Giáo viên cắm bản nuốt nước mắt vào trong, dồn hết yêu thương cho học trò

15/02/2021 06:20
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ôm con vào lòng bị cậu bé xô ba, mẹ ra và cương quyết từ chối cùng câu nói: “Bố mẹ là của các anh chị học sinh, bà nội mới là của Quốc Gia (tên cậu bé)”.

Tình yêu học trò giúp đôi vợ chồng nhà giáo trẻ vượt qua mọi khó khăn

Năm 2016, thầy giáo trẻ Đặng Quốc Trung được điều động lên Trường Tiểu học Hữu Khuông, thuộc bản Con Phen, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An để giảng dạy. Ngôi trường này thuộc vùng khó khăn và xa nhất của huyện.

Năm nào lớp thầy Trung cũng có học sinh đạt giải trong các hội thi của ngành (Ảnh nhà trường cung cấp)Năm nào lớp thầy Trung cũng có học sinh đạt giải trong các hội thi của ngành (Ảnh nhà trường cung cấp)

Để đến được nơi đây, giáo viên phải có 3 chặng đường vô cùng vất vả và gian nan (đi xe máy, đi đò, đi bộ).

Đoạn đường xe máy từ thị trấn vào cũng khá xa, sau đó, thầy cô phải lên một con thuyền lênh đênh trên sóng nước khoảng 2 tiếng đồng hồ, rồi đi bộ đường rừng quanh co dốc núi hết 1 tiếng mới đến được điểm trường chính.

Từ điểm trường chính còn phải đi bộ vài ba tiếng đồng hồ mới đến được những điểm trường phụ, có điểm trường được ví như ốc đảo hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài.

Nhiều người gọi là trường đúng chuẩn 4 không (không điện, không internet, không sóng truyền hình, không giao thông cơ giới, chợ búa).

Đã thế, khu vực nhà ở của giáo viên thời kỳ này cũng chỉ là những căn nhà tranh tre vách nứa. Mùa đông gió lạnh thấu xương, mùa hè nắng nóng ngột ngạt, oi bức.

Tại đây, thầy Trung đã kết mối lương duyên cùng cô giáo trẻ Lê Thị Thảo. Ngỡ những khó khăn ấy sẽ làm nản lòng đôi vợ chồng trẻ. Vậy mà, thầy cô nói rằng với mình cũng thấy bình thường vì trước khi nhận nhiệm vụ bản thân đã hình dung ra cuộc sống vất vả, khó khăn thiếu thốn của nơi này.

Cô Thảo và học sinh Bản Xàn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An (Ảnh nhân vật cung cấp)Cô Thảo và học sinh Bản Xàn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hơn nữa hai vợ chồng thầy Trung vốn có sự đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh quanh mình nên muốn đem tâm sức để góp phần làm cho cuộc sống nơi đây ngày một tốt đẹp hơn.

Thầy Trung kể, phụ huynh ở đây luôn xem thầy cô như thần tượng, từ người già đến người trẻ đều gọi hai tiếng thầy cô một cách trân trọng.

Còn học sinh vốn dĩ luôn chăm ngoan, lễ phép, các em rất thích được đi học. Đây chính là động lực lớn nhất để giáo viên cắm bản quên đi những khó khăn, vất vả quanh mình.

Hằng ngày, các em gần như ở nhà một mình hoặc ở với ông bà già vì cha mẹ cả tuần trên nương rẫy. Bởi thế, việc học cũng có phần hạn chế vì thiếu sự nhắc nhở của người lớn thường xuyên. Vì điều này, giáo viên cắm bản phải nỗ lực hơn rất nhiều.

Thầy Trung cho biết, lấy nhau hai vợ chồng ở khu tập thể của trường chỉ có học sinh làm nguồn vui, cuộc sống gần như tách biệt với bên ngoài vì không có điện, không có mạng thông tin, không cả chợ búa.

Đồ ăn của giáo viên gần như quanh năm làm bạn với cá mắm khô, trứng, mì tôm mỗi khi về nhà mang lên để sử dụng dần.

Gửi con mình ở quê để dồn tình thương cho học trò

Giáo viên cắm bản phần lớn lấy học sinh làm niềm vui. Ngày dạy các em, đêm về cũng tổ chức dạy (đương nhiên là miễn phí). Những chiếc đèn năng lượng mặt trời được thắp lên hàng đêm để đón học trò. Trò học chữ, thầy cũng phải học thêm tiếng dân tộc để dễ dàng hiểu học sinh hơn.

Nhờ đó, chất lượng học tập của các em được nâng cao mà trình độ giao tiếp với người dân tộc vùng này của giáo viên cũng được cải thiện đáng kể.

Thầy Trung cho biết mình chủ nhiệm lớp 5, lớp cuối cấp nên càng phải chăm lo cho học sinh nhiều hơn để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho các em chuẩn bị bước vào bậc trung học.

Hầu như năm nào lớp thầy chủ nhiệm cũng có học sinh nổi trội tham dự các hội thi lớn của ngành và đạt giải như thi Olympic các môn học (giải nhì, giải ba, giải khuyến khích), thi Hội khỏe phù đổng...

Không chỉ dạy kiến thức, thầy còn tập cho học sinh tính tự học, tự rèn. Mới đầu nhiều em chưa quen nhưng kiên trì tập luyện hàng ngày, phối hợp với phụ huynh cùng thực hiện nên học trò có tiến bộ nhiều.

Ngoài giảng dạy, thầy Trung luôn thu hút sự tham gia của học sinh bằng những tiết sinh hoạt ngoại khóa để rèn kỹ năng, tạo thêm niềm vui cho các em sau mỗi buổi đến trường. Nổi bật nhất là những hoạt động văn nghệ, thể thao, vui Trung thu…

Thấy con cái thay đổi từng ngày, nhiều phụ huynh cảm mến, tỏ lòng biết ơn thầy cô bằng những món quà dân dã như mớ rau rừng, trái bí, trái bầu, quả mướp hay kí nếp, cân khoai…

Còn cô Thảo luôn được nhà trường chọn làm chủ nhiệm học sinh lớp 1. Bởi, ở lứa tuổi lên 6 các em học sinh dân tộc ít người không chỉ yếu kiến thức, tiếp thu chậm mà còn thiếu trầm trọng kỹ năng.

Để dạy lớp 1 tốt, giáo viên phải chịu khó, tận tụy với công việc và chăm lo cho học sinh như chính con cái của mình.

Không ít hôm đi dạy về đến nhà mệt đến lả người, cơm cũng không muốn ăn. Thế nhưng vì lo cho các em, cô lại gắng gượng dạy thêm cả buổi tối để các em theo kịp chương trình.

Nhờ đó, lớp học của cô chủ nhiệm năm nào cũng đạt thành tích xuất sắc, học sinh không chỉ đọc thông còn viết rất đẹp.

Bà nội là của Quốc Gia, ba mẹ là của anh chị học sinh

Sinh con được 6 tháng, hai vợ chồng thầy cô Lê Thị Thảo và Đặng Quốc Trung phải gửi con cho bà nội để trở lại trường tiếp tục công việc giảng dạy.

Do đường xá quá xa và khó khăn trắc trở nên cứ khoảng vài tuần, hai vợ chồng thầy Trung cô Thảo mới thu xếp về thăm con một lần.

Ở xa con, nhất là con đang còn quá bé rất cần sự ôm ấp, yêu thương mỗi ngày cô Thảo nói không nỗi buồn lo nào bằng. Nhiều đêm, nhớ con quá hai vợ chồng chỉ nằm khóc.

Từ nhỏ, cậu bé Quốc Gia đã được bà nội ôm ấp, ẵm bồng. Thương cháu thiếu hơi ấm cha mẹ hằng ngày nên bà nội càng chăm sóc cháu kỹ càng hơn.

Có lẽ suốt đêm, ngày chỉ quen với hình ảnh của bà nội nên cậu bé dần "quên" luôn ba mẹ của mình.

Cô Thảo cho biết, khi con bập bẹ nói, anh chị thường xuyên gọi điện về nói chuyện với con cho đỡ nhớ nhưng lần nào cũng vậy, cậu bé đều cương quyết khước từ, nhất định không chịu nghe máy còn thúc giục: “Bà nội tắt máy đi đừng nghe!”.

Nhớ con đến cháy lòng nhưng cũng không thể về thăm con thường xuyên. Tủi thân khi con cương quyết không nghe máy điện thoại, không chịu nói chuyện với bố mẹ.

Điện thoại không nghe, gặp mặt cũng không cho đụng vào người, khi ôm bé vào lòng nó hất tay bố mẹ ra chẳng khác gì người xa lạ, qua đường.

Cô Thảo nói: “Mỗi lần hai vợ chồng về đến nhà, cậu bé nhìn thấy bố mẹ là tỏ ra giận dỗi, ngó lơ.

Ôm con vào lòng bị cậu bé xô ra cương quyết từ chối cùng câu nói: “Bố mẹ là của các anh chị học sinh, bà nội mới là của Quốc Gia (tên cậu bé)”.

Những lúc như thế, cả hai vợ chồng đều không cầm được nước mắt. Nhiều đêm nằm trên bản mà nhớ về con đến cháy lòng, nhớ từng lời nói vô tư của bé mà không cầm được nước mắt.

Bà nội cũng rất tâm lý, muốn cho vợ chồng ngủ bên con nên cả gia đình cùng ngủ chung một giường. Giận bố mẹ đến nỗi cùng ngủ chung một giường thế nhưng bé cứ nằm sát vào bà nội mà không cho bố mẹ đụng vào.

Thầy Trung thì nói mỗi lần 2 vợ chồng về con vừa kịp làm quen lại đến lúc bố mẹ ra đi nên cháu tỏ ra hụt hẫng.

Hai vợ chồng về nhà chiều thứ 6 nhưng sáng chủ nhật bé mới cho bố mẹ bồng thì chiều bố mẹ lại phải đi lên trường vài tuần sau mới có thể về được.

Và cứ thế, bố mẹ về thấy lạ, đến khi vừa kịp quen lại đi luôn vài tuần sau mới trở về nên khi ấy bé lại nhìn bố mẹ một cách xa lạ, dửng dưng.

Đến nay, cậu bé Quốc Gia đã hơn 3 tuổi, có ai hỏi bé: “Bố mẹ đi đâu?”, cậu bé trả lời thật rành rọt: “Bố, mẹ đi dạy các anh chị lấy tiền nuôi Quốc Gia”.

Câu chuyện con không chịu nhận bố, mẹ mỗi lần đi làm về không chỉ xảy ra ở gia đình cô Thảo, thầy Trung ở Tương Dương mà hầu như những thầy cô giáo cắm bản khác đều phải trải qua những tình huống dở khóc, dở cười như thế.

Hai vợ chồng thầy cô đều là giáo viên dạy giỏi

Xa con, bao nhiêu tình cảm thương nhớ, bao ước mong được chăm sóc con đều được dồn vào những đứa trẻ dân tộc nghèo khổ, thiệt thòi.

Hết lòng vì học sinh, thầy Trung vẫn không quên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Năm học 2019-2020, thầy Trung đã vinh dự đậu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Còn cô giáo Lê Thị Thảo cũng là giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền. Cô có nhiều kinh nghiệm giảng dạy ở lớp 1. Lớp cô chủ nhiệm, dù là học sinh dân tộc vùng khó nhưng các em viết chữ đều tăm tắp và rất đẹp được đồng nghiệp đánh giá cao và được phụ huynh tin yêu.

Nói về giáo viên của mình, thầy Lê Tuyên Huấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông, huyện Tương Dương cho biết: “Thầy Trung, cô Thảo có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Lớp thầy cô chủ nhiệm luôn đạt chất lượng tốt.

Ngoài giảng dạy, thầy Trung còn rất nhiệt tình tham gia các hoạt động của trường và làm tốt công tác tham mưu với ban quản lý bản để xây dựng thêm cơ sở vật chất cho điểm trường tạo điều kiện để giáo viên, học sinh giảng dạy và học tập thuận lợi hơn".

Phan Tuyết