Khi các "ông Hội đồng” thích … nhậu!

26/12/2016 08:16
Xuân Dương
(GDVN) - Người Việt có câu “miệng ăn, núi lở”, theo kiểu “quê” Hà Nội, 6 miệng “lở” mất 1 triệu đồng thì với 3,2 tỷ đồng, “số miệng” tương ứng sẽ là 19.200.

Câu chuyện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương “thiếu” hơn 300 triệu đồng vì tiếp khách, phải làm đơn xin bổ sung kinh phí chưa kịp lắng xuống thì đến lượt mấy ông “Hội đồng” ở Gia Lai xài quá đà 3,2 tỷ, thông tin này được báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đăng tải hôm 23/12/2016. 

Theo bài báo: “Sở Tài chính tỉnh Gia Lai cho biết, qua kiểm tra chứng từ, sổ sách đã phát hiện Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai dùng 3,2 tỉ đồng ngân sách tiếp khách trái quy định”.

Đây mới chỉ là số tiền chi “trái quy định”, còn số tiền “đúng quy… trình” chưa thấy công bố.

Tính theo kiểu “nhà quê” thì thế này, mỗi mâm cỗ cưới 10 món ăn phục vụ trọn gói tại huyện Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội) thời điểm cuối năm 2016 này trị giá trên dưới 1 triệu (cho 6 người).

Giả sử một bữa nhậu của các ông “Hội” Gia Lai cộng thêm quan khách tối đa là 10 mâm, nghĩa là phải chi khoảng 10 triệu đồng (cho 60 người ăn).

Ra nhà hàng, khách sạn giá cả cũng chỉ trên dưới một triệu cho một thực đơn tiệc. 

Nếu ăn theo kiểu Hà Nội là hơi “quê”, các ông “Hội” Gia Lai phải chi gấp đôi thì bình quân hai ngày “Hội đồng” lại buộc phải có một cuộc tiếp với 60 quan khách?

Với số tiền chi quá đà 3,2 tỷ chia cho 10 triệu sẽ được 320 bữa “nhậu”.

Mỗi năm số tiền mà các ông “Hội” vùng sâu vùng xa này chi tiếp khách quá quy định tương đương 320 bữa, trừ các ngày chủ nhật, nghỉ lễ, tết hoặc xuống cơ sở,… vị chi mỗi ngày làm việc ở cơ quan là có … một bữa nhậu?

Còn nếu tính thêm cả số tiền chi “đúng quy trình” thì sẽ tương đương bao nhiêu bữa?

Có một số địa phương lạm chi cho việc ăn nhậu, tiếp khách thường xuyên. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Có một số địa phương lạm chi cho việc ăn nhậu, tiếp khách thường xuyên. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Các vị “Hội đồng” không có thời gian nghỉ ngơi thư giãn, làm việc vất vả quanh năm như vậy, sao dư luận lại cứ “băn khoăn” về năng suất lao động của nước mình vào loại kém nhất Đông Nam Á?

Làm sao lại cứ “kêu ca” như Vietnamnet.vn ngày 18/11/2015, rằng “gánh nặng thuế phí đè vai người dân”!

Trường hợp một vị vừa có chân trong Hội đồng lại có chân bên chính quyền, đoàn thể thì không biết sẽ vất vả thế nào nếu được giao nhiệm vụ chuyên môn là… tiếp khách?

Năm 2011, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã kỷ luật 4 lãnh đạo tỉnh trong đó có 2 tỉnh ủy viên (Vtc.vn 7/10/2011).

Năm nay ai sẽ có quyền ra quyết định kỷ luật mấy ông ở Hội đồng Nhân dân, Tỉnh ủy hay Quốc hội, hay chỉ cần yêu cầu các vị ấy hoàn trả công quỹ số tiền chi sai là xí xóa?

Người Việt có câu “miệng ăn, núi lở”, theo kiểu “quê” Hà Nội, 6 miệng “lở” mất 1 triệu đồng thì với 3,2 tỷ đồng, “số miệng” tương ứng sẽ là 19.200.

Thảo nào mà núi chẳng lở, cây rừng chẳng còn và lũ quét do trời và do người tạo ra thì “ầm ầm như thác đổ”.

Nếu mấy tỷ ấy người ta ăn hết vào miệng thì có nên coi là “lọt sàng xuống nia”, vì một khi tiền đem lại niềm vui cho bạn bè, đối tác thì không thể gọi là mất trắng.

Chẳng may mà người ta hứng chí sau cuộc tiếp khách lại kèm theo karaoke như mấy người ở Hà Nội thì mới phải giật mình, mới phải lo cho hồng phúc của dân tộc.

Khi các "ông Hội đồng” thích … nhậu! ảnh 2

Huyện về thì xã mổ trâu...

Gần đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đều có những chỉ thị kiên quyết về tiết kiệm, Chính phủ thì cấm khai trương, động thổ, yêu cầu cắt giảm xe công…

Trung ương thì chỉ thị không bắn pháo hoa dịp Tết, giảm bớt cỗ bàn khi cưới xin và các dịp mừng khác…

Năm 2012, Hà Nội từng đề xuất yêu cầu cán bộ công chức tổ chức đám cưới “số khách mời không quá 300 người, tương đương 50 mâm cỗ”.

Thế là xảy ra chuyện một ông trưởng tộc mắng chú em họ là Phó Chủ tịch mà người viết “may mắn” được nghe.

Chuyện là ông em tổ chức tiệc cưới con ở thành phố chỉ mời bạn bè cơ quan, còn lại họ hàng làng xóm cách xa 10 cây số ông chỉ mời mỗi ông trưởng tộc đại diện, thế là 50 mâm, thế là 300 khách.

Để vui lòng họ hàng, mấy hôm sau ông em tổ chức bữa cỗ tại quê, tưởng thế thì ông trưởng tộc phải vui, phải hãnh diện nhưng ông lại càng thêm tức.

Hóa ra là vì những chai rượu viết toàn chữ Tây đặt trên bàn các bậc bô lão mà ông trưởng tộc đã được “cụng ly” hôm trước bên trong lại toàn … “cuốc lủi”, chỉ tội đám con cháu “choai choai” cứ nhấp nhổm mong được cầm ly đến “chúc sức khỏe” chú, bác!

Các nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ, Đức,… hay phương Đông như Nhật, Hàn, Singapore,… không biết có nước nào mà Đảng cầm quyền và các cơ quan hành pháp phải ra chỉ thị về chuyện cưới hỏi, ma chay, tiệc tùng như nước mình?

Việc phải ban hành các quy định như Quy định số 55/QĐ-TW của Bộ Chính trị ngày 19/12/2016 hay Chỉ thị số 11-CT/TW của Ban Bí thư cho thấy quốc nạn với dân tộc, đất nước không chỉ là tham nhũng mà còn là thói tiêu xài hoang phí của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ lãnh đạo.

Nếu những đồng tiền người ta kiếm được là “mồ hôi nước mắt, không dựa vào ai” như lời con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương tuyên bố, do “làm thối móng tay” mới có được như lời ông cựu Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền hay do “nuôi lợn, sửa xe máy, buôn tivi” như lời ông nguyên Giám đốc sở Y tế Thanh Hóa Hoàng Sỹ Bình thì việc cấm của Trung ương có nên “du di”?

Và những bà con vùng lũ, vùng thiên tai, vùng biển bị Formosa đầu độc ở miền Trung có cần khuyến cáo khi mà họ đang phải trông chờ vào gạo cứu trợ từ trung ương?

Việc ban hành thêm các chỉ thị về tiết kiệm tuy cần thiết nhưng quan trọng hơn là thực hiện các chủ trương, nghị quyết đã có.

Khi các "ông Hội đồng” thích … nhậu! ảnh 3

“Chúng tôi mời đến, thì họ tự bỏ tiền ra mà ăn, rồi tự ngủ có gì đâu mà nói”

Ban hành rồi để đó như lâu nay sẽ không có tác dụng bởi những tiệc cưới hàng trăm mâm của công chức Hà Nội vẫn đầy rẫy các nhà hàng, khách sạn và “Hàng trăm xe biển xanh dự đám cưới con trai Giám đốc Công an tỉnh” mà Baogiaothong.vn đề cập không phải là chuyện hiếm. [1]

“Một lần và mãi mãi” là câu nói thể hiện quyết tâm khi xử lý một vấn đề gì đó.

Người dân mong rằng chiến dịch mà Trung ương Đảng và Chính phủ phát động sẽ “một lần và mãi mãi”, đặc biệt là mong mỏi “sợi dây kinh nghiệm” sẽ không còn là sợi dây dài nhất lịch sử, rút mãi không hết.

Cũng mong rằng điều 5 trong Quy định số 55/QĐ-TW “kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, phê phán những tập thể, cá nhân vi phạm” không phải chỉ là “phê phán” mà là “kỷ luật nghiêm khắc” những tập thể, cá nhân vi phạm.

Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.baogiaothong.vn/hang-tram-xe-bien-xanh-du-dam-cuoi-con-trai-gd-ca-tinh-d66812.html

Xuân Dương