Giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức sau 20 năm mới biết mình bị trả lương sai Luật

26/04/2019 06:57
Vũ Ninh
(GDVN) - Nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) sau 10, 20 năm đi dạy mới biết mình đã bị đối xử bất công từng ấy thời gian.

Dựa theo đơn kiến nghị của nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội): yêu cầu làm rõ hai nội dung trong hợp đồng mà Huyện đã ký với họ.

Thứ nhất: Huyện chỉ ký hợp đồng 3 tháng với hàng trăm giáo viên. Có những giáo viên công tác 10, 20 năm cũng chỉ nhận hợp đồng 3 tháng.

Họ không được đóng bảo hiểm xã hội cũng như không có bất kỳ chế độ đãi ngộ nào khác.

Thứ hai: Mức lương của giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức đang được hưởng chỉ là 1.210.000 đồng/ tháng. Mức lương này thấp hơn cả mức lương cơ bản theo quy định của pháp luật.

Trả lời hai nội dung này, luật sư Quách Thành Lực, giám đốc công ty Luật Tinh Hoa, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội phân tích dựa trên cơ sở điều 22 Bộ luật Lao động 2012.

Giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức sau 20 năm mới biết mình bị trả lương sai Luật ảnh 1Giáo viên hợp đồng ở Mỹ Đức bị ép ký cam kết trước khi sa thải

Theo đó vị luật sư này chỉ ra:

"Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

Hợp đồng lao động xác định thời hạn; Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng".

Giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức sau 20 năm mới biết mình bị trả lương sai Luật ảnh 2
Luật sư Quách Thành Lực cho rằng Huyện Mỹ Đức ký hợp đồng với giáo viên như thế là sai quy định của pháp luật (Ảnh: Vũ Ninh)

Dự theo điều luật trên và đối chiếu với tình trạng của một số giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức chỉ được ký hợp đồng 3 tháng dù thời gian công tác lâu năm.

Chẳng hạn một số giáo viên hợp đồng công tác 20 năm như cô Nguyễn Thị Quy vẫn đang hưởng hợp đồng 3 tháng.

Theo quan điểm của luật sư Quách Thành Lực việc ký kết hợp đồng như trên là không đúng với quy định pháp luật:

"Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Như vậy, theo quy định trên đơn vị sự nghiệp mà có hoạt động thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thì lúc này vẫn áp dụng theo tinh thần của Bộ luật Lao động.

Đơn vị chỉ được ký thêm 1 lần mới với hợp đồng xác định thời hạn, trường hợp cứ ký hợp đồng 3 tháng 1 lần như vậy là trái với quy định của pháp luật.

Giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức sau 20 năm mới biết mình bị trả lương sai Luật ảnh 3Cuộc đời bị lãng quên của những giáo viên hợp đồng ở Hà Nội

Đồng thời phía đơn vị ký hợp đồng với người lao động không thuộc trường hợp tuyển dụng viên chức,…

Nhưng giữa các bên có tồn tại quan hệ lao động theo nguyên tắc xác lập của luật lao động nên kể cả đơn vị sự nghiệp vẫn áp dụng theo Bộ luật Lao động năm 2012".

Về vấn đề tiền lương, luật sư Quách Thành Lực căn cứ theo điều 90 của Bộ luật Lao động năm 2012:

"Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định".

Như vậy việc Huyện Mỹ Đức đang trả mức lương cho các giáo viên hợp đồng là 1.210.000 đồng đang thấp hơn mức lương tối thiểu của Chính phủ.

Huyện Mỹ Đức thuộc vùng II cho nên mức lương tối thiểu đang được hưởng (tính từ ngày 1/1/2019)  là 3.710.000 đồng.

Căn cứ theo Bộ Luật lao động việc Huyện trả lương như hiện nay là sai quy định của pháp luật.

Theo tài liệu giáo viên cung cấp, năm học 2014-2015, huyện Mỹ Đức đã có quyết định gia hạn với 464 giáo viên, nhân viên bố trí công tác tại các trường Trung học cơ sở, Tiểu học.

Thời gian làm việc từ 1/4/2015-30/6/2015.

Mức lương do Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức trả 1.150.000 đồng/ 1 tháng.

Theo phản ánh của một số giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức năm 2018 họ mới được gia hạn hợp đồng 3 tháng.

Mức lương được nâng lên thành 1.210.000 đồng/ 1 tháng và giữ nguyên đến thời điểm này.

Với mức lương này vẫn thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Điều này khiến cho cuộc sống của nhiều giáo viên hợp đồng rất khó khăn và bấp bênh.

Trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Quy được ký quyết định tuyển hợp đồng tại trường Trung học cơ sở Hương Sơn từ năm 1999. Mức lương thời điểm đó cô Quy nhận là 180.000 đồng/ 1 tháng.

Đến năm 2018, tức là sau gần 20 năm cô Nguyễn Thị Quy mới được gia hạn hợp đồng 3 tháng hưởng lương 1.210.000 đồng/ 1 tháng.

Như vậy trong từng ấy thời gian (gần 20 năm ) cô Quy không hề biết hợp đồng của mình thuộc loại hợp đồng gì? Mức lương được hưởng đúng theo quy định của pháp luật là bao nhiêu?

Đến nay, sau những ồn ào xuất phát từ kỳ thi viên chức, nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức mới vỡ lẽ: Họ đã chịu thiệt thòi suốt từng ấy năm.

Năm học 2014-2015 huyện Mỹ Đức từng tuyển dụng ồ ạt 464 giáo viên, nhân viên hợp đồng (Ảnh: Vũ Ninh)
Năm học 2014-2015 huyện Mỹ Đức từng tuyển dụng ồ ạt 464 giáo viên, nhân viên hợp đồng (Ảnh: Vũ Ninh)

Cô Nguyễn Thanh Quy chia sẻ: "Quả thật là nếu như không có những ồn ào từ vụ giáo viên hợp đồng thì chúng tôi cứ thế đi làm, cứ thế cống hiến và hưởng lương mà không biết được rằng từng ấy năm mình đã bị đối xử bất công.

Chúng tôi được hưởng lương thấp hơn quy định của pháp luật, không được đóng bảo hiểm, không có tiếng nói.

Tại một số huyện cũng ở Hà Nội, giáo viên được đóng bảo hiểm, được hưởng lương đúng quy định.

Vì sao cùng thuộc Hà Nội mà cách đối xử cũng như chế độ của huyện Mỹ Đức lại không thể bằng các huyện khác.

Chúng tôi cho rằng việc tuyển dụng là do Huyện chứ chúng tôi không ồ ạt hay tự tiện vào dạy.

Cho nên nếu có ai trả lời rằng việc trả lương thấp là san sẻ với Huyện thì chúng tôi cho rằng không đúng. Nếu đã khó khăn như vậy sao năm nào cũng tuyển thêm nhiều giáo viên hợp đồng?".

Cùng chung tâm trạng của cô Quy, nhiều giáo viên hợp đồng sau từng ấy năm mới vỡ lẽ họ bị đối xử thiếu công bằng, bị nhận lương thấp hơn quy định của pháp luật và không được đóng bảo hiểm.

Nhiều giáo viên cho biết sẽ tiếp tục làm đơn kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để giúp họ lấy lại sự công bằng.

Vũ Ninh