“Sĩ hóa công chức" - Chủ trương hay nhận thức mắc lỗi?

17/11/2016 08:05
Xuân Dương
(GDVN) - Dường như dư luận không mấy thiện cảm với một “bộ phận không nhỏ” những người được xếp vào hàng trí thức khi tên tuổi của họ có thêm hàm “sư”, vị “sĩ”.

Một đội ngũ phó giáo sư, giáo sư, thạc sĩ, tiến sĩ vào loại hùng hậu nhất Đông Nam Á nhưng Việt Nam bị xếp vào hàng đội sổ về cống hiến cho nhân loại nói lên điều gì?

Sẽ là không công bằng, sẽ là suy nghĩ cực đoan khi cho rằng các “sĩ” (thạc sĩ, tiến sĩ) đều không “nghiên” cái gì và cũng chẳng “cứu” được ai ngoại trừ việc lót ổ chờ phút “gà lên chuồng”. 

Nói “gà lên chuồng” là cách nói dân dã chứ không văn hoa như có vị dân biểu gọi phút nhận sổ hưu của quan chức là “hoàng hôn nhiệm kỳ”. 

Thực tế cho thấy không ít người đã thể hiện tài năng nghiên cứu khoa học, đã có cống hiến được ghi nhận cả ở trong nước và thế giới.

Nhiều người âm thầm làm việc, âm thầm cống hiến nhưng không hề được vinh danh, với họ hàm, vị không phải là mục tiêu phấn đấu, không phải là đích cuối cùng.

Tuy nhiên phải thừa nhận rằng đội ngũ trí thức Việt Nam ngày nay được phát triển theo một định hướng không giống ai.

“Sĩ hóa công chức" - Chủ trương hay nhận thức mắc lỗi? ảnh 1
Câu chuyện “Sĩ hóa công chức" - lỗi không của riêng ai (Ảnh: Báo Sài Gòn giải phóng)

Chúng ta đang xây dựng đội ngũ trí thức không vì mục tiêu sáng tạo khoa học mà phục vụ cho nhu cầu chính trị, cho niềm tin ngây thơ rằng một quốc gia có nhiều giáo sư, tiến sĩ chứng tỏ sự ưu việt của nền giáo dục mà quốc gia đó theo đuổi.

Đất nước hiện có hai thái cực trái ngược, trong khi bội thực một số loại “sĩ” như “thạc sĩ, tiến sĩ” thì lại nghèo, vô cùng nghèo loại “sĩ” cổ điển, tồn tại hàng nghìn đời nay là “sĩ diện”. 

Tương tự như vậy, chúng ta có rất nhiều phó giáo sư, giáo sư nhưng lại ít, rất ít “sư” làm nghề sư phạm. 

Bài viết “Việt Nam có lạm phát giáo sư, phó giáo sư?” [1] nêu số liệu: “Từ năm 1976 cho đến hết năm 2014, sau 38 năm, tổng số GS, PGS đã được công nhận ở nước ta là 11.097, gồm có 1.628 GS và 9.469 PGS”. 

Cũng  bài báo này cho biết: “Theo thống kê năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “tổng số sinh viên Đại học là 1.730.000, số giảng viên Đại học là gần 74.630, trong đó có 4.155 GS, PGS”. 

Nếu số liệu nêu là chính xác thì số giáo sư, phó giáo sư làm việc trong các trường học chỉ chiếm 37,5% , nghĩa là hơn 1/3 một chút, gần 2/3 số người có học hàm giáo sư, phó giáo sư không phải là nhà giáo, không làm việc đúng với chức danh được nhà nước phong.

Về đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ, có hai câu hỏi không phải chỉ các nhà giáo mà cả xã hội đặt ra cho những người hoạch định chiến lược giáo dục sau đại học:

Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để làm gì?

Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ như thế nào?

“Sĩ hóa công chức" - Chủ trương hay nhận thức mắc lỗi? ảnh 2

"Tiến sỹ giấy, giáo sư ma” và nỗi buồn giáo dục

(GDVN) - Chẳng có nơi nào giống Việt Nam, hàng ngàn Tiến sỹ, Giáo sư đang làm công tác quản lý hành chính, chẳng biết những học hàm học vị ấy có ý nghĩa gì.

Về chủ trương, đường lối, đương nhiên đào tạo sau đại học nhằm mục đích xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu, đủ khả năng nghiên cứu, giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng,…phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  

“Tiến sĩ” vốn là học vị phong cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học, có công trình đạt chuẩn quốc gia và quốc tế, có tính sáng tạo, hoàn toàn mới, chưa có ai công bố.

Một lượng không nhỏ thạc sĩ, tiến sĩ đào tạo trong nước có trình độ không kém so với các nước trong khu vực và thế giới, tuy nhiên thực tế không chỉ có vậy. 

Vẫn đang tồn tại nhận thức khác lạ của một số cơ quan, một số cán bộ lãnh đạo về việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để làm gì. Xin nêu một vài dẫn chứng:

Thành phố Hà Nội từng công bố “chiến lược cán bộ công chức” với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. 

Theo đó, 100% cán bộ diện UBND Thành phố quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học. [2]

Mặc dù không có số liệu kiểm chứng song có thể nói cho đến nay chủ trương “thạc sĩ hóa, tiến sĩ hóa” (gọi tắt là “sĩ hóa”) của Hà Nội đã đạt kết quả ngoài sự mong đợi vì tại Hà Nội “cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ tiến sĩ”?

Kết quả ngoài sự mong đợi của Hà Nội về việc “sĩ hóa” đội ngũ công chức liệu có phải là một trong những nguyên nhân góp phần tạo nên hiện tượng - như lời nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:

“Thủ tục hành chính của mình cay nghiệt lắm, độc ác lắm, quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân. Nhiều thủ tục để làm gì, để có tiền thì mới xong chứ sao nữa”!

Cứ cho là đội ngũ công chức “sĩ hóa” không góp phần tạo nên sự “cay nghiệt, độc ác” của thủ tục hành chính thì cũng góp phần đắc lực vào việc bảo vệ một cách vững chắc đội ngũ “công chức cắp ô”. 

Điều này được thấy qua lời Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trả lời truyền thông bên lề phiên họp báo Chính phủ chiều 29/2/2016 rằng:

Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn cứng về trình độ đại học, lý luận chính trị thì cũng rất khó cho việc tinh giản biên chế vì Hà Nội đã chuẩn hóa cán bộ, kể cả cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ”. [3]

Một khi đội ngũ công chức của Hà Nội đã được “sĩ hóa” đến cấp phường thì các “thạc sĩ phường”, “tiến sĩ phường” sẽ làm gì hai ngày cuối tuần? 

Nếu muốn “nghiên” muốn “cứu” họ phải tìm về đâu khi cuối tuần cơ quan đóng cửa, chẳng lẽ xin việc làm thêm trong các viện nghiên cứu, các đại học hay là nghiên cứu tại chung cư?

Câu trả lời của bà Ngô Thị Thanh Hằng mới chỉ cung cấp một phần đáp án cho câu hỏi “Việt Nam đào tạo tiến sĩ để làm gì?” 

“Sĩ hóa công chức" - Chủ trương hay nhận thức mắc lỗi? ảnh 3

Tiến sĩ Việt “ra lò” ở nước ngoài được đào tạo như thế nào?

(GDVN) - Kinh phí đào tạo một nghiên cứu sinh ở Pháp bình quân khoảng 15.000 USD/năm trong khi ở Việt Nam chỉ khoảng 700 USD/năm thì chất lượng sẽ chênh như thế nào?

Câu trả lời tiếp theo có thể tìm thấy trong số liệu công bố của Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ GD&ĐT. 

Theo thống kê của Bộ Khoa học-Công nghệ, năm 2013 cả nước có 24.300 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ, trong số này (theo số liệu của Bộ GD&ĐT) có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học. 

Như vậy số lượng tiến sĩ làm công tác giảng dạy chiếm khoảng 37%,  khoảng 15.000 tiến sĩ không phải là giảng viên một số làm việc trong các viện nghiên cứu, số còn lại không thấy thống kê đang làm gì! [4]

Ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ cho rằng:

Theo ước tính ở Việt Nam chỉ có 24% tiến sĩ công tác tại lĩnh vực kỹ thuật khoa học công nghệ, 76% còn lại thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản trị doanh nghiệp,… Đây là những lĩnh vực không thể có sáng chế được”. [4]

Ngoài hai ví dụ về việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để “không thể tinh giản biên chế”, để chen chân vào lĩnh vực “không thể có sáng chế”, còn một lý do khác khiến người ta nhao đi học thạc sĩ, tiến sĩ, đó là mục đích “rửa bằng”!

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ vốn là cử nhân Kinh tế tại chức khóa 24 (mở tại Việt Trì) đã nâng cấp thành “tiến sĩ” qua tấm bằng do đại học Nam Thái Bình Dương cấp (đây là trường “dởm” của Hoa Kỳ).

Baophutho.vn cơ quan của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ khi đề cập đến chuyện một cử nhân tại chức ngành Luật học thạc sĩ tại chức ngành Kinh tế do một Đại học Y mở tại địa phương đã viết:

Đó là cách “rửa bằng” nhanh nhất mà lại được tiếng là có ý thức học tập nâng cao trình độ”? [5]

Câu hỏi thứ hai “đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ như thế nào” vốn đã được bàn luận, đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Có thể tổng kết ba loại hình đào tạo tiến sĩ: Đào tạo chính quy trong nước và nước ngoài; đào tạo “dởm” kết hợp trong nước và nước ngoài; đào tạo chui trong nước.

Đào tạo chính quy theo kiểu “Lò sản xuất tiến sĩ” tại Học viện Khoa học Xã hội hay chất lượng luận án tiến sĩ thấp đã được nhắc đến quá nhiều, người viết cho rằng lỗi của người học ít hơn lỗi của thầy hướng dẫn. 

Quen biết PGS. Trần Quang L. vì cùng làm trưởng khoa tại một đại học ngoài công lập, ông vốn là giảng viên một học viện nổi tiếng về lý luận. 

Theo lời ông kể, trong thời gian 30 năm làm việc tại học viện ông đã hướng dẫn khoảng 60 người bảo vệ thành công luận án thạc sĩ và tiến sĩ.

Trong các đề tài luận án tiến sĩ tại học viện (không do ông hướng dẫn) có một đề tài nghiên cứu “Phương pháp tắm tập thể”, ông khẳng định đó là thật 100% chứ không phải chuyện của những “người thích đùa”! 

Điều hơi lạ là một người có nhiều học trò thạc sĩ, tiến sĩ thế mà chưa được phong giáo sư, kể cũng hơi không công bằng.

Ngay với một số trường hàng đầu quốc gia cũng vẫn có tình trạng “chạy sô” trong đào tạo. Báo Bbc.com/vietnamese ngày 26/10/2012 viết: 

Việt Nam cần xem lại quy hoạch phát triển đại học và bài toán chất lượng. Ngay một số Đại học được cho là hàng đầu như Đại học Quốc gia cũng xuất hiện khuynh hướng đào tạo quá tạp.

Từ đào tạo tại chức tới du học quốc tế, du học nội địa, đều làm, mà lẽ ra nên để cho các trường khác làm và tập trung vào các nhiệm vụ xứng đáng tầm vóc của mình hơn”.

“Sĩ hóa công chức" - Chủ trương hay nhận thức mắc lỗi? ảnh 4

Sao chép hoàn toàn 30 trang luận văn không nguy hiểm bằng ăn cắp ý tưởng

(GDVN) - Theo GS.Trần Văn Nhung: “Tôi có nghe ý kiến cho rằng nên xây dựng phần mềm để lọc các dự án "đạo văn", nhưng không có phần mềm nào thay thế được con người".

Câu chuyện một giảng viên trường Đại học Kinh Tế Quốc dân Hà Nội kiện nguyên Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận gần đây xuất phát từ tố cáo của thầy Chủ tịch hội đồng bảo vệ luận án với nghiên cứu sinh này. 

Ông Chủ tịch hội đồng đã giữ kín bí mật này tới 10 năm mới tố cáo.

Thầy mà như thế liệu đất nước có thể có tiến sĩ giỏi?

Chưa kể, hình thức học tiến sĩ “chui” là một thực tế ai cũng biết song không biết cơ quan quản lý có xem đó là một vấn nạn? 

Bài viết “Công nhận bằng tiến sĩ đào tạo “chui”? của TS. Dương Xuân Thành đăng trên báo  Vietnamnet.vn ngày 22/1/2014 [6] cho thấy, một số bộ phận chức năng của Bộ Giáo dục & Đào tạo đã không làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước với kiểu đào tạo “chui” này, thậm chí còn tiếp tay, dung túng cho sai phạm.

Để trị căn bệnh “sĩ hóa” thì phải trị từ gốc tức là từ quan điểm, chủ trương đến cách thực hiện chứ không phải đi tìm tiến sĩ “dởm” để xử lý.

Tiếc rằng nhiệm vụ đó không phải của người dân hay truyền thông, đó là trách nhiệm của tất cả cơ quan quản lý nhà nước chứ không riêng của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/viet-nam-co-lam-phat-giao-su-pho-giao-su-220705.html

[2]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/24-000-tien-si-viet-nam-dang-lam-gi-164238.html

[3] http://vov.vn/xa-hoi/tinh-gian-bien-che-vi-nhieu-thac-si-tien-si-bo-noi-vu-noi-gi-484219.vov

[4] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/76-tien-si-lam-viec-o-cac-linh-vuc-khong-the-co-sang-che-post153219.gd

[5] http://baophutho.vn/chinh-tri//chinh-tri/xay-dung-dang/sinh-hoat-tu-tuong/201607/rua-bang-2500212/

[6] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/cong-nhan-bang-tien-si-dao-tao-chui-158767.html

Xuân Dương