Giáo viên, Hiệu trưởng nói gì về kênh dạy học qua truyền hình?

21/02/2020 06:09
AN NGUYÊN
(GDVN) - Việc dạy học qua truyền hình trong mùa dịch bệnh được nhiều trường học đánh giá có nhiều ưu điểm, cần nhân rộng, nhất là ở những vùng miền núi còn khó khăn.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều trường học trên cả nước đã phải cho học sinh nghỉ học.

Để hạn chế những ảnh hưởng của việc nghỉ học kéo dài gây ra, nhiều địa phương, ngành giáo dục đã thực hiện dạy học trực tuyến qua các kênh như: zalo, fanpage, quay video...

Và mới đây, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện giảng dạy, ôn tập các môn học cho học sinh lớp 9 và lớp 12 thông qua kênh truyền hình địa phương ĐN1 và ĐN2.

Cách làm này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục. Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã có kiến nghị Thủ tướng cho dạy học đại trà qua kênh truyền hình.

Các trường lựa chọn nhiều kênh tương tác khác nhau để giúp học sinh nắm vững kiến thức trong đợt nghỉ vì dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TT
Các trường lựa chọn nhiều kênh tương tác khác nhau để giúp học sinh nắm vững kiến thức trong đợt nghỉ vì dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TT

Chia sẻ về phương pháp học tập này, thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) cho biết:

“Hiện nay có nhiều kênh để giảng dạy, ôn tập khi học sinh phải nghỉ ở nhà vì dịch bệnh. Và mỗi phương án lại có một ưu điểm riêng, tùy vào từng trường, từng địa phương để áp dụng sao cho có hiệu quả tốt nhất.

Nếu như giảng dạy qua truyền hình thì Sở hoặc Bộ nên soạn sẵn một chương trình riêng cho mỗi khối lớp, mỗi hạng trường để cho học sinh có những định hướng trong tiếp cận.

Dạy học qua truyền hình – một phương pháp hay cần được nhân rộng

Và dù sử dụng kênh nào thì cũng cần sự hỗ trợ của các giáo viên để định hướng giúp các em chọn được những kênh nào, chương trình nào phù hợp với năng lực.

Ví dụ thi trung học phổ thông quốc gia thì mỗi trường lại có một cách ôn tập riêng.

Cụ thể như trường mình thì ngoài những nội dung cơ bản thì trường cũng chú trọng nâng cao kiến thức cho các em để có thể đạt kết quả cao hơn nhằm xét tuyển vào các trường Đại học.

Do đó, mình sẽ hướng đến những địa chỉ nào có thể giúp cho các em nâng cao kiến thức hơn so với mức trung bình. Có nhiều cách như thế".

Thầy Hưng vẫn đánh giá cao việc dạy học qua truyền hình. Bởi nó có thể truyền tải kiến thức một cách đại trà. Và học sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn các giáo viên giảng dạy ở trên đó.

"Các em cũng sẽ tương tác được với nhiều giáo viên ở các trường khác nhau hoặc thậm chí là ở các địa phương khác nhau. Như thế thì các em sẽ có nguồn tư liệu, học liệu nhiều hơn, phong phú hơn", thầy Hưng cho hay.

Nói về việc dạy học qua truyền hình, ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, trong đợt nghỉ học vì dịch Covid-19 vừa qua, ngành giáo dục đã sử dụng nhiều kênh công nghệ thông tin để giảng dạy trực tuyến cho học sinh.

Tuy nhiên, có một vấn đề là địa phương có nhiều huyện miền núi, còn khó khăn về kinh tế nên việc tiếp cận công nghệ thông tin, máy tính rất khó khăn.

Do đó, phương pháp dạy học qua truyền hình là một kênh cung cấp kiến thức cho học sinh rất tốt. Bởi ở các huyện miền núi dù khó khăn thì mỗi nhà hầu như cũng đều có tivi.

Nghỉ học vì Covid-19, Đồng Nai phát sóng ôn tập kiến thức trên truyền hình

“Trước đây, ngành giáo dục đã có chương trình dạy ngoại ngữ trên truyền hình cũng thu hút được khá đông học sinh tham gia.

Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì theo tôi, đây là một kênh dạy học có nhiều ưu điểm, giúp học sinh các vùng miền có thể dễ dàng tiếp cận được thông tin.

Việc dạy học này cũng sẽ cung cấp các kiến thức chung, đại trà, còn những kiến thức nâng cao để học sinh lớp 9, lớp 12 có thể ôn luyện qua các kênh khác”, ông Quốc nói.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà (một giáo viên trung học phổ thông ở Đà Nẵng) cho biết, việc dạy học trên đài truyền hình cũng là một phương án tốt trong giai đoạn dịch bệnh. 

Tuy nhiên, nó còn mang tính chất đại trà và chỉ có lợi nhiều cho học sinh ở các vùng khó khăn.

Còn ở những thành phố lớn, khi số lượng học sinh sở hữu máy tính, Ipad, điện thoại thông minh… ngày càng nhiều thì các kênh học trực tuyến vẫn hiệu quả hơn.

Bởi mức độ tương tác trên các thiết bị này vẫn cao hơn, nhiều tiện ích hơn. Ngoài ra, những kiến thức trên truyền hình vẫn nặng tính đại trà, học sinh muốn nâng cao phải tìm kiếm kênh kiến thức khác.

AN NGUYÊN