Thế nhưng, đáp lại mong muốn này của các giáo viên, cô Nhi đã tuyên bố rất lạnh lùng: Sẽ cắt tiền ôn thi tốt nghiệp THPT của giáo viên, lấy số tiền này bù vào số tiết thiếu làm giám thị của các giáo viên. Do đó, các giáo viên phải “ngậm đắng, nuốt cay” vừa ôn thi cho học sinh, vừa làm công tác giám thị ở trường, rất mệt mỏi.

Nếu giáo viên không muốn làm giám thị kiêm nhiệm, thì phải đi dạy bồi dưỡng học sinh giỏi cho trường (không có thù lao để bù số tiết thiếu).

Hiệu trưởng nói không đúng sự thật

Khác với lời giải trình của Hiệu trưởng trường Nguyễn Hữu Tiến – cô Đào Thị Kim Nhi, các cựu học sinh trường cảm thấy rất bức xúc khi cô Hiệu trưởng nói không đúng với thực tế các em đã phải làm.

Học sinh Bùi Đức Thuận – cựu học sinh lớp 12A3 kể lại: Năm ngoái, tiền thu thêm của học sinh lớp 12 vào cuối năm học 200.000 đồng để bồi dưỡng giáo viên, theo đúng tinh thần là tự nguyện, nhưng khi đã gần đến hết năm học, chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đi thi, các học sinh lên lấy phiếu báo danh để chuẩn bị đi thi tốt nghiệp THPT, thì thầy Nguyễn Văn Phước và cô Trần Thị Tuyết Mai đề nghị phải đóng số tiền nói trên, cùng với thêm 50.000 đồng/tiền bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.

Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Do vậy, các em học sinh buộc phải nghe theo lời đề nghị này để có được phiếu báo danh khi mà kỳ thi quan trọng của đời học sinh đang sắp đến gần.

Còn đối với phí rút sổ Đoàn 44.000 đồng/học sinh, em Trần Thị Bích Tuyền (Bí thư chi Đoàn 12A3) đã khẳng định: Cô Hiệu trưởng phát biểu không đúng.

Theo Tuyền cho biết, tiền Đoàn phí các học sinh đều đã đóng trong năm học đầy đủ, tiền sổ Đoàn cũng đã đóng, nên khi rút sổ sinh hoạt Đoàn, các em học sinh cũng không biết 44.000 đồng tiền phí này được dùng để làm gì.

Một điều đáng lưu ý khác, trừ khoản tiền học phí thu theo đúng quy định, các khoản tiền thu còn lại mà nhà trường thu của học sinh chưa từng bao giờ có biên lai.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh về câu chuyện ở ngôi trường này.

Thế Phú