Giáo viên giáo dục công dân ở Đà Nẵng bàn cách đổi mới

14/11/2017 07:13
Tấn Tài
(GDVN) - Chương trình đào tạo ngành giáo dục công dân còn nhiều hạn chế, bất cập nên phải điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông.

Đó là nội dung hội thảo khoa học “Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Giáo dục công dân đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục do Đại học sư phạm Đà Nẵng tổ chức ngày 12/11.

“Hiến kế” để nâng cao chất lượng giảng dạy

Theo Tiến sĩ Vương Thị Bích Thủy - Trưởng Khoa giáo dục chính trị (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) cho biết, hội thảo nhằm đánh giá thực trạng nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy, bồi dưỡng giáo viên giáo dục công dân.

Cùng với bộ môn Lịch sử và Địa lý, môn Giáo dục công dân là yếu tố cấu thành nên tổ hợp các bộ môn khoa học xã hội. Ảnh: TT
Cùng với bộ môn Lịch sử và Địa lý, môn Giáo dục công dân là yếu tố cấu thành nên tổ hợp các bộ môn khoa học xã hội. Ảnh: TT

Những thuận lợi và khó khăn, hạn chế và bất cập trong công tác đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên Giáo dục công dân hiện nay.

“Kết quả của hội thảo sẽ là cơ sở để đánh giá, điều chỉnh chương trình đào tạo và xác định nhu cầu, đề xuất xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên với những modul kiến thức phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay”, Tiến sĩ Thủy nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia, giáo viên đang giảng dạy môn giáo dục công dân ở các trường trung học phổ thông cho rằng, cần phải đổi mới phương pháp dạy học giáo dục công dân.

Giáo viên giáo dục công dân ở Đà Nẵng bàn cách đổi mới ảnh 2

Lý giải sức hấp dẫn khiến nhiều thí sinh lựa chọn thi môn Giáo dục công dân

Đây là nhiệm vụ cơ bản của đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay, là chủ đề trọng tâm trên diễn đàn xã hội trong thời gian qua.

Theo đó, cần đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực, vận dụng các phương pháp dạy học tích cực trong dạy học giáo dục công dân.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá, thiết kế bài giảng môn giáo dục công dân ở trung học phổ thông theo định hướng phát triển năng lực.

Thiết kế và sử dụng phiếu học tập, phát huy tính tự học, tự nghiên cứu của học sinh.

“Giáo viên phải vận dụng phương pháp trực quan trong dạy học môn giáo dục công dân.

Vận dụng linh hoạt ca dao, tục ngữ trong giảng dạy. Đồng thời, hướng dẫn học sinh tự thiết kế câu hỏi ôn tập dạng trắc nghiệm, nâng cao hứng thú học tập của học sinh trung học phổ thông đối với môn giáo dục công dân”, một chuyên gia khuyến nghị.

Cũng theo các đại biểu, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục thì phải phát triển năng lực cho giáo viên về dạy học tích hợp, về tích hợp liên môn trong dạy học giáo dục công dân.

Trong đó, quy trình dạy học theo hướng tích hợp và thực hiện dạy học tích hợp một số chủ đề ở các môn học khác nhau.

Một số giáo viên thì cho rằng, cần tích hợp các ca khúc cách mạng trong giảng dạy môn giáo dục công dân lớp 10 ở trung học phổ thông cũng như tích hợp nội dung giáo dục dân số trong bộ môn này.

Điều chỉnh chương trình đào tạo

Các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra chương trình đào tạo ngành giáo dục công dân hiện tại còn những hạn chế, bất cập.

Giáo viên giáo dục công dân ở Đà Nẵng bàn cách đổi mới ảnh 3

Môn giáo dục công dân có phải môn thi cứu cánh?

Điều này cho thấy những khó khăn trong công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các trường/khoa sư phạm có đào tạo ngành giáo dục công dân.

Do đó, nhiều giảng viên, cán bộ quản lý cho rằng, cần phải điều chỉnh chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra những tương đồng và khác biệt trong chương trình chính trị tư tưởng và giáo dục công dân ở trung học phổ thông của Trung Quốc và Việt Nam.

Từ đó, chỉ ra bài học, kinh nghiệm cho Việt Nam trong xây dựng chương trình giáo dục kinh tế và pháp luật trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

"Để nâng cao chất lượng giảng dạy môn giáo dục công dân theo tinh thần đổi mới, cần chú trọng vào công tác đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có. Bao gồm cả những cán bộ quản lý lẫn các giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Từ góc độ đổi mới phương pháp cho thấy, trong công tác bồi dưỡng giáo viên giáo dục công dân hiện nay cần bồi dưỡng về nội dung kiến thức trọng tâm,

cốt lõi trong chương trình giáo dục công dân, nhất là ở lớp 12 và bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực”, Tiến sĩ Thủy cho hay.

Cũng theo Tiến sĩ Thủy, những vấn đề đặt ra qua các tham luận tại hội thảo lần này cho thấy sự quan tâm, trăn trở của những người làm giáo dục.

"Những ý kiến bàn luận, những giải pháp về nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp, đổi mới kiểm tra đánh giá, điều chỉnh chương trình đào tạo ngành giáo dục công dân được đề xuất trong hội thảo là sâu sắc và rất đáng trân trọng" - Tiến sĩ Thủy nói.

Tấn Tài