Giữa đồng bằng, 200 hộ dân ở thành phố Biên Hòa chưa có điện lưới quốc gia

16/06/2015 15:46
Thế Quân
(GDVN) - Mỗi hộ dân đóng 3 triệu đồng để kéo điện quốc gia về từ tháng 11/2014, nhưng đến nay, hơn 200 hộ dân ở thành phố Biên Hòa – Đồng Nai vẫn chưa thể có điện.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của anh Cao Văn Thanh (ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) về tình trạng hơn 200 hộ dân nơi anh sinh sống không được sử dụng điện lưới quốc gia.

Cụ thể, anh Thanh cho biết, từ nhiều năm nay, khu vực tổ dân phố 10, 12, 13 không có hệ thống điện lưới quốc gia, phải mua điện của tư nhân bên ngoài với giá ‘cắt cổ’ là 4.100 đồng/KW.

Nếu muốn sử dụng điện của tư nhân, các hộ dân ở khu vực này còn phải đóng 2 triệu đồng tiền mua dây, và 3 triệu đồng tiền thế chân (tiền này không được hoàn lại).

Dù sống bằng nghề vào rừng đốn củi, nhưng hộ nhà bà Bô phải đóng đến hơn 1 triệu đồng tiền điện mỗi tháng vì mua điện của tư nhân (ảnh: T.Q)

Dù sống bằng nghề vào rừng đốn củi, nhưng hộ nhà bà Bô phải đóng đến hơn 1 triệu đồng tiền điện mỗi tháng vì mua điện của tư nhân (ảnh: T.Q)

Hàng tháng, các hộ dân ở đây phải trả từ 400.000 – gần 1,3 triệu đồng tiền điện sinh hoạt do tư nhân cung cấp.

Anh Thanh chỉ ra lý do là vì công tơ điện chủ yếu mua ở các tiệm điện tự lắp ráp, nên độ chính xác không có, nhưng vẫn phải đồng ý, vì nếu không thì sẽ không có điện sinh hoạt.

Hàng năm, người dân ở đây vẫn đóng đầy đủ các khoản chi phí, lệ phí mà Nhà nước ban hành từ thuế đến an ninh quốc phòng áp dụng dành cho người dân. Ai ai sinh sống trong khu vực này cũng mong mỏi sẽ sớm có điện lưới quốc gia để dùng cho sinh hoạt.

Ngày 24/10/2014, một cuộc họp giữa Bí thư, trưởng ấp, Công an xã, Ban thư ký và nhân dân trong ấp  được tổ chức để nhằm triển khai việc kéo điện lưới quốc gia về cho người dân trong 3 tổ dân phố nói trên trước ngày 1/1/2015.

Thông báo này của Trưởng ấp đọc tại cuộc họp khiến cho những người dân sinh sống tại khu vực này rất vui mừng vì sắp được sử dụng điện sinh hoạt theo giá do Nhà nước quy định.

Cũng tại cuộc họp, Trưởng ấp thông báo mỗi hộ dân sẽ đóng 2,7 triệu đồng gọi là chi phí để kéo dây, xây trụ. Tổng kinh phí cần làm cho việc này là 460 triệu đồng chia đều cho 170 hộ dân.

Một tuần sau, lại có một cuộc họp được tổ chức với thành phần chủ trì vẫn như cũ. Nội dung cuộc họp là thông báo mỗi hộ dân phải đóng thêm 300 ngàn đồng, tiền chi phí phát sinh thêm. Như vậy, có nghĩa là mỗi hộ dân đã phải đóng 3 triệu đồng cho việc này.

Hộ nào cũng đồng ý sẽ đóng thêm khoản tiền này. Ai không có tiền thì phải đi vay mượn, với mong muốn sớm có điện lưới quốc gia vào tận nhà mình.

Chỉ trong vòng 1 tuần, toàn bộ các hộ dân đã đóng xong tiền. Hai ngày sau thì người dân thấy xe của điện lực chạy vào, thi công chôn cột, kéo dây ầm ầm chỉ vài ngày là xong. Người dân ai cũng mừng vì ánh sáng của điện lưới quốc gia sắp về được tới nhà mình.

Chôn cột, kéo dây xong, nhưng người dân lại không thấy điện lực đến để đưa bình hạ thế về. Người dân sống tại đây đã chờ điện từ bao nhiêu ngày nay, mà cho tới nay vẫn không thấy đâu, chỉ có thể thấy cột và dây điện treo vắt vẻo, phơi nắng ngoài đường.

Thông báo tiền điện tháng 6 của nhà bà Bô lên đến hơn 1,2 triệu đồng (ảnh: T.Q)
Thông báo tiền điện tháng 6 của nhà bà Bô lên đến hơn 1,2 triệu đồng (ảnh: T.Q)

Trải qua 5 tháng chờ đợi, người dân vì quá bức xúc nên mới tổ chức một cuộc họp tại nhà ông Phó Trưởng ấp (tên Hùng). Lúc này, người dân dứt khoát yêu cầu lãnh đạo xã Phước Tân cần phải có sự trả lời kiên quyết là khi nào có điện cho người dân? Còn nếu không thể có điện được thì tại sao lại thu tiền của người dân để làm?

Trưởng ấp – ông Nguyễn Văn Thơ khi đó mới trả lời cho người dân là do UBND thành phố Biên Hòa chưa phê duyệt, chấp thuận việc cung cấp điện lưới quốc gia cho người dân, nên chưa thể có điện được. Còn người dân muốn hỏi cụ thể, chi tiết hơn, thì mời liên hệ với UBND thành phố.

Theo anh Cao Văn Thanh cho biết, cho tới nay, số tiền mà người dân đã đóng để kéo điện lưới quốc gia là hơn 200 hộ, với số tiền rất lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng, mà điện thì lại chẳng thấy đâu. Vậy mà, khi người dân đem thắc mắc này hỏi tới Trưởng ấp, thì lại nhận được câu trả lời là đi mà hỏi UBND thành phố.

“Đây là một câu trả lời rất vô trách nhiệm, vì tiền thì người dân đã đóng rồi, chôn cột và kéo dây xong xuôi, còn điện thì cho tới nay vẫn chưa kéo vô tới nơi, mà Trưởng ấp cũng không thể biết đến khi nào có điện” – anh Thanh nhấn mạnh.

Qua Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Cao Văn Thanh cũng như nhiều hộ dân đang sinh sống tại tổ 10, 12, 13 của ấp Tân Cang rất mong chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện tối đa để người dân có điện lưới quốc gia, còn nếu không thể kéo điện về khu vực này thì cần phải trả lại tiền cho các hộ dân ở khu vực này.

Chờ UBND thành phố Biên Hòa giải quyết

Nhằm làm rõ những thông tin mà người dân cung cấp, sáng ngày 16/6, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Thơ – Trưởng ấp Tân Cang liên quan đến những vấn đề mà người dân đã nêu.

Xác nhận với chúng tôi, ông Thơ cho biết, toàn bộ những nội dung mà anh Thanh cũng như người dân phản ánh với phóng viên là chính xác.

Năm 2014, do dân số tại khu vực này phát triển nhanh, trước đây chỉ có 3 tổ dân phố mà giờ phải tách thành 5 tổ khác nhau, trước đây khu vực này quy hoạch là khu tái định cư của quốc lộ 1, nên Nhà nước chưa cho phép kéo điện lưới quốc gia về đây. Về sau này, Nhà nước lại xóa bỏ quy hoạch.

Do đó, để có điện sử dụng trong sinh hoạt, người dân sống trong khu vực này thông qua một công ty tư nhân đã phải trả giá rất cao. Nhiều người xài, đường dây có hạn, nên lượng điện hao hụt rất lớn, nên hàng tháng, mỗi hộ dân phải trả chi phí rất lớn.

Trong các cuộc họp với chính quyền xã, thành phố, lãnh đạo ấp đã rất nhiều lần phản ánh việc này. Để thực hiện chủ trương xây dựng xã nông thôn mới, năm 2014, Nhà nước có chủ trương nhờ vào đường dây trung thế của một công ty tư nhân để hạ bình xuống để có điện cho dân sử dụng, còn lại thì vận động người dân theo chủ trương ‘xã hội hóa’, đóng tiền để kéo dây và xây trụ. 

Dự trù kinh phí thực hiện là 3 triệu đồng/hộ dân, chia làm 2 đợt đóng, nên khi họp thông báo ai cũng đồng ý. Với tinh thần khẩn trương để người dân có điện sử dụng ngay, chỉ trong vòng 1 tháng, nhà thầu thi công đã hoàn thành việc kéo dây, chôn trụ.

Đến bao giờ, hơn 200 hộ dân ở thành phố Biên Hòa mới có điện lưới quốc gia dù đã có dây, trụ điện? (ảnh: T.Q)
Đến bao giờ, hơn 200 hộ dân ở thành phố Biên Hòa mới có điện lưới quốc gia dù đã có dây, trụ điện? (ảnh: T.Q)

Cho tới nay, người dân sống tại khu vực này vẫn chưa thể có điện sử dụng, dù đã hơn 6 tháng trôi qua. Tại nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố, tỉnh, người dân liên tục phản ánh vấn đề này với chính quyền, thì chỉ nắm được thông tin vướng ở khâu của UBND thành phố Biên Hòa – tỉnh Đồng Nai.

Â’p Tân Cang có khoảng 700 hộ dân, nhưng đã có đến hơn 200 hộ dân phải xài điện với giá cao. Cho tới nay, tổng số tiền người dân đã đóng, để chi cho việc kéo điện lưới quốc gia về với nhà của mình là hơn 500 triệu đồng, mà chi ra là đã hơn 400 triệu đồng cho việc kéo dây, chôn trụ. Còn điện lưới quốc gia đối với những hộ dân tại đây vẫn cứ ‘xa vời vợi’.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc: Biết không thể kéo điện về khu vực này, tại sao lại thu tiền của dân? Ông Thơ cho rằng: Khi xã triển khai thì hoàn toàn không biết việc vướng mắc này. Nếu biết vướng thì chắc chắn không ai thu tiền của dân làm gì cả.

Khi chúng tôi đề cập đến việc vướng mắc là gì, ông Thơ nói chỉ nghe xã Phước Tân báo lại là: Trước đây, khu này là khu quy hoạch dự án, mà có khoảng hơn 20 hộ dân không chịu di dời, thực hiện quyết định cưỡng chế, giải tỏa. Về sau, khi xóa bỏ quy hoạch, thì hơn 20 hộ dân này vẫn tiếp tục sống tại đây.

Cũng theo ông Thơ thì đó là nguyên nhân do ông nghe xã nói, chứ UBND thành phố cũng chưa bao giờ phát biểu trực tiếp gì với người dân.

Trưa cũng ngày, chúng tôi liên hệ qua điện thoại với ông Lê Văn Trung – Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn của HĐND và UBND thành phố Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai, đề nghị một cuộc làm việc chính thức về những vấn đề mà người dân nêu ra.

Tuy nhiên, ông Trung đã từ chối cuộc làm việc này, với lý do đầu tuần rất bận với nhiều cuộc họp khác nhau. Thế nhưng, ông Trung cũng nói với chúng tôi rằng không phải khu vực nào cũng có thể kéo điện lưới quốc gia về được, và đề nghị để thông tin lại để tổ chức xác minh, rồi sẽ có trả lời sau.

Thế Quân