Giáo viên dạy tăng giờ vượt quy định 200 tiết/năm có được trả công?

13/02/2022 06:47
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện có giáo viên tiểu học một tuần phải dạy 36 tiết (quy định 23 tiết), giáo viên trung học dạy 30 tiết (quy định dạy 19 tiết)/tuần.

Một số địa phương tại tỉnh Bình Thuận, điển hình như thị xã La Gi hiện đang thiếu khá nhiều giáo viên tiểu học và trung học cơ sở.

Thầy cô giáo ở những trường thiếu giáo viên đang được nhà trường phân công dạy tăng tiết khá nhiều. Thế nhưng theo quy định vẫn đang được áp dụng trong ngành giáo dục từ trước đến nay, giáo viên chỉ được tính tiền tăng giờ khi dạy không quá 200 tiết.

Trường hợp thầy cô giáo nào dạy vượt số tiết quy định (200 tiết) sẽ không được tính tiền dạy tăng giờ, số tiết dạy thừa sẽ bị bỏ đi. Vì thế, nhiều thầy cô giáo khá lo lắng khi công sức bỏ ra nhưng không được chi trả thỏa đáng.

Một số địa phương tại Bình Thuận hiện thiếu giáo viên khá nhiều (Ảnh do tác giả cung cấp)

Một số địa phương tại Bình Thuận hiện thiếu giáo viên khá nhiều (Ảnh do tác giả cung cấp)

Căn cứ nào để tính số tiết dạy vượt trội?

Trước đây, Điều 106 Bộ luật Lao động 2012 quy định về làm thêm giờ như sau:

"b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày;

Không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm."

Hiện nay, Điều 107 Bộ Luật Lao động số: 45/2019/QH14 cũng quy định về làm thêm giờ:

"a) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này."

Theo quy định này thì việc nhiều trường học chỉ thanh toán cho giáo viên không quá 200 giờ/năm là hoàn toàn hợp lý.

Vì thế, trách nhiệm của hiệu trưởng trường học là thiếu giáo viên phải cân đối làm sao để phân công giáo viên tăng tiết không vượt quá 200 tiết/năm.

Để giải quyết những bất cập trên, có trường học đã phân giáo viên dạy chéo ban. Ví dụ, giáo viên dạy Anh văn, dạy Toán sẽ kiêm dạy thêm môn Thể dục, Giáo dục công dân, Sử, Địa... hay giáo viên dạy Sử, Địa sẽ dạy Văn, thậm chí có nơi còn phân dạy cả Toán...

Việc phân công giáo viên dạy chéo ban sẽ không làm mất quyền lợi của các thầy cô giáo. Thế nhưng, học sinh lại là người chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Một giáo viên dạy Toán vẫn sẽ dạy được Sử, Địa... giáo viên dạy Sử, Địa vẫn có thể dạy Văn... nhưng chất lượng dạy có tốt không? Kiến thức truyền đạt có sâu không?

Chắc chắn câu trả lời là không! Khi giáo viên không có chuyên môn về môn học đó thì chất lượng tiết dạy chắc chắn sẽ bị giới hạn. Vì thế, giải pháp một số trường học đưa ra là phân giáo viên dạy chéo ban cũng chưa thật sự ổn.

Đề xuất những giải pháp

Để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên mà cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng mỗi bài dạy, người viết xin được đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cơ sở giáo dục phải chủ động hợp đồng thêm giáo viên bên ngoài để dạy đúng bộ môn họ được đào tạo. Trường hợp không thể hợp đồng được giáo viên có đủ trình độ đào tạo theo quy định, đúng chuyên môn buộc phải hợp đồng ngay giáo viên của trường bạn.

Ví như thầy giáo A. dạy môn Sử ở trường X. sẽ được trường Y. hợp đồng dạy thêm môn Sử. Cô giáo B. dạy môn Sử của trường Y. sẽ được mời hợp đồng dạy thêm môn Sử của trường X.

Cách này, vừa đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, vừa đảm bảo quyền lợi cho học sinh được học đúng với những thầy cô giáo chuyên về môn học ấy.

Thứ hai, Mục C, Khoản 3, Khoản 4, Điều 107 Bộ Luật Lao động số: 45/2019/QH14 quy định rõ:

3. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:

...

c) Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;

4. Khi tổ chức làm thêm giờ theo quy định tại khoản 3 Điều này, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Xét về tính chất công việc của nghề dạy học cũng là đòi hỏi người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời.

Hiện tại, nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở (bộ môn Sử, Địa) tại thị xã La Gi đang thiếu khá nhiều giáo viên đứng lớp. Mặc dù thị xã tuyển hợp đồng nhưng vẫn không có đủ nguồn cung.

Hiện có giáo viên tiểu học một tuần phải dạy 36 tiết (quy định 23 tiết), giáo viên trung học dạy 30 tiết (quy định dạy 19 tiết)/tuần.

Bởi thế, người sử dụng lao động cụ thể là hiệu trưởng cần phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để điều chỉnh số tiết dạy phụ trội cho giáo viên từ 200 giờ/năm đến 300 giờ/năm.

Việc làm này, trước hết sẽ giải quyết kịp thời tình trạng khan hiếm giáo viên hiện nay, vừa đảm bảo tốt quyền lợi cho nhà giáo, giúp họ tăng thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống, lại vừa đảm bảo được chất lượng học tập của các em học sinh.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Bo-Luat-lao-dong-2019-333670.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết