Bao nhiêu cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã bước vào chuyển đổi số?

10/04/2022 07:05
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyển đổi số trong giáo dục đại học dù được nói đến nhiều từ khi bước sang thế kỷ 21 nhưng việc chuyển đổi số diễn ra chậm chạp cho đến trước đại dịch Covid-19.

Trong Quyết định 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, có một mục tiêu cụ thể là hoàn thiện mô hình “Giáo dục đại học số”.

Khái niệm này không được định nghĩa và vì vậy có thể hiểu theo nhiều cách. Chí ít nhìn từ góc độ chuyển đổi số đang diễn ra trong giáo dục nước ta nói riêng, giáo dục thế giới nói chung, thì có hai cách hiểu như sau:

Thứ nhất là cách hiểu ở cấp độ vĩ mô, thì đó là mô hình về sự hình thành của hệ thống giáo dục đại học số do kết quả của tiến trình chuyển đổi số dưới sự dẫn dắt của một kế hoạch quốc gia.

Thứ hai là cách hiểu ở cấp độ vi mô, thì đó là mô hình về sự hình thành của cơ sở giáo dục đại học số do kết quả của tiến trình chuyển đổi số dưới sự dẫn dắt của một kế hoạch nhà trường.

Mối quan hệ giữa hai cách hiểu này tùy thuộc rất nhiều vào cách tiếp cận trong chuyển đổi số là từ trên xuống, hay từ dưới lên, hay là sự phối hợp giữa từ trên xuống và từ dưới lên. Vấn đề này không được làm rõ trong Quyết định 146. Tuy nhiên căn cứ vào quy định “Hoàn thiện mô hình giáo dục đại học số và thí điểm triển khai mô hình tại một số cơ sở giáo dục đại học” thì cần hiểu mô hình giáo dục đại học số theo cách hiểu thứ hai.

Bài viết này muốn bàn về mô hình giáo dục đại học số theo cách hiểu đó, tức là cách hiểu ở cấp cơ sở giáo dục đại học. Muốn vậy trong rất nhiều câu hỏi phải trả lời, trước hết cần trả lời xem việc đưa công nghệ số vào trong các cơ sở giáo dục đại học đang diễn ra như thế nào ở Việt Nam và trên thế giới.

Hiện trạng chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học nước ta

Có nhiều cách hiểu về chuyển đổi số trong giáo dục đại học tùy theo cách tiếp cận. Tuy nhiên, xét về phương diện lý luận, thì chuyển đổi số được hiểu là một quá trình vận dụng các tiến bộ của công nghệ số để tác động lên mọi thành tố của cơ sở giáo dục đại học, buộc các thành tố này phải thay đổi để chuyển cơ sở giáo dục đại học từ một nhà trường truyền thống sang nhà trường số.

Ảnh minh họa: nguồn Báo Chính phủ

Ảnh minh họa: nguồn Báo Chính phủ

Trên thực tế, chuyển đổi số trong giáo dục đại học dù đã được nói đến nhiều từ khi bước sang thế kỷ 21 với sự bùng nổ của internet và được đặc biệt đề cao khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng việc chuyển đổi số diễn ra chậm chạp cho đến trước đại dịch Covid-19. Chính Covid-19 đã tạo cú hích đề đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục đại học. Dù vậy, phạm vi tác động chủ yếu của chuyển đổi số đến nay vẫn tập trung trước hết vào lĩnh vực dạy và học, với những biểu hiện đầu tiên là giáo dục trực tuyến, giáo dục mở, khoa học mở.

Nhìn từ góc độ thực tế nói trên, Công ty nghiên cứu và tư vấn hàng đầu Gartner cho thấy quá trình chuyển đổi số gồm các giai đoạn như sau: 1) chưa có ý tưởng gì; 2) có mong muốn chuyển đổi số; 3) thiết kế chuyển đổi số; 4) triển khai chuyển đổi số; 5) mở rộng phạm vi chuyển đổi số; 6) gặt hái kết quả chuyển đổi số.

Theo cách phân giai đoạn đó, khảo sát năm 2018 của Gartner tại 98 nước cho thấy tỷ lệ các cơ sở giáo dục đại học ở giai đoạn 1 là 11%, giai đoạn 2 là 23%, giai đoạn 3 là 27%, giai đoạn 4 là 24%, giai đoạn 5 là 13%, giai đoạn 6 là 2% [1].

Ở Việt Nam, hiện chưa có khảo sát để đánh giá ít nhiều rõ ràng về hiện trạng chuyển đổi số trong giáo dục đại học. Tuy nhiên, căn cứ vào việc triển khai giáo dục trực tuyến trong đại dịch Covid-19, theo số liệu cuối năm 2020, có thể phỏng chừng 45% cơ sở giáo dục đại học đang ở giữa giai đoạn 3 và 4; còn lại 55% đang ở giai đoạn 1, 2 hoặc 3.

Có thể, đến nay, vào đầu năm 2022, tất cả các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đã triển khai giáo dục trực tuyến, nhưng khó mà nói rằng có bao nhiêu cơ sở đã lên ý tưởng và kế hoạch cụ thể cho chuyển đổi số để hướng tới hình thành cơ sở giáo dục đại học số trong tương lai. Đó là vì giờ đây chuyển đổi số không phải chỉ là đưa dạy và học trực tuyến vào trong nhà trường, cũng không chỉ là phát triển các tài nguyên giáo dục mở (OER) và các khóa học trực tuyến mở đại chúng (MOOC), mà còn là và đặc biệt là vận dụng các tiến bộ của công nghệ số để tạo nên sự đổi mới mang tính đột phá trong dạy học, quản trị và quản lý nhà trường.

Vận dụng công nghệ số trong đổi mới dạy-học

Một báo cáo của tổ chức OECD dưới tiêu đề “Triển vọng giáo dục số 2021” cho biết việc ứng dụng các công nghệ thông minh trong lớp học, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), phân hiện học tập (learning analytics), công nghệ robot, chuỗi khối…, có khả năng tạo đột phá trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả việc dạy và học [2].

Việc vận dụng AI trong lớp học đang tạo ra hệ thống dạy kèm thông minh cho phép cá thể hóa việc học. Đó là vì với sự hỗ trợ của AI, hệ thống này cho phép phát hiện lỗ hổng kiến ​​thức của người học; chẩn đoán các bước thích hợp tiếp theo cho việc học; cung cấp các bài tập mới, các đơn vị học tập mới, một số hướng dẫn cần thiết hoặc thông báo cho người dạy. Cách tiếp cận này hiện đang được mở rộng ngoài việc thu nhận kiến ​​thức đơn thuần để tác động đến khía cạnh hành vi như học cách tự điều chỉnh hoặc kỹ năng sống.

Công nghệ AI còn được sử dụng trong một lĩnh vực phát triển công nghệ mới, tập trung vào việc đo lường mức độ tương tác và các biện pháp can thiệp để giữ cho người học có hứng thú học tập cả trong môi trường vật lý và môi trường kỹ thuật số. Việc đo lường mức độ tương tác là rất khó nhưng một loạt các phương pháp tiếp cận tự động mới đã được phát triển, từ máy theo dõi mắt đến theo dõi và phân tích các đặc điểm khác trên khuôn mặt.

Còn để cải thiện mức độ tương tác thì có hai cách: cách thứ nhất là chủ động kích thích sự tham gia bằng các biện pháp như khuyến khích, trò chơi hóa,...; cách thứ hai, phức tạp hơn, là cách phản ứng thông qua việc liên tục theo dõi sự tham gia, phát hiện khi nào sự tương tác đang suy yếu để điều chỉnh việc dạy cho phù hợp.

Bên cạnh việc sử dụng công nghệ thông minh để cải thiện việc học của người học, còn có việc sử dụng công nghệ thông minh để cải thiện việc dạy trong lớp học. Đó là công nghệ phân hiện học tập kết hợp với AI.

Mục tiêu là để hỗ trợ người dạy điều phối việc học trong lớp học và đề xuất các kịch bản học tập phong phú và hiệu quả cho người học. Được trang bị cảm biến, máy ảnh hoặc thiết bị kết nối, lớp học trở thành một không gian vật lý-kỹ thuật số kết hợp, trong đó máy tính phân tích hành vi của cả người học và người dạy, đồng thời đưa ra phản hồi cho người dạy về các thông số khác nhau.

Thông qua các loại bảng điều khiển và màn hình khác nhau, người dạy nhận được thông tin thời gian thực, chẳng hạn như về thời điểm chuyển sang trình tự tiếp theo của bài học hoặc nhận phản hồi sau lớp học để phát triển chuyên môn hoặc lập kế hoạch cho các bài học tiếp theo.

Robot xã hội cũng ngày càng được phát triển để phục vụ cho việc học tập. Chúng thường được sử dụng trong các hệ thống cá thể hóa học tập theo hướng hỗ trợ người dạy và người học theo nhiều cách khác nhau. Chúng có thể đóng vai trò người hướng dẫn hoặc trợ giảng cho các cá nhân hoặc nhóm nhỏ, nhưng chúng cũng có thể là những bạn học cho phép người học “dạy” họ. Các telerobot còn giúp người học học từ xa và mang đến những cơ hội mới cho những ai không thể đến lớp học. Chúng cũng hỗ trợ cho việc giảng dạy từ xa, chẳng hạn hỗ trợ giáo viên từ một quốc gia khác trong việc dạy ngoại ngữ.

Những công nghệ thông minh nói trên thường yêu cầu sự tham gia của một người trong cuộc. Đó là nhà giáo. Mức độ tự động hóa của các hành động và quyết định phải được coi là một phổ liên tục bao gồm một đầu là những hành động hoàn toàn tự động, còn ở đầu kia là những hành động mà con người có toàn quyền kiểm soát. Cho đến ngày nay, các hệ thống AI vẫn là hệ thống hỗn hợp người-máy và yêu cầu sự can thiệp của con người tại một thời điểm nhất định.

Vận dụng công nghệ số trong đổi mới quản trị, quản lý

Các công nghệ thông minh được hỗ trợ bởi AI và phân hiện học tập cũng thúc đẩy việc đổi mới quản trị, quản lý cơ sở giáo dục. Chúng có thể được sử dụng để cung cấp thông tin cho những người ra quyết định về nhiều quy trình quản trị và tổ chức từ dự báo giáo dục trong tương lai đến việc nâng cao hiệu quả quản lý.

Chẳng hạn dựa trên phân tích về lộ trình học tập và nghiên cứu của sinh viên, nhà trường có được thông tin cần thiết để cải thiện chương trình giáo dục.

Việc áp dụng công nghệ phân hiện dữ liệu trong phạm vi toàn trường, dù hiện mới chỉ là một xu hướng mới, nhưng có thể thay đổi văn hóa nhà trường.

Các dữ liệu quản lý vi mô cũng đang được sử dụng hiệu quả trong hệ thống cảnh báo sớm nhằm xác định sinh viên có nguy cơ bỏ học. Dù vẫn còn khó khăn trong xây dựng một bộ chỉ số tốt cho cảnh báo sớm nhưng một số hệ thống đã cho thấy mức độ chính xác cao và đem lại cách hiểu phong phú về các lý do sinh viên bỏ học. Điều đó đòi hỏi nhiều biện pháp can thiệp chính sách hơn so với những gì hiện đang được áp dụng.

Các bài đánh giá chuẩn hóa dựa trên trò chơi cũng được xây dựng dựa trên các công nghệ thông minh và kỹ thuật phân tích dữ liệu thông minh để mở rộng phạm vi đánh giá tới các kỹ năng không thể dễ dàng đo lường bằng các bài kiểm tra truyền thống; đó là các kỹ năng bậc cao (ví dụ: sáng tạo) hoặc kỹ năng cảm xúc và hành vi.

Cuối cùng, công nghệ chuỗi khối mở ra những con đường mới cho việc cấp văn bằng, chứng chỉ trong giáo dục. Công nghệ chuỗi khối cho phép xác thực các tuyên bố về đặc điểm và trình độ của một cá nhân hoặc tổ chức một cách nhanh chóng với mức độ chắc chắn rất cao.

Điều này giúp loại bỏ gian lận bằng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người học và người lao động giữa các cơ sở và khu vực địa lý, đồng thời trao quyền cho các cá nhân trong việc tăng cường kiểm soát đối với dữ liệu của chính họ. Nhiều sáng kiến ​​chuỗi khối đang được thực hiện trên toàn thế giới, qua đó giúp các hệ thống giáo dục và học tập suốt đời thay đổi cách quản lý văn bằng và chứng chỉ.

Trở lại mô hình giáo dục đại học số ở Việt Nam

Theo cách hiểu của bài viết này thì, với hiện trạng chuyển đổi số trong giáo dục đại học hiện nay trên thế giới, có thể hiểu mô hình giáo dục đại học số là mô hình vận dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng và hiệu quả của giảng dạy, học tập, quản trị và quản lý trong cơ sở giáo dục đại học.

Công nghệ số bao gồm cả một giải rộng từ phần cứng, phần mềm, đến nội dung kỹ thuật số, dữ liệu, các hệ thống thông tin và các công nghệ thông minh. Việc ứng dụng công nghệ số tuyệt nhiên không phải là việc đưa các công nghệ đó vào trong nhà trường mà phải là và chính là việc vận dụng các công nghệ đó như thế nào.

Hiểu một cách cụ thể thì đó là việc vận dụng công nghệ số để không phải chỉ tổ chức các lớp học trực tuyến mà còn là phát triển các OER và MOOC, đổi mới cách dạy, cách học, cách đánh giá, cách quản trị, quản lý.

Tuy nhiên, đã nói đến mô hình thì công nghệ số chỉ là một thành phần của mô hình. Dĩ nhiên, đó là thành phần thiết yếu. Bên cạnh thành phần đó, phải chú ý đến thành phần chủ đạo. Đó là con người. Đối với cơ sở giáo dục đại học thì thành phần con người bao gồm cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên, phụ huynh, nhà tuyển dụng và cộng đồng xã hội.

Mô hình cơ sở giáo dục đại học số chính là mô hình kết nối giữa các chủ thể và các bên liên quan nói trên trong và ngoài khuôn viên nhà trường, trên nền tảng công nghệ số, vì mục đích tột cùng là phục vụ lợi ích người học.

Xây dựng các kết nối là vấn đề riêng của từng cơ sở giáo dục đại học xuất phát từ sứ mệnh, tầm nhìn, và bối cảnh cụ thể của cơ sở. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới [3], cần tuân theo các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, việc vận dụng công nghệ số cần được phát triển với mục đích rõ ràng, bám sát chiến lược và tầm nhìn về sự thay đổi mong muốn của cơ sở giáo dục đại học;

Thứ hai, việc vận dụng công nghệ số ​​phải linh hoạt và lấy người dùng làm trung tâm, với trọng tâm là công bằng và hòa nhập, nhằm mở rộng quy mô và tính bền vững cho tất cả mọi người;

Thứ ba, công nghệ số phải thúc đẩy sự tương tác của giảng viên với sinh viên, tạo điều kiện để giảng viên hỗ trợ sinh viên tốt hơn trong học tập;

Thứ tư, công nghệ số phải góp phần hình thành cơ chế quản trị toàn trường, huy động sự tham gia của mọi bên có liên quan để hỗ trợ việc học tập của sinh viên;

Thứ năm, công nghệ số phải góp phần hình thành văn hóa học hỏi và ra quyết định trên cơ sở bằng chứng thông qua việc sử dụng dữ liệu một cách có tác động hơn, trách nhiệm hơn và công bằng hơn.

Hiện nay, trên phạm vi thế giới, do những thách thức và rào cản ở mức độ khác nhau nên chuyển đổi số diễn ra với cách thức khác nhau, mức độ khác nhau, nhịp độ khác nhau từ khu vực này sang khu vực khác, nước này sang nước khác, thậm chí trường này sang trường khác trong cùng một quốc gia.

Cũng đã hình thành những mô hình thành công cùng với các bài học thất bại. Vấn đề đặt ra đối với các nước đi sau là “đừng có phát minh lại cái bánh xe” mà hãy tìm hiểu các mô hình thành công để học hỏi, những thất bại để tránh xa, từ đó xây dựng một cách phù hợp mô hình cơ sở giáo dục đại học số trên cơ sở tôn trọng năm nguyên tắc nói trên.

Cuối cùng, như lời khuyên của Ngân hàng Thế giới, cần chấp nhận rằng sự thay đổi là không thể tránh khỏi; không có kế hoạch nào là hoàn hảo; cần vừa học hỏi vừa triển khai, vừa chấp nhận rủi ro. Đó là vì “rủi ro của không hành động còn lớn hơn rủi ro của hành động” [3].

Tài liệu tham khảo

[1] Clark, E. 2018. Digital Transformation: What Is It? EDUCAUSE Review Monday, May 21, 2018.

[2] OECD. 2021. Digital Education Outlook 2021. Pushing the Frontiers with Artificial Intelligence, Blockchain and Robots. Paris: OECD Publishing.

[3] World Bank. 2020. Reimagining Human Connections: Technology and Innovation in Education at the World Bank. World Bank: Washington, DC.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến