Giáo viên hợp đồng tại quận Lê Chân đang “ngồi trên đống lửa”

09/07/2019 08:05
LÃ TIẾN
(GDVN) - Hơn 80 giáo viên hợp đồng ở quận Lê Chân (Hải Phòng) đang “ngồi trên đống lửa” bởi sau hơn 1 tháng bị chấm dứt hợp đồng, họ chưa biết tương lai sẽ ra sao.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn kiến nghị của những giáo viên hợp đồng tại các trường trên địa bàn quận Lê Chân (Hải Phòng).

Theo đơn kiến nghị, cuối tháng 5/2019, các giáo viên hợp đồng nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng do hiệu trưởng các nhà trường ký.

Lý do chấm dứt hợp đồng là thực hiện văn bản số 688 ngày 01/2/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Cùng với đó là văn bản số 804 ngày 29/5/2019 của Ủy ban nhân dân quận Lê Chân, giao hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở làm các thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đối với các giáo viên, nhân viên hợp đồng từ ngày 1/6.

Theo văn bản 804, số giáo viên hợp đồng tại quận đã bị chấm dứt hợp đồng là 83 người, trong đó bậc mầm non là 19, tiểu học là 18 và trung học cơ sở là 46 giáo viên.

Văn bản của Ủy ban nhân dân quận Lê Chân về việc chấm dứt hợp đồng đối với hơn 80 giáo viên hợp đồng (Ảnh: Lã Tiến)
Văn bản của Ủy ban nhân dân quận Lê Chân về việc chấm dứt hợp đồng đối với hơn 80 giáo viên hợp đồng (Ảnh: Lã Tiến)

Theo đơn kiến nghị, trong số 83 giáo viên hợp đồng bị chấm dứt, người nhiều đã đi dạy tới 20 năm, ít nhất cũng 4- 6 năm.

Giờ đùng một cái cắt hợp đồng, họ biết đi đâu về đâu và làm gì đây khi đã cống hiến gần như cả tuổi trẻ cho sự nghiệp giáo dục.

Cô giáo L.T.T.H, giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh tại một trường tại quận Lê Chân từ năm 2000, tính đến nay đã dạy được 19 năm.

Mặc dù mức lương thấp nhưng cô giáo H. vẫn gắn bó, dành trọn tâm huyết với nghề.

“Từ khi nhà trường chấm dứt hợp đồng, tôi không có công việc nên không có lương nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.

Nhiều người thân, bạn bè khuyên tôi tìm một công việc khác phù hợp để kiếm sống, nhưng tôi đã hơn 40 tuổi nên rất khó chuyển việc.

Giờ đây ngọn lửa nghề trong tôi vẫn cháy, tôi vẫn hy vọng sẽ tiếp tục được cống hiến cho ngành giáo dục”, cô H. gạt nước mắt nói.

Một số giáo viên bức xúc vì cho rằng, Ủy ban nhân dân quận Lê Chân ký hợp đồng với quá nhiều giáo viên mới dẫn tới chuyện giờ đây thừa nhiều.

Qua tìm hiểu, hầu hết số giáo viên hợp đồng đều có độ tuổi trên dưới 30, phần lớn có trình độ đại học, cao đẳng sư phạm, đã đứng lớp nhiều năm nên bây giờ chuyển đổi nghề nghiệp rất khó khăn.

Có những giáo viên hợp đồng đã giảng dạy, gắn bó nhiều năm và đạt nhiều thành tích, khi bị chấm dứt hợp đồng đã khiến phụ huynh, học sinh tiếc nuối.

Có giáo viên đã hơn 20 năm đã cống hiến hết tuổi thanh xuân. Có thầy, cô đã gần 50 tuổi.

“Nếu bị cắt hợp đồng, với tấm bằng đại học, cao đẳng sư phạm thì thử hỏi chúng tôi sẽ đi xin được việc gì.

Xách vữa cũng làm gì có sức khỏe mà làm nữa. Trong khi tuổi thanh xuân đã qua cống hiến hết cho giáo dục rồi”, cô giáo T. nói.

Từ bục giảng tôi bị đá thẳng xuống...chuồng lợn
Từ bục giảng tôi bị đá thẳng xuống...chuồng lợn

Cũng theo cô H., cô T. và một số giáo viên, họ không phủ nhận hiện nay quận Lê Chân đang làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hải Phòng.

Tuy nhiên, các giáo viên hợp đồng mong muốn thành phố sớm có phương án giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho họ.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Phòng Nội vụ quận Lê Chân cho biết, Ủy ban nhân dân quận đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên năm 2019.

Quận Lê Chân dự kiến sẽ tuyển dụng gần 100 giáo viên đợt này và đã có văn bản xin ý kiến các sở, ngành thành phố.

Hiện, quận đang chốt cơ cấu tuyển dụng, dự kiến giữa tháng 7/2019 quận Lê Chân có kế hoạch chính thức.

“Khi quận tổ chức thi tuyển chung, giáo viên nào có trình độ năng lực thì chắc chắn sẽ trúng tuyển.

Nhưng khi không đỗ thì rõ ràng chuyên môn và năng lực còn kém và phải chấp nhận chuyện phải thanh lý chấm dứt”, lãnh đạo phòng Nội vụ quận Lê Chân cho biết.

Như vậy, sắp tới hơn 80 giáo viên hợp đồng tại quận Lê Chân có cơ hội được tham gia thi tuyển viên chức giáo viên.

Những không phải tất cả các giáo viên hợp đồng bị chấm dứt sẽ trúng tuyển mà còn phụ thuộc vào năng lực, trình độ chuyên môn, tay nghề của họ.

Các giáo viên hợp đồng mong muốn, nếu quận tổ chức thi tuyển đợt này phải có chế độ ưu tiên, nhất là những giáo viên đã có nhiều năm công tác.

LÃ TIẾN