Giáo viên TH Ngô Thì Nhậm phân công phụ huynh trực nhật, nhà trường báo cáo gì?

27/09/2024 11:34
Nhi Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm thừa nhận việc giáo viên chủ nhiệm phân công phụ huynh tới lớp trực nhật là không đúng chủ trương của nhà trường. 

Vừa qua, mạng xã hội xôn xao trước thông tin một giáo viên tại Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (huyện Thanh Trì, Hà Nội) phân công phụ huynh sau 17 giờ mang chổi đến trực nhật lớp.

Phụ huynh cho rằng, giáo viên thông tin học sinh lớp 1 khó khăn trong việc dọn vệ sinh nên một số lớp đã chi 500.000 đồng/tháng để thuê lao công dọn dẹp. Nếu lớp nào không thuê thì giáo viên sẽ phân công phụ huynh đến trực nhật.

Nội dung tin nhắn giáo viên gửi phụ huynh nêu: "Chiều nay 4,5 phụ huynh đến vệ sinh lớp cho các con khi đi phụ huynh mang chổi, hót rác, chổi lau nhà. Thời gian lúc 17h giờ. Cô giáo sẽ phân công theo danh sách lượt từ trên xuống dưới 5 phụ huynh đầu tiên đi hôm nay đi (theo tên con)".

Phụ huynh cảm thấy việc dọn dẹp, trực nhật lớp sẽ giúp các con rèn luyện tính tự giác, kỷ luật chứ không nhất thiết phải thuê người làm. Hơn thế nữa, việc giáo viên yêu cầu phụ huynh đến lớp để dọn vệ sinh sau 5 giờ chiều là không hợp lý.

Ngoài ra, phụ huynh này cũng phản ánh nhà trường đã kêu gọi đóng góp với mức 300.000 đồng/học sinh lớp 1 để mua 10 chiếc điều hòa trị giá khoảng 100 triệu đồng và 100.000 đồng/học sinh toàn trường để làm sân cỏ nhân tạo trị giá khoảng 168 triệu đồng. Tiền mua điều hòa đóng vào kỳ I và tiền làm sân cỏ nhân tạo đóng vào kỳ II.

messenger-creation-3762e29a-9550-4933-87bd-802445096f2a-11249.jpeg
Ảnh chụp màn hình.

Liên quan đến phản ánh tại Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Văn Ngát - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Trì cho biết, ngay sau khi nắm bắt thông tin phản ánh, đơn vị đã yêu cầu Ban Giám hiệu nhà trường xác minh, làm rõ sự việc. Đồng thời, trong công tác tuyên truyền, thông tin đến phụ huynh học sinh cũng cần phải thống nhất một cách rõ ràng, minh bạch.

Còn về khoản tiền kêu gọi đóng góp, ông Ngát cho biết, nhà trường mới đang xin ý kiến của cha mẹ học sinh, chưa triển khai thu - nộp.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Trì khẳng định chủ trương xã hội hóa giáo dục là một việc làm cần thiết và ý nghĩa, song việc triển khai các kế hoạch phải chuẩn bị kỹ lưỡng, dựa trên sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.

Theo báo cáo của Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phổ biến, quán triệt đầy đủ, rộng rãi nhiệm vụ năm học, các quy định triển khai nói chung và công tác vệ sinh môi trường nói riêng, cụ thể là thực hiện theo Công văn số 8913/SGD&ĐT-HSSV của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Nhà trường cho nhân viên lao công phụ trách vệ sinh các khu vực chung như nhà vệ sinh, sân trường. Học sinh duy trì nề nếp trực nhật lớp hàng ngày nhằm tạo ý thức lao động giữ gìn vệ sinh chung, rèn kỹ năng mềm về sự sẻ chia công việc với gia đình, xã hội.

Sau khi nắm bắt thông tin, nhà trường đã tiến hành rà soát thông tin tại các lớp và từ cha mẹ học sinh. Qua rà soát, nhà trường nhận thấy cô giáo N.T.U - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A5 nhắn tin trao đổi thông tin qua lại trên nhóm zalo của lớp. Tuy nhiên, do cách trao đổi, triển khai của giáo viên không đúng chủ trương của nhà trường, chưa thấu đáo và rõ ràng dẫn đến cha mẹ học sinh không hài lòng, bức xúc và có ý kiến phản ánh.

Về biện pháp xử lý, Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm đã yêu cầu giáo viên viết bản tường trình, đồng thời tổ chức họp Hội đồng sư phạm quán triệt tới toàn thể cán bộ, giáo viên khi trao đổi, cung cấp thông tin đến cha mẹ học sinh phải đảm bảo đúng chủ trương của nhà trường.

Đồng thời, bàn bạc, công khai và minh bạch thông tin để cha mẹ học sinh hiểu và cùng đồng hành với nhà trường trong mọi hoạt động nuôi dạy các con. Nhà trường cũng đã liên hệ, trao đổi, giải thích trực tiếp với cha mẹ học sinh để tạo được sự chia sẻ, đồng thuận, đồng hành cùng nhà trường trong mọi hoạt động.

Nhi Anh