Giáo viên góp ý về sách Ngữ văn 10 - Bộ Chân trời sáng tạo

06/10/2022 06:46
Hương Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên phát hiện một số sai sót trong sách Ngữ văn 10 - bộ Chân trời sáng tạo.

Trong quá trình dạy học, nhiều giáo viên đã phát hiện ra một số hạn chế, sai sót trong sách Ngữ văn 10 - tập 1, bộ Chân trời sáng tạo (Nguyễn Thành Thi - Chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Bài viết ghi lại ý kiến cùng với những góp ý của thầy cô dạy môn Ngữ văn những mong trao đổi thêm với đội ngũ tác giả và bạn đọc quan tâm đến cuốn sách này.

Cần chú thích rõ ràng hơn

Văn bản "Đi san mặt đất" (truyện của người Lô Lô, trích "Mẹ Trời, mẹ Đất", trang 18) cần chú thích người Lô Lô thuộc tộc người nào để học sinh khỏi mất công tra cứu.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Lô Lô có các tên gọi khác là Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn… Dân tộc Lô Lô cư trú chủ yếu ở các huyện Ðồng Văn, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Khương (Lào Cai).

Người Lô Lô có đời sống văn hoá, tinh thần phong phú, cho đến nay những giá trị truyền thống của dân tộc Lô Lô vẫn được gìn giữ hầu như nguyên vẹn, điều mà không phải dân tộc thiểu số nào cũng làm được. [1]

Văn bản "Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây" chú thích chim ghếch: một loại chim rừng (trang 42). Chú thích thế này thì làm sao học sinh phân biệt được loài chim này với loài chim khác?

Người viết đã bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu chim ghếch là loài chim gì nhưng vẫn không có thông tin liên quan. Còn sách nội dung văn bản chỉ có dòng thông tin ít hỏi "đôi mắt linh lợi như mắt chim ghếch ăn hoa tre".

Bài tập tiếng Việt gây tranh cãi

Câu 3 (thực hành tiếng Việt) yêu cầu học sinh chỉ ra và nêu cách sửa lỗi liên kết trong trường hợp sau: "Ngoài sân vang lên tiếng guốc khua lộp cộp. Và tôi không nghe thấy gì" (trang 20).

Bài tập tiếng Việt gây tranh cãi. (Ảnh: Hương Ly)

Bài tập tiếng Việt gây tranh cãi. (Ảnh: Hương Ly)

Sách giáo viên hướng dẫn: dùng phương tiện liên kết chưa phù hợp, thay "và" bằng "nhưng". Ta có câu: "Ngoài sân vang lên tiếng guốc khua lộp cộp nhưng tôi không nghe thấy gì" (trang 61).

Nhiều giáo viên và học sinh không đồng tình với cách chỉnh sửa theo hướng dẫn của sách giáo viên. Bởi, tiếng guốc khua vang lên thì làm sao có chuyện "tôi" không nghe thấy gì? "Tôi" không nghe thấy gì nhưng "tôi" lại khẳng định đó là tiếng guốc khua (chứ không phải âm thanh khác)? Liệu có trái logic?

Người viết (là giáo viên dạy môn Ngữ văn cấp trung học phổ thông) cho rằng, đây là một câu văn có dụng ý nghệ thuật rõ ràng, đó là nhấn mạnh cảm xúc của nhân vật "tôi" - không nghe thấy gì chứ không phải là tiếng guốc khua lộp cộp.

Điều đáng tiếc, câu văn này không được chú thích rõ ràng (tác giả, tác phẩm nào) nên gây tranh cãi không hồi kết. Trong quá trình dạy, giáo viên có thể lấy thêm dẫn chứng minh họa cho học sinh hiểu rõ, chẳng hạn bài ca dao sau:

"Ước gì anh hóa ra hoa/ Để em nâng lấy rồi mà cài khăn/ Ước gì anh hóa ra chăn/ Để cho em đắp, em lăn cùng giường/ Ước gì anh hóa ra gương/ Để cho em cứ ngày thường em soi/ Ước gì anh hóa ra cơi/ Để cho em đựng cau tươi trầu vàng." (ca dao).

Điều ước ở bài ca dao này là một tiền giả định (không có thật) cũng giống như nhân vật "tôi không nghe thấy gì" (mặc dù ngoài kia vang lên tiếng guốc khua) phải được đặt trong một ngữ cảnh nhất định (ví dụ "tôi" đang tuyệt vọng).

Viết hoa tùy tiện?

Văn bản "Cuộc tu bổ lại các giống vật" (thần thoại Việt Nam) viết hoa từ "Thiên thần" (trang 21) có đúng?.

Tương tự, văn bản "Gặp Ka-ríp và Xi-la" viết hoa từ Rạng đông ("Rạng đông ngự ngai vàng xuất hiện", trang 44), sao không phải là Rạng Đông?.

Bài "Ôn tập" (trang 34) viết hoa tùy tiện cụm từ "Phiếu học tập" (điền vào Phiếu học tập).

Có trường hợp sau dấu chấm thì không viết hoa, ví dụ: Sắp xếp luận điểm theo nhiều cách: 1. hình thức nghệ thuật trước, chủ đề sau; b. chủ đề trước, hình thức nghệ thuật sau; c. kết hợp phân tích... (trang 27).

Cách viết hoa như thế này có đúng luật chính tả theo quy định hiện hành? (Ảnh: Hương Ly)

Cách viết hoa như thế này có đúng luật chính tả theo quy định hiện hành? (Ảnh: Hương Ly)

Hay, sách viết hoa như thế này (phần in đậm) có đúng luật chính tả theo quy định hiện hành: "Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây (Trích sử thi Đăm Săn)"; "Gặp Ka-ríp và Xi-la (Trích sử thi Ô-đi-xê)"; "Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời (Trích sử thi), trang 62.

(Xem Nghị định 30/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 quy định các trường hợp bắt buộc phải viết hoa để biết thêm chi tiết [2]).

Nên in thêm văn bản "Chó sói và chiên con" (La-phong-ten)

Bài "Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể" đưa ngữ liệu tham khảo phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện ngụ ngôn "Chó sói và chiên con" (La-phong-ten, trang 24) nhưng không in toàn văn câu chuyện này vào sách giáo khoa khiến học sinh gặp khó khăn khi học trên lớp.

Học sinh lớp 10 cho biết, văn bản "Chó sói và chiên con" (La-phong-ten) được giảm tải ở lớp 9 (Chương trình 2006) nên các em không phải học. Hơn nữa, đây là tác phẩm thuộc văn học nước ngoài, không kiểm tra đánh giá, không thi tuyển sinh nên hầu như học sinh lớp 9 không quan tâm.

Câu hỏi sách giáo khoa một đằng, sách giáo viên một nẻo

Phần hướng dẫn trả lời câu hỏi trong sách giáo viên có sự sai lệch với câu hỏi (sau khi đọc) trong sách giáo khoa.

Ví dụ, bài "Thần Trụ Trời", sách giáo khoa có 6 câu hỏi nhưng sách giáo viên chỉ có 5 câu hướng dẫn trả lời, được đánh số thứ tự lộn xộn, trùng lặp như sau: câu 1, câu 2, câu 7, câu 2, câu 3.

Sách giáo khoa có 6 câu hỏi. (Ảnh: Hương Ly)

Sách giáo khoa có 6 câu hỏi. (Ảnh: Hương Ly)

Nhưng sách giáo viên có 7 câu hướng dẫn trả lời và sắp xếp lộn xộn. (Ảnh: Hương Ly)

Nhưng sách giáo viên có 7 câu hướng dẫn trả lời và sắp xếp lộn xộn. (Ảnh: Hương Ly)

Hay văn bản "Đi san mặt đất", sách giáo khoa có 3 câu hỏi nhưng sách giáo viên thì có 4 câu hướng dẫn trả lời.

Một điều đáng ghi nhận là, văn bản "Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây" (trang 40) đã cắt bỏ nội dung phản cảm mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng phản ảnh qua bài viết Nhiều bài học trong sách Ngữ văn 10 có nội dung chết chóc rùng rợn.

Câu văn rùng rợn trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Chương trình 2006. (Ảnh: Hương Ly)

Câu văn rùng rợn trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Chương trình 2006. (Ảnh: Hương Ly)

Bài "Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây" (trang 40) đã cắt bỏ nội dung rùng rợn. (Ảnh: Hương Ly)

Bài "Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây" (trang 40) đã cắt bỏ nội dung rùng rợn. (Ảnh: Hương Ly)

Theo đó, văn bản “Chiến thắng Mtao Mxây” (Trích "Đăm Săn" – sử thi Tây Nguyên, tập 1, chương trình 2006) có đoạn viết:

“Sao ngươi còn cúng trâu cầu phúc cho ta? Chẳng phải vợ ta ngươi đã cướp, đùi ta ngươi đã đâm rồi sao? Nói rồi Đăm Săn đâm phập một cái, cắt đầu Mtao Mxây đem bêu ngoài đường” (trang 33).

Còn nội dung văn bản "Đăm Săn chiến thắng Matao Mxây" - Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lược đoạn Đăm Săn đâm, cắt đầu Mtao Mxây đem bêu ngoài đường.

Ngoài ra, văn bản "Đăm Săn chiến thắng Matao Mxây" có đoạn viết: "chàng nằm sấp thì gãy rầm sàn..." (trang 42). "Rầm sàn" có nghĩa là gì? Hay "gầm sàn"?

Sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung và sách Ngữ văn nói riêng khó tránh khỏi "sạn" trong quá trình biên soạn. Mong bạn đọc đóng góp thêm ý kiến để các bộ sách được biên soạn ngày càng hoàn thiện hơn.

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Hương Ly. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/ban-sac-dan-toc-lo-lo-590644.html

[2] http://congbao.chinhphu.vn/noi-dung-van-ban-so-30-2020-nd-cp-30858

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Ly