Giáo viên Bình Thuận nháo nhào đăng ký đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

19/07/2020 07:24
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ đang sửa thông tư, thầy cô nên bình tĩnh, đừng vội chạy theo các lớp chứng chỉ.

Những ngày giữa tháng 7 vừa kết thúc một năm học với nhiều biến động, chưa kịp nghỉ hè thì nhiều nhà giáo của tỉnh Bình Thuận lại nháo nhào trước thông tin phải đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nếu không muốn bị xuống hạng sau khi xếp lại lương.

Công văn về việc đăng ký học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp Sở Giáo dục tỉnh Bình Thuận gửi về các trường học (Ảnh tác giả).

Công văn về việc đăng ký học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp Sở Giáo dục tỉnh Bình Thuận gửi về các trường học (Ảnh tác giả).

Không còn là thông tin từ “thông tấn xã vỉa hè”, không còn là những lời đồn thổi qua miệng nhau mà có công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận gửi về các trường hẳn hoi.

Nội dung Công văn số: 1507/SGDĐT-TCCB&QLCLGD Bình Thuận, ngày 15 tháng 7 năm 2020 về việc thông báo mở các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập nói gì?

Nhằm tạo điều kiện cho công chức, viên chức giảng dạy bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức theo quy định tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 và đảm bảo cho đội ngũ công chức, viên chức đủ các điều kiện để xét/thi thăng hạng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong thời gian tới;

Trên tinh thần đó, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng tổ chức các lớp Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chức, viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, nội dung khóa học cụ thể như sau:

Công chức, viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhu cầu, tự nguyện đăng ký tham gia bồi dưỡng phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của mình đã được bổ nhiệm.

Công văn của Sở Giáo dục chỉ là “Thông báo mở các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập” và nhấn mạnh học theo nhu cầu, tự nguyện.

Vậy tại sao giáo viên lại hoang mang, nháo nhác đăng ký đi học?

Nhiều giáo viên nói rằng dù không muốn đăng ký đi học lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp lúc này vì thấy chứng chỉ phải nộp một khoản tiền không hề nhỏ (2.5 triệu đồng/khóa chưa kể tiền ăn uống, đi lại, thuê nhà trọ cho giáo viên ở huyện xa) nhưng một số Ban giám hiệu lại nói rằng:

“Nếu những giáo viên đang ở hạng ngạch cao không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sẽ bị xuống hạng thấp hơn khi xếp lại lương” nên mới tỏ ra hoang mang, lo sợ.

Người lại nói: "Không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đang ở hạng 2 sẽ xuống hạng 3 lương thấp hơn đó".

Giáo viên chủ yếu sống bằng lương. Thế nên việc bị dọa sẽ xuống lương đồng nghĩa với việc thu nhập của gia đình sẽ mất đi một khoản.

Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống đặc biệt là đối với gia đình có 2 vợ chồng là giáo viên.

Có chuyện giáo viên sẽ bị xuống hạng khi chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không?

Cách đây hàng chục năm, hàng trăm ngàn nhà giáo đã được chuyển ngạch sang hạng nhưng chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Những giáo viên này được xem là còn “nợ” chứng chỉ chức danh.

Theo các Thông tư liên tịch nêu trên thì hiện nay, đối với hạng chức danh nghề nghiệp thấp nhất của mỗi cấp học (hạng IV đối với cấp mầm non, tiểu học; hạng III đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông) thì chưa có yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, các hạng còn lại đều có yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Bởi thế, giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là đúng với các quy định đã ban hành.

Thế nhưng hiện vẫn chưa có công văn chỉ đạo nào nói rằng nếu thầy cô nào chưa đủ chứng chỉ về chức danh nghề nghiệp sẽ bị xuống hạng như thông tin một số lãnh đạo các trường nói với giáo viên.

Tin nhắn của một lãnh đạo trường học cho giáo viên (Ảnh tác giả).

Tin nhắn của một lãnh đạo trường học cho giáo viên (Ảnh tác giả).

Chứng chỉ là những giấy phép con

Học 4 năm sư phạm ra trường giảng dạy hàng chục năm, có người lên đến hơn 30 năm nhưng nay vẫn phải đi học dăm bảy ngày để lấy cái gọi là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho đủ hồ sơ nghĩ có nực cười không?

Cũng giống như một vị giáo sư ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ông đã hướng dẫn thành công 8 nghiên cứu sinh, khoảng 50 thạc sĩ, trên 100 cử nhân, đã dạy đại học và cao học hơn 20 học kỳ và đã được bổ nhiệm làm giảng viên cao cấp. Thế mà hiện nay, ông vẫn phải buộc đi học chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm [1], liệu có hợp lý không?

Trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về các văn bằng chứng chỉ “giấy phép con” hành khổ công chức, viên chức, Bộ trưởng đã nói:

“Chúng tôi cam kết sẽ sửa vào năm 2020 sau khi Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức được sửa đổi. Thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch... đúng theo quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ nào”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa các thông tư về chức danh nghề nghiệp giáo viên, trong đó cân nhắc có nên duy trì các chứng chỉ "không cần thiết" như nhận xét của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, nên các thầy cô đừng vội.

Ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao đổi với Giáo dục Việt Nam:

Từ khi các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông được ban hành, đã có rất nhiều ý kiến phản ánh về quy định trình độ ngoại ngữ, tin học đối với các chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông.

Tiếp thu ý kiến góp ý, trong các Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên (đang được đăng tải trên cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến góp ý rộng rãi của các tổ chức, cá nhân), Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến không quy định về trình độ ngoại ngữ đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giữ hạng IV và giáo viên mầm non giữ hạng III, bỏ quy định về ngoại ngữ 2 đối với giáo viên ngoại ngữ ở các cấp học phổ thông;

Đồng thời, quy định việc quy đổi tương đương về trình độ ngoại ngữ, tin học đối với các chức danh nghề nghiệp giáo viên nhằm tạo điều kiện để giáo viên có thể sử dụng được những văn bằng, chứng chỉ đã được cấp trong thời gian qua.

Tuy nhiên, về vấn đề này, sau khi tổng hợp các ý kiến góp ý để hoàn thiện các dự thảo Thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng các ý kiến góp ý liên quan đến quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học; trao đổi, thống nhất với Bộ Nội vụ để đưa ra quy định phù hợp, bảo đảm thuận lợi nhất cho giáo viên mà không ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ và không trái với các quy định của Luật Viên chức.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/giao-duc/gian-lan-thi-chung-chi-den-luc-can-khai-tu-kieu-chung-chi-lam-dep-ho-so-749618.ldo

Phan Tuyết