Giáo viên tư thục "nhà quê ra tỉnh" lao đao mùa dịch bệnh

17/03/2020 06:31
Phan Tuyết
(GDVN) - Người giàu có thể ngưng “chơi” nhưng người nghèo nhất định phải có ăn. Thế là, nhiều thầy cô giáo trong trường phải bươn chải trên khắp nẻo đường mưu sinh.

Phần lớn giáo viên các trường tư thục nghỉ dạy vào mùa dịch Covid-19 đều không được nhận lương do nhiều trường học không thể gồng nổi các khoản chi phí.

Cô giáo bán cam để mưu sinh mùa dịch (Ảnh Báo Tiền Phong).
Cô giáo bán cam để mưu sinh mùa dịch (Ảnh Báo Tiền Phong).

Có trường còn thông báo giải tán và giáo viên cũng thất nghiệp luôn từ đó. Ai rơi vào hoàn cảnh này cũng đều khốn khổ, bi đát.

Thế nhưng nỗi thống khổ ấy được nhân lên gấp nhiều lần khi những thầy cô giáo ở tỉnh về thành phố dạy hợp đồng không nhà cửa, không người thân để cậy nhờ.

Mưu sinh qua ngày

Tôi gặp em, một giáo viên trẻ (chừng độ 25 tuổi) tại nhà cô em gái ở thành phố Hồ Chí Minh. Em kể, mình từ ngoài quê vào thành phố dạy hợp đồng tại một trường mẫu giáo tư thục với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Tiền thuê nhà 1 tháng đã 2 triệu đồng, tiền ăn, xăng xe đi lại và bao khoản tiền khác thì một tháng giỏi lắm cũng chỉ dư chưa tới 1 triệu đồng.

Giáo viên tư thục "nhà quê ra tỉnh" lao đao mùa dịch bệnh  ảnh 2
Muôn vàn nghề mưu sinh của giáo viên hợp đồng trong mùa dịch

Từ ngày học sinh không đến trường vì nghỉ dịch bệnh, nhà trường cũng cố cầm cự trả cho giáo viên 50% lương nên cũng có khoản trang trải tiền nhà trọ.

Nhưng cũng chỉ được tháng đầu tiên và đến bây giờ em cùng đồng nghiệp không còn nhận được một đồng nào nữa.

Người giàu có thể ngưng “chơi” nhưng người nghèo nhất định phải có ăn mới được. Thế là, nhiều thầy cô giáo trong trường phải bươn chải trên khắp nẻo đường mưu sinh.

Khổ nỗi, giáo viên thì làm thêm được gì? Ngoài việc dạy thêm, dạy kèm là dễ dàng vì đúng sở trường nhưng mùa dịch này thì dạy ai? Ai cho mà dạy?

Em nói cũng có vài gia đình thuê dạy chung một nhóm trẻ nhưng em không dám nhận vì như thế là vi phạm.

Thế rồi, em nhận trông trẻ và dạy học cho đứa cháu của tôi cũng là học sinh của em dạy ở lớp với giá cả thỏa thuận là 150.000đ/ngày (một tuần dạy 6 ngày trừ ngày chủ nhật).

Với số tiền kiếm được gần 4 triệu đồng/tháng, theo em cũng tạm cầm cự được qua ngày.

Dù thế, em nói vẫn còn hơn khá nhiều đồng nghiệp khác vì em còn độc thân còn nhiều thầy cô còn cả một gia đình nên có trăm khoản phải lo đặc biệt là tiền nhà trọ hàng tháng buộc phải có.

Giáo viên tư thục "nhà quê ra tỉnh" lao đao mùa dịch bệnh  ảnh 3
Các chủ nhà cho thuê cần chia sẻ gánh nặng với các cô giáo mầm non!

Tiền nhà trọ cho cả gia đình đã chiếm 3 triệu đồng/tháng. Tiền ăn, tiền mặc cho con và bao khoản phí sinh hoạt không thể thiếu.

Thế nên, ngoài việc nhận dạy kèm một em ở nhà phụ huynh, một số đồng nghiệp khác phải làm cùng lúc bao nghề như bán hàng trên mạng, đi ship hàng hay chạy xe hợp đồng, chạy xe ôm.

Ngày đi làm thêm, đêm về vẫn giúp học trò học qua mạng

Thầy Th. ở Tân Bình hằng ngày đi giao hàng ở khắp nơi, tối về dù mệt rã rời nhưng học trò hỏi lẽ nào lại không trả lời?

Thế là thầy Th. nói mình lại phải lên mạng trả lời thắc mắc, giải đáp một số vấn đề khó cho các em học sinh, cho một số phụ huynh.

"Dù rất mệt do hằng ngày phải chạy xe giao hàng nhưng thương học sinh ham học cũng phải ráng giúp các em và sẽ giúp hết lòng" thầy Th. cười và khẳng định như thế.

Không riêng gì thầy Th. mà hàng trăm thầy cô giáo khác vẫn tất bật mưu sinh với khá nhiều công việc chỉ mong đổi lại được ít tiền đủ trang trải tiền nhà trọ, tiền ăn uống cho cả gia đình trong tháng.

Giờ thì mong mỏi lớn nhất của các thầy cô là dịch bệnh nhanh chóng qua đi để học sinh trở lại trường và thầy cô cũng đỡ vất vả mưu sinh bên ngoài bục giảng.

Phan Tuyết