Giáo viên hợp đồng cũng có “con đẻ” và “con nuôi”

13/04/2020 06:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Đồng lương nhà giáo vốn ít ỏi lại phải gồng lên ăn cho đủ mấy tháng hè nên đời sống nhà giáo vốn nghèo khó lại càng cơ cực hơn.

Học sinh nghỉ học vì dịch bệnh, nhiều giáo viên hợp đồng cũng không nhận được một đồng lương.

Ngược lại, cũng là giáo viên hợp đồng nhưng có những thầy cô giáo vẫn ăn lương hàng tháng bình thường như nhiều giáo viên biên chế khác.

Giáo viên hợp đồng phải vất vả mưu sinh vì lương từ nghề giáo quá thấp (Ảnh:V.N)
Giáo viên hợp đồng phải vất vả mưu sinh vì lương từ nghề giáo quá thấp (Ảnh:V.N)

Sao lại trái ngược nhau như vậy? Và chúng tôi gọi đó là những giáo viên hợp đồng “con đẻ” với giáo viên hợp đồng “con nuôi.”

Hiện có nhiều dạng hợp đồng giáo viên giảng dạy. Giáo viên hợp đồng theo năm, giáo viên hợp đồng thời vụ, giáo viên hợp đồng theo tiết dạy…

Hiện có nhiều cấp ký hợp đồng cho giáo viên. Việc những thầy cô giáo hợp đồng có được ăn lương 12 tháng/năm hay ăn lương 9 tháng hoặc ăn theo tiết dạy theo ngày lại phụ thuộc vào cấp ký hợp đồng.

Vì thế, cũng mang 2 tiếng giáo viên hợp đồng nhưng quyền lợi của những giáo viên hợp đồng lại hoàn toàn khác nhau như số phận của những đứa con.

Con đẻ được yêu chiều còn con nuôi, con ghẻ bị hắt hủi.

Quyền lợi nhà giáo phụ thuộc lớn vào việc được cấp huyện ký hợp đồng hay là cấp trường ký

Giáo viên hợp đồng cũng có “con đẻ” và “con nuôi” ảnh 2
Những lúc như thế này, nghĩ đến thầy cô hợp đồng mà rơi nước mắt

Một lãnh đạo ngành giáo dục một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An cho biết, giáo viên được huyện ký hợp đồng nơi đây vẫn nhận đủ lương 12 tháng/năm.

Riêng giáo viên trường ký hợp đồng chỉ nhận lương 9 tháng học. Lý do, quỹ lương của huyện chỉ cấp về cho trường trả lương 9 tháng.

Vì thế, giáo viên hợp đồng do trường ký sẽ được ăn lương từ tháng 9 năm học này đến cuối tháng 5 năm sau.

Nhiều thầy cô cũng thắc mắc: “Sao thiếu giáo viên mà huyện lại không ký hợp đồng?”

“Tiền lương trả cho giáo viên cũng từ ngân sách, sao huyện và trường ký hợp đồng lại có thời gian trả lương khác nhau?”.

Dạy thì có lương, nghỉ dạy ăn “không khí”

Nhiều giáo viên được trường ký hợp đồng giảng dạy tại tỉnh Nghệ An cho biết, 2 tháng học sinh nghỉ dịch bệnh vừa qua những thầy cô giáo dạy hợp đồng của trường cũng nghỉ luôn việc nhận lương.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với một lãnh đạo của ngành thì được biết, do ngân sách chỉ cấp về cho trường trả lương giáo viên hợp đồng của trường 9 tháng. Vì thế, 2 tháng nghỉ vừa rồi, giáo viên hợp đồng trường không được ăn lương (xem đó như tháng hè).

Số tiền còn để trả cho thầy cô vào tháng 6, 7 khi hết dịch học sinh đi học lại.

Được biết tình trạng này xảy ra tại nhiều địa phương phía Bắc chứ không riêng gì mình tỉnh Nghệ An.

Giáo viên hợp đồng quê tôi vẫn nhận đủ lương 3 tháng hè

Giáo viên hợp đồng cũng có “con đẻ” và “con nuôi” ảnh 3
Giáo viên hợp đồng Hà Nội không còn nước mắt để mà khóc

Ký hợp đồng giảng dạy cho giáo viên các trường ở 3 cấp học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở tại tỉnh Bình Thuận thường do các huyện thị đảm nhận.

Hằng năm, cân đối lượng học sinh, giáo viên ở các trường, các huyện thị đã có kế hoạch ký hợp đồng với giáo viên và điều tiết giáo viên về các trường giảng dạy.

Giáo viên được ký hợp đồng trong 12 tháng. Có nghĩa là ngoài 3 tháng dạy học, 2 tháng hè và 1 tháng học tập những thầy cô giáo này vẫn nhận đủ lương.

Nói về điều này, bà Phan Thị Bích Trưởng phòng Nội vụ thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận cho biết:

“Nếu chỉ ký hợp đồng chi lương 9 tháng, 3 tháng hè không có lương thì sao giáo viên có sự gắn bó với mình? 3 tháng không lương, giáo viên hợp đồng buộc phải đi tìm việc khác.

Xét cho cùng, 2 tháng nghỉ hè chính là phép năm của thầy cô theo quy định sau khi nhà giáo đã giảng dạy suốt 1 năm học. 1 tháng (tháng 8) thầy cô đã lên trường làm việc, học tập chứ không phải ở nhà.

Hơn nữa, việc trả lương cho họ trong thời gian hè cũng là cách tuyển được người tài, giữ chân được họ để những thầy cô này sẽ yên tâm công tác, sẽ gắn bó và có trách nhiệm hơn với công việc của mình.

Họ sẽ có thời gian để nâng cao năng lực làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn từ đó mới nâng cao chất lượng giáo dục theo yêu cầu”.

Vì những ý nghĩa nhân văn như thế nên nhiều năm qua, giáo viên hợp đồng ở tỉnh Bình Thuận nói chung, ở quê tôi (thị xã La Gi) nói riêng luôn nhận được đủ lương 12 tháng.

Điều này cũng giúp nhiều thầy cô ổn định được cuộc sống, có quyết tâm gắn bó lâu dài với nghề mình đã chọn.

Bình Thuận vẫn thuộc tỉnh nghèo nhưng đã làm được điều này. Vậy những tỉnh thành khác (có địa phương có điều kiện kinh tế khá hơn) nhưng vẫn để xảy ra tình trạng phân biện giáo viên hợp đồng do từng cấp ký.

Dẫn đến tình cảnh đồng lương nhà giáo vốn ít ỏi lại phải gồng lên ăn cho đủ mấy tháng hè nên đời sống nhà giáo vốn nghèo khó lại càng cơ cực hơn.

Phan Tuyết