Phần 2: So với Bắc Ninh, Thái Nguyên lên thành phố trực thuộc TW hợp lý hơn

11/05/2021 06:50
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Liệu có tồn tại những đơn vị hành chính có quy mô trái với quy định của Quốc hội và cần phải sắp xếp?

(Tiếp theo phần 1)

Cho đến nay, chưa tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng văn bản chỉ đạo “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh” giống như Nghị quyết số 37-NQ/TW.

Tuy nhiên, Chính phủ nhiệm kỳ này đã có những động thái tích cực về chuyện “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh”, cụ thể:

Ngày 24/04/2021, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu ý kiến: “Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu thí điểm tổ chức ở cấp tỉnh phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng là “Khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương” và quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp”. [5]

Không lâu sau, ngày 04/05/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu “Nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh”. [6]

Liệu có tồn tại những đơn vị hành chính cấp tỉnh có quy mô trái với quy định của Quốc hội và cần phải sắp xếp?

(Tỉnh miền núi, vùng cao, dân số từ 900.000 người trở lên; diện tích tự nhiên phải từ 8.000 km2 trở lên; Tỉnh không thuộc miền núi, vùng cao, dân số từ 1.400.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên)

Nhìn vào bảng số liệu điều tra trong phần “Tài liệu tham khảo”, sử dụng cách thức nội suy như sau: “Tất cả những tỉnh dân số không đạt 900.000 người hoặc diện tích dưới 5.000 km2 thì chắc chắn đã vi phạm một trong hai tiêu chí (hoặc cả hai tiêu chí) Quốc hội quy định.

Thứ nhất, tìm thấy 17 tỉnh dân số dưới 900.000 người, không đạt tiêu chí thứ nhất trong Nghị quyết 1211, trong đó có không ít tỉnh thuộc khu vực đồng bằng, duyên hải như Ninh Thuận, Hậu Giang, Hà Nam,... (Bảng 1)

Ghi chú: Dấu chấm trong các con số ngăn cách hàng nghìn, hàng triệu, dấu phảy ngăn cách phần thập phân. Ví dụ 4.860 km2 là bốn nghìn tám trăm sáu mươi km2.

Số TT

Tên tỉnh

Khu vực

Dân số - người

Diện tích - km2

1

Bắc Kạn

Đông Bắc Bộ

313.905

4.860

2

Lai Châu

Tây Bắc Bộ

460.196

9.068,8

3

Cao Bằng

Đông Bắc Bộ

530.341

6.700,3

4

Kon Tum

Tây Nguyên

540.438

9.674,2

5

Ninh Thuận

Duyên hải Nam Trung Bộ

590.467

3.355,3

6

Điện Biên

Tây Bắc Bộ

598.856

9.541

7

Đắk Nông

Tây Nguyên

622.168

6.509,3

8

Quảng Trị

Bắc Trung Bộ

632.375

4.739,8

9

Lào Cai

Tây Bắc Bộ

730.420

6.364

10

Hậu Giang

Đồng bằng sông Cửu Long

733.017

1.621,8

11

Lạng Sơn

Đông Bắc Bộ

781.655

8.310,2

12

Tuyên Quang

Đông Bắc Bộ

784.811

5.867,9

13

Yên Bái

Tây Bắc Bộ

821.030

6.887,7

14

Hà Nam

Đồng bằng sông Hồng

852.800

860,9

15

Hòa Bình

Tây Bắc Bộ

854.131

4.591

16

Hà Giang

Đông Bắc Bộ

854.679

7.929,5

17

Quảng Bình

Bắc Trung Bộ

895.430

8.065,3

Bảng 1: Số tỉnh chưa đạt tiêu chí về dân số

Thứ hai, tìm thấy 33 tỉnh diện tích dưới 5.000 km2, không đạt tiêu chí thứ hai trong Nghị quyết 1211 (diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên). (Bảng 2)

Thứ tự

Tên tỉnh,

Khu vực

Dân số - người

Diện tích - km2

1

Bắc Ninh

Đồng bằng sông Hồng

1.368.840

0.823

2

Hà Nam

Đồng bằng sông Hồng

852.8

0.861

3

Hưng Yên

Đồng bằng sông Hồng

1.252.731

0.930

4

Vĩnh Phúc

Đồng bằng sông Hồng

1.154.154

1.235

5

Đà Nẵng

Duyên hải Nam Trung Bộ

1.134.310

1.285

6

Ninh Bình

Đồng bằng sông Hồng

982.487

1.387

7

Cần Thơ

Đồng bằng sông Cửu Long

1.235.171

1.439

8

Vĩnh Long

Đồng bằng sông Cửu Long

1.022.791

1.475

9

Hải Phòng

Đồng bằng sông Hồng

1.837.173

1.562

10

Thái Bình

Đồng bằng sông Hồng

1.860.447

1.571

11

Hậu Giang

Đồng bằng sông Cửu Long

733.017

1.622

12

Nam Định

Đồng bằng sông Hồng

1.780.393

1.668

13

Hải Dương

Đồng bằng sông Hồng

1.892.254

1.668

14

Bà Rịa – Vũng Tàu

Đông Nam Bộ

1.148.313

1.981

15

TP. Hồ Chí Minh

Đông Nam Bộ

8.993.082

2.061

16

Trà Vinh

Đồng bằng sông Cửu Long

1.009.168

2.358

17

Bến Tre

Đồng bằng sông Cửu Long

1.288.463

2.395

18

Tiền Giang

Đồng bằng sông Cửu Long

1.764.185

2.511

19

Bạc Liêu

Đồng bằng sông Cửu Long

907.236

2.669

20

Bình Dương

Đông Nam Bộ

2.426.561

2.695

21

Sóc Trăng

Đồng bằng sông Cửu Long

1.199.653

3.312

22

Ninh Thuận

Duyên hải Nam Trung Bộ

590.467

3.355

23

Hà Nội

Đồng bằng sông Hồng

8.053.663

3.359

24

Đồng Tháp

Đồng bằng sông Cửu Long

1.599.504

3.389

25

Phú Thọ

Đông Bắc Bộ

1.463.726

3.535

26

Thái Nguyên

Đông Bắc Bộ

1.286.751

3.536

27

An Giang

Đồng bằng sông Cửu Long

1.908.352

3.537

28

Bắc Giang

Đông Bắc Bộ

1.803.950

3.851

29

Tây Ninh

Đông Nam Bộ

1.169.165

4.041

30

Long An

Đồng bằng sông Cửu Long

1.688.547

4.490

31

Hòa Bình

Tây Bắc Bộ

854.131

4.591

32

Quảng Trị

Bắc Trung Bộ

632.375

4.740

33

Bắc Kạn

Đông Bắc Bộ

313.905

4.860

Bảng 2: Số tỉnh chưa đạt tiêu chí về diện tích

Nhiều tỉnh như Hà Nam, Hòa Bình, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Quảng Trị, Hậu Giang không đạt cả hai tiêu chí dân số và diện tích theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều đáng quan tâm là ngày 24/02/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030”.

Quyết định này hoàn toàn không đề cập đến chuyện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh không đạt các tiêu chí dân số và diện tích quy định trong Nghị quyết 1211 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 05 năm trước.

Ảnh chụp màn hình phần cuối Quyết định số 241/QĐ-TTg

Ảnh chụp màn hình phần cuối Quyết định số 241/QĐ-TTg

Các mục 1, 4, 5 phần cuối của Quyết định số 241/QĐ-TTg cho thấy Chính phủ dự kiến nâng cấp ba tỉnh Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc trung ương.

Việc “dự kiến” của Chính phủ được công bố nhằm lấy ý kiến nhân dân hay đây chỉ là thông báo những việc Chính phủ sẽ làm?

Tapchicongsan.org.vn trong bài “Một số vấn đề lý luận về mô hình tổ chức thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương” có đoạn:

“Các thành phố trực thuộc Trung ương ở Việt Nam có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự phát triển đất nước và thường đóng vai trò là các trung tâm, đầu tàu phát triển của cả nước, liên vùng, của vùng, thúc đẩy, dẫn dắt, tạo động lực phát triển cho các địa phương khác”. [7]

Với ý nghĩa như vậy, việc Chính phủ “dự kiến” nâng cấp 3 tỉnh lên thành phố trực thuộc trung ương là điều bình thường nhưng nếu những “dự kiến” này thành hiện thực lại là không bình thường.

Xin lấy trường hợp tỉnh Bắc Ninh để phân tích.

Bắc Ninh là tỉnh bé nhất Việt Nam với diện tích 823 km2, dân số khoảng 1,34 triệu người, vị trí địa lý liền kề với Hà Nội.

Khoảng cách từ Trung tâm thành phố Hà Nội (hồ Hoàn Kiếm) đến trung tâm thành phố Bắc Ninh (tỉnh lỵ tỉnh Bắc Ninh) chỉ khoảng 30 km. Xét về mặt địa giới, từ trung tâm thành phố Hà Nội đến địa giới thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh chỉ khoảng 12 km.

Trong quy hoạch xây dựng, Bắc Ninh được xếp thuộc vùng Thủ đô Hà Nội.

Cũng nên nói thêm là huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có diện tích 2.820 km2, gấp hơn ba lần diện tích tỉnh Bắc Ninh.

Những tổ chức, cá nhân “dự kiến” để thành phố bé nhất nước, nằm liền kề với thủ đô trở thành thành phố trực thuộc trung ương có biết đến quy định diện tích đơn vị hành chính cấp tỉnh vùng đồng bằng nhỏ nhất phải là 5.000 km2?

Liệu Bắc Ninh có thể là “trung tâm, đầu tàu phát triển của cả nước, liên vùng, của vùng, thúc đẩy, dẫn dắt, tạo động lực phát triển cho các địa phương khác” trong đó có Hà Nội như ý kiến nêu trên Tạp chí Cộng sản?

Toàn cảnh trung tâm thành phố Bắc Ninh (Ảnh T/L trên Báo Xây dựng).

Toàn cảnh trung tâm thành phố Bắc Ninh (Ảnh T/L trên Báo Xây dựng).

Thiết nghĩ việc nâng cấp đơn vị hành chính cấp tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương phải là việc đã được nghiên cứu kỹ, phù hợp với quy hoạch vùng và quy định của cơ quan lập pháp là Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội. Mặt khác cũng phải cân đối tính chất vùng miền phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội toàn quốc giai đoạn mới.

Xem xét một cách khách quan, trên cơ sở khoa học kết hợp với lịch sử vì sao Chính phủ không “dự kiến” chọn tỉnh Thái Nguyên để nâng cấp lên thành phố trực thuộc trung ương?

Thái Nguyên từng là “Thủ đô kháng chiến”, là thủ phủ Khu Tự trị Việt Bắc, cách Hà Nội khoảng 75km (gấp hơn 2 lần so với Bắc Ninh).

Thái Nguyên là một trung tâm văn hóa, giáo dục, công nghiệp vùng núi phía Bắc.

Tỉnh Thái Nguyên có Đại học Thái Nguyên là đại học trọng điểm quốc gia, (là một Đại học vùng ngang tầm với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế).

Tại Thái Nguyên còn có 09 trường đại học và 11 trường cao đẳng khác.

Thái Nguyên là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của miền bắc, hiện có 12 khu công nghiệp tập trung với diện tích lên đến 2.775 ha.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thái Nguyên năm 2020 ước đạt 15,56 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Rõ ràng chọn Thái Nguyên nâng cấp thành thành phố trực thuộc trung ương là hoàn toàn hợp lý.

Xây dựng một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương là hình thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, công nghiệp,…, vừa thu hút, vừa thúc đẩy sự phát triển của các địa phương “vệ tinh”. Với cách hiểu này thì cả Bắc Ninh (liền kề Hà Nội) và Thừa Thiên Huế (liền kề thành phố trực thuộc trung ương Đà Nẵng) đều không phù hợp.

Đến đây thì câu chuyện sáp nhập, chia tách, nâng cấp các đơn vị hành chính rõ ràng là có quá nhiều điều phải quan tâm.

Trong hơn 30 năm tính từ 1986, tổng số đơn vị hành chính cấp xã và huyện tăng thêm là 1.782. Theo quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP, số lượng cán bộ, công chức cấp xã tùy thuộc vào loại xã và được biên chế trong khoảng từ 19 đến 23 người.

Tổng lượng cán bộ, công chức cấp xã tăng thêm sẽ từ 28.595 đến 34.615 người chưa kể 282 đơn vị hành chính cấp huyện.

Chưa có con số thống kê cho thấy ngân sách phải bỏ ra bao nhiêu nghìn tỷ đồng xây mới 1.782 trụ sở, mua sắm trang thiết bị, trả lương cho cán bộ nhưng chắc chắn nhiều ha đất nông nghiệp đã bị bê tông hóa, và đổi lại rõ ràng nhất là thêm chỗ ngồi cho khoảng ba vạn người.

Thêm nhân sự cho bộ máy chính quyền liệu có làm gia tăng tình trạng “tham nhũng vặt”, chuyện gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp hoặc chất lượng quản lý là điều dư luận đã bàn tán quá nhiều?

(Còn nữa)

Xuân Dương