Giáo viên băn khoăn năm học 2022-2023 có thực hiện giảm tải chương trình?

20/08/2022 06:44
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số giáo viên đang băn khoăn là năm học tới đây, những nội dung giảm tải theo Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH có còn hiệu lực hay không?

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương trong năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông ứng phó với dịch Covid-19.

Vì thế, trong năm học vừa qua, gần như tất cả các môn học ở cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đều đã được giảm tải rất nhiều đơn vị kiến thức để chuyển sang tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu…

Năm học 2022-2023 đã cận kề, một số giáo viên băn khoăn là năm học tới đây những nội dung giảm tải theo hướng dẫn của Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH có còn hiệu lực hay không?

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Thực tế nội dung trong Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình từ ngày 19/4/2022, Bộ cũng đề cập vấn đề này khá cụ thể.

Theo đó, đối với lớp 6, lớp 7, lớp 10: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512).

Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng Kế hoạch dạy học các môn học, Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, Kế hoạch giáo dục của giáo viên, Kế hoạch bài dạy (giáo án).

Đối với các lớp còn lại: Tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017 hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.

Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy của giáo viên (hoàn thiện kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy đã được xây dựng và thực hiện từ các năm học trước).

Như vậy, các lớp giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện các kế hoạch giáo dục theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020.

Những lớp vẫn đang còn thực hiện chương trình 2006 sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017.

Riêng đối với môn Ngữ văn, Bộ đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu ở các nhà trường.

Mặc dù Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH và Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH không đề cập đến nội dung giảm tải của Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH nhưng có thể hiểu là đa số những nội dung giảm tải ở năm học trước sẽ được giảng dạy chính khóa trên lớp trong năm học 2022-2023 tới đây.

Bởi lẽ, Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017 hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018 đã yêu cầu khá cụ thể.

Đó là tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa;

Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong sách giáo khoa hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn; từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

Và, việc rà soát, tinh giản những nội trùng lặp, những kiến thức lạc hậu hoặc sắp xếp thành những bài tích hợp hoặc các chủ đề thì các nhà trường đã thực hiện từ ngay thời điểm Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH có hiệu lực - khi mà dịch bệnh Covid-19 chưa xuất hiện.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Bộ Giáo dục đã ban hành Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông ứng phó với dịch Covid-19 nhưng đến nay mọi thứ đã dần ổn định thì việc giảng dạy, học tập theo các nội dung kiến thức, phân phối chương trình theo hướng dẫn của Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH là điều hợp lý.

Như vậy, theo hướng dẫn của Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình từ ngày 19/4/2022 thì năm học 2022-2023 tới đây các kế hoạch giáo dục ở nhà trường sẽ được thực hiện như thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa xuất hiện.

Đây cũng là điều mà các nhà trường và giáo viên lưu ý để chuẩn bị các kế hoạch giáo dục nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2022-2023 tới đây.

Tài liệu tham khảo:

-https://vanbanphapluat.co/cong-van-1496-bgddt-gdtrh-2022-chuong-trinh-giao-duc-trung-hoc-nam-hoc-2022-2023

-https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-4612-BGDDT-GDTrH-2017-huong-dan-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-hien-hanh-364244.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH