3 lý do khiến bằng TS có nguy cơ 'phổ cập', 'đẻ ra' luận án hữu danh vô thực

11/05/2022 06:46
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục cần chỉ đạo cơ sở đào tạo thành lập hội đồng gồm các thành viên mới để đánh giá lại một số luận án tiến sĩ đầy tai tiếng đã bị dư luận phản ánh.

Ngay sau khi luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" được phản ánh trên các diễn đàn báo chí thì bạn đọc cũng đã tìm được 28 luận án tương tự về lĩnh vực thể dục thể thao được lưu trữ trên trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo tìm hiểu của người viết, trên trang web này còn có 16 luận án tiến sĩ rập khuôn theo một khuôn mẫu, giống như các báo cáo tình hình kinh tế xã hội của các địa phương. Đáng chú ý, tên các luận án được cho là giống nhau về cấu trúc.

Chẳng hạn, "Chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Nông từ năm 2004 đến năm 2015" [1]; "Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Thái Nguyên từ năm 1997 đến năm 2010" [2]; "Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Hà Nam từ năm 1997 đến năm 2012" [3]; "Quá trình chuyển biến cơ cấu kinh tế của tỉnh Ninh Bình từ năm 1992 đến năm 2012" [4]...

(Ảnh: Phan Thế Hoài)

(Ảnh: Phan Thế Hoài)

Vì sao nhiều người đua nhau học tiến sĩ?

Theo nhận định của cá nhân tôi, học vị tiến sĩ ngày càng có xu hướng "phổ cập" vì những lí do chủ yếu sau đây.

Thứ nhất, quy định người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí trong các trường đại học, học viện... đòi hỏi phải có học vị tiến sĩ.

Ngày 19/11/2018, Quốc hội ra Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó Điều 20 quy tiêu chuẩn để được bổ nhiệm là hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học phải có trình độ tiến sĩ. [5]

Bên cạnh đó, trình độ học vấn của trưởng khoa trường đại học được quy định tại khoản 2 Điều 15 Điều lệ trường đại học được ban hành kèm theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nội dung như sau:

Trưởng khoa phải có trình độ tiến sĩ phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo tại khoa. Đối với khoa không đảm nhận chính việc đào tạo một ngành hoặc chuyên ngành để cấp một trong các văn bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, nếu không có tiến sĩ thì hiệu trưởng có thể xem xét bổ nhiệm người có trình độ thạc sĩ vào vị trí trưởng khoa. [6]

Cùng với đó, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo "có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ". [7]

Tôi cho rằng, những quy định về học vị tiến sĩ được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật là hoàn toàn hợp lí nếu họ tham gia vào việc giảng dạy, nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu các vị trí quản lý trong trường không liên quan đến công tác giảng dạy, nghiên cứu thì có nhất thiết phải là thạc sĩ, tiến sĩ không. Đặc biệt, việc bảo vệ, giám sát hành lang pháp lí này thì chưa được những người có trách nhiệm thực thi một cách nghiêm túc.

Đây là lỗ hỏng, kẻ hở cho những người thiếu năng lực, hám danh tìm mọi cách dán nhãn học vị tiến sĩ nhằm mục đích thăng tiến trong công việc khiến nhân cách bị tha hóa, phá hoại nền học thuật chân chính.

Thứ hai, Bộ Giáo dục hạ chuẩn đào tạo tiến sĩ khiến nhiều người muốn có học vị này để được làm "quan", thăng quan tiến chức.

Ngày 28/6/2021, Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. [8]

Đáng chú ý, khoản c, Điều 14 quy định việc đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn được tổ chức khi nghiên cứu sinh đáp ứng yêu cầu:

“Là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành;

Các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án”.

Trong khi đó, ở Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT, yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 1 bài báo thuộc hệ thống WoS/Scopus hoặc tương đương (cùng với các điều kiện khác).

Bàn về việc hạ chuẩn đào tạo tiến sĩ, trao đổi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Ngô Việt Trung - nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam - cho rằng cái gốc vấn đề nằm ở quy chế bảo vệ luận án tiến sĩ mới bị "tầm thường hóa" gần đây.

"Gốc rễ của vấn đề là do quy chế đào tạo tiến sĩ mới ban hành năm 2021 đã hạ thấp chuẩn đầu ra so với quy chế năm 2017, thậm chí còn thấp hơn quy chế trước năm 2017.

Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017 yêu cầu nghiên cứu sinh bảo vệ phải có công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín nhằm có sự đánh giá khách quan các kết quả nghiên cứu.

Sau khi quy chế năm 2017 được áp dụng, nhiều cơ sở đào tạo, đặc biệt là các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội rơi vào tình trạng ế ẩm, không có học viên tiến sĩ nên Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ban hành quy chế mới cùng những tiêu chuẩn còn thấp hơn quy chế trước năm 2017 với mục đích các cơ sở “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” về quá trình đào tạo", Giáo sư Ngô Viết Trung nhấn mạnh. [9]

Thứ ba, việc đánh giá luận án tiến sĩ tại đơn vị chuyên môn không được thực hiện một cách nghiêm túc, thậm chí làm trái quy định.

Theo khoản 1 Điều 16 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 15/08/2021) quy định về đánh giá luận án tại cơ sở đào tạo, trong đó yêu cầu đối với luận án tiến sĩ để được bảo vệ tại Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo như sau:

"Là báo cáo khoa học tổng hợp kết quả học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh, thể hiện nghiên cứu sinh có khả năng độc lập nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới có giá trị làm gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong những hoàn cảnh thực tiễn cụ thể;

Đạt quy trình phản biện độc lập;

Tuân thủ quy định của cơ sở đào tạo về hình thức trình bày, kiểm soát đạo văn và những tiêu chuẩn về liêm chính học thuật; minh bạch nguồn tham khảo kết quả nghiên cứu chung của nghiên cứu sinh và của những tác giả khác (nếu có) và thực hiện đúng các quy định khác của pháp luật sở hữu trí tuệ". [10]

Một nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ phải trải qua ba cấp ở trường đại học: cấp bộ môn, cấp khoa, cấp trường. Trong đó, yêu cầu của một luận án tiến sĩ là không được trùng lắp quá 30% so với các đề tài khác đã được công bố.

Nội dung luận án phải có tính mới, hàm lượng khoa học cao, có ý nghĩa khoa học, phương pháp nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn... Thực tế cho thấy có hàng loạt luận án trùng lắp từ tên đề tài cho đến giải pháp... như đã đề cập nhưng không hiểu bằng cách nào vẫn được hội đồng thông qua.

Thiết nghĩ, trước mắt Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo cơ sở đào tạo thành lập hội đồng gồm các thành viên mới để đánh giá lại một số luận án tiến sĩ đầy tai tiếng đã bị dư luận phản ánh thời gian qua.

Sau đó, phải quy trách nhiệm và có hình thức xử lí thích đáng đối với người hướng dẫn, hội đồng bảo vệ luận án nếu có sai trái - tuyệt đối không để những cá nhân có liên quan viện dẫn đề tài đã được hội đồng thẩm định qua nhiều vòng, có đầy đủ thủ tục và biên bản nghiệm thu đúng quy trình để phủi trách nhiệm.

Tài liệu tham khảo:

[1] //luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=38284&fbclid=IwAR0KzTGHd-kzFAD4DMiiwdFepbvH3gLmEf1jCfAdaJQSHUA7hFZyDO3TdE0

[2] //luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=9642&fbclid=IwAR2SNTKfhmAjGajKW8W20GGVcMz5jh3JTcLI3ydt3D3yAoDyEmNOL47PkWM

[3] ://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=30200&fbclid=IwAR1WNUsgY-f7sJ4ffE45-QYza7IE2i2r5H77Nj1csVYmqcswrlr0ialgMH4

[4] //luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=30936&fbclid=IwAR1e0gHufN0eLYF_syk0PGvh-twm0C8FFiOMxXa2KUMEERHkMsh4GqPgGUk

[5] //lsvn.vn/tieu-chuan-de-bo-nhiem-hieu-truong-truong-dai-hoc.html?fbclid=IwAR07dd0ReIocnlp4gBo8BYJYqJ-tELebtRo1khRVrQzgQuYbNSMVMY6u164

[6] //nganhangphapluat.thukyluat.vn/tu-van-phap-luat/giao-duc/truong-khoa-truong-dai-hoc-phai-co-trinh-do-hoc-van-nhu-the-nao-269884

[7] //luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html

[8] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-18-2021-TT-BGDDT-Quy-che-tuyen-sinh-va-dao-tao-trinh-do-tien-si-480305.aspx

[9] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/gs-ngo-viet-trung-neu-bo-gd-khong-sua-quy-che-se-con-tiep-tuc-co-ts-cau-long-post226293.gd

[10] //hoidap.thuvienphapluat.vn/hoi-dap/54CC3-hd-yeu-cau-doi-voi-luan-an-tien-si-duoc-bao-ve-tai-hoi-dong-danh-gia-luan-an-cua-co-so-dao-tao.html?fbclid=IwAR1a5_roC3QWOSaiySA24HNyPy6xjHhcIG97IFFO3eaHBA-jEKcqL5EpMMQ

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài