Thành tựu đổi mới và khát vọng phát triển

28/01/2021 10:08
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đoàn kết trong Đảng và đoàn kết mọi tầng lớp xã hội làm nên sức mạnh của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Hội trường Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẩu hiệu ở cuối hội trường là “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh” còn ở phía trước Đoàn chủ tịch là “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”.

Sự thay đổi không chỉ ở số lượng các tiêu chí mà còn là những gì hàm chứa bên trong các tiêu chí đó.

Người viết cho rằng mục tiêu lâu dài, xuyên suốt của bất kỳ Nhà nước pháp quyền nào, bất kỳ thể chế chính trị tiến bộ nào cũng là “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”, còn “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” là tiêu chí cho một giai đoạn lịch sử nhất định, cụ thể là từ nay đến năm 2045.

Điều này thể hiện qua phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trong diễn văn khai mạc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng:

“Chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, những vấn đề cần khắc phục, vượt qua cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045”. [1]

Đại hội Đảng lần thứ XIII có sự tham gia của 1.587 đại biểu, đại diện cho gần 5,2 triệu đảng viên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại hội Đảng lần thứ XIII có sự tham gia của 1.587 đại biểu, đại diện cho gần 5,2 triệu đảng viên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiêu chí đầu tiên được khẳng định là Đoàn kết.

Đoàn kết trong Đảng và đoàn kết mọi tầng lớp xã hội làm nên sức mạnh của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đây là truyền thống quý báu, là di sản cha ông để lại giúp người Việt chiến thắng mọi kẻ xâm lược hùng mạnh nhất thế giới, trong lịch sử là đế quốc Nguyên Mông, Đại Hán, đến thời hiện đại là những đạo quân xâm lược đông hàng chục vạn người với vũ khí hiện đại của Pháp, Mỹ, Trung Quốc,…

“Dân chủ, Kỷ cương” khi thực hiện đầy đủ sẽ tạo nên niềm tin của dân chúng vào vai trò, uy tín của lực lượng lãnh đạo, chắp cánh cho Sáng tạo và Phát triển.

Dân chủ được dân chúng hiểu một cách đơn giản là một thể chế chính trị, một Nhà nước “Của dân, do dân và vì dân”.

Chỉ khi mọi mục tiêu hành động, mọi phương châm xử lý đều xuất phát từ “Của dân, do dân và vì dân” thì “Dân làm chủ” mới thực sự có ý nghĩa, cũng tức là thực hiện nghiêm túc lời dạy của tiền nhân “Lấy dân làm gốc”.

Sự sáng tạo, thông minh của người Việt vốn là điều đã được quốc tế thừa nhận, chẳng hạn qua vai trò của một người Việt tên là Nguyễn An.

Học giả người Trung Quốc - ông Trần Ngọc Long - trong cuốn “Luận cương về văn hóa Hán - Giao lưu văn hóa Trung-Triều, Trung-Nhật, Trung-Việt” do nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh in năm 1993 viết:

“Nguyễn An chẳng những thiết kế và xây dựng Thiên An Môn mà còn là kiến trúc sư thiết kế kinh thành Bắc Kinh: “Thành Bắc Kinh chín cửa, hai cung, ba điện, năm phủ, sáu bộ, đến việc lấp chắn các đoạn sông ở Hàn Dương thôn, mọi việc đều do một mình Nguyễn An trù tính cả”. [2]

“Phát triển” là tiêu chí thứ năm cần phải hướng tới theo định hướng của Đảng, đánh giá sự phát triển của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB – World Bank) viết:

“Sự phát triển của Việt Nam trong hơn 30 năm qua rất đáng ghi nhận.

Đổi mới kinh tế và chính trị từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Từ 2002 đến 2018, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019, với hơn 45 triệu người thoát nghèo. Tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá)”. [3]

Sau năm 1975, từ một quốc gia bị Mỹ và một số thế lực cấm vận, cô lập trên trường quốc tế, Việt Nam đã trở thành điểm sáng về kinh tế và ngoại giao, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019.

Muốn phát triển thì phải ổn định, ổn định lòng dân, ổn định xã hội,… Vấn đề nằm ở chỗ ổn định mà không trì trệ, ổn định mô hình thể chế nhưng vẫn phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế,… là bài toán khó, rất khó mà đội ngũ lãnh đạo phải giải quyết khi mà niềm tin của dân chúng vào đội ngũ cán bộ có phần xáo trộn, nhất là trong môi trường thông tin thật giả lẫn lộn và một thế giới đầy biến động.

Định hướng của toàn Đảng, toàn dân như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “Vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu...” không hề là chuyện dễ dàng bởi ở chính các nước phát triển sự phân hóa giàu nghèo càng rõ nét.

Sự tức giận của một bộ phận dân chúng tại các nước giàu nhất thế giới như Mỹ, Anh, Pháp,… đỉnh điểm là vụ bạo loạn hôm 06/01/2021 tại Quốc hội Mỹ là một ví dụ.

Xã hội càng phát triển, khoảng cách về trình độ, thu nhập, hiểu biết,… của các tầng lớp dân cư càng bộc lộ rõ nét.

Năm 2021 sẽ là một năm đầy biến động và lo toan với tất cả mọi quốc gia, với tất cả những người nhận trách nhiệm lãnh đạo đất nước.

Nhận trách nhiệm trước lịch sử, nhận gánh nặng lo toan cho dân, cho nước là một sự dũng cảm chứ không phải ung dung thừa kế thành quả của 35 năm đổi mới.

Và đương nhiên không phải ai cũng dám đưa vai gánh vác trọng trách này.

Có nhiều ý kiến đề cập đến chu trình “Đổi mới 2.0”, tiếp tục đổi mới như những gì đã làm 35 năm qua hay cần đi xa hơn nữa, lên một tầm cao mới?

Những tín hiệu về một nền kinh tế số, về một Chính phủ điện tử, về các đô thị thông minh như thành phố Đông Anh – Hà Nội, Thủ Đức – Thành phố Hồ Chí Minh,… sẽ cần đến các “Công dân thông minh”.

Và để lãnh đạo các “Công dân thông minh” thì người ban hành chính sách phải là những người thông tuệ.

Người viết muốn dùng cụm từ “Thông tuệ” chứ không phải cụm từ được nhắc mãi là “có tâm và có tầm” bởi lẽ thông tuệ không chỉ là vừa thông minh, vừa trí tuệ mà còn không bao giờ lạc hậu với thời cuộc, thậm chí còn phải đi trước thời cuộc.

Có tâm và có tầm nếu có thêm những viễn kiến đi trước thời đại mới là thông tuệ.

Việc làm của những cá nhân thông tuệ trước mắt có thể không làm cho đám đông thông cảm nhưng điều đó không đáng ngại bằng việc “Ngủ quên trên chiến thắng” như tiêu đề một bài báo trên Thanhnien.vn. [4]

Chỉ còn hơn chục ngày là đất nước bước vào mùa xuân mới, người Việt giờ đây không phải lo toan quá nhiều cho bữa cơm ngày tết, thay vào đó là mong ước một bầu không khí sạch, thực phẩm sạch, đội ngũ “công bộc sạch”, giao thông an toàn và một môi trường giáo dục không còn xì xào về “sạn”.

Hy vọng những quyết sách được thông qua tại Đại hội Đảng và những nhân sự sẽ đảm nhận trọng trách lãnh đạo hệ thống chính trị sẽ đưa đất nước đạt kỳ vọng “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Niềm tin nước Việt và dân tộc Việt “sẽ sánh vai được cùng các cường quốc năm châu” không hề là viễn tưởng./.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-doc-dien-van-khai-mac-dai-hoi-xiii-cua-dang-632992/

[2]https://www.sggp.org.vn/kien-truc-su-nguyen-an-chu-tri-viec-thiet-ke-va-xay-dung-thien-an-mon-o-bac-kinh-thoi-nha-minh-129753.html

[3]https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview

[4]https://thanhnien.vn/gioi-tre/goc-nhin-tre-dung-ngu-quen-tren-chien-thang-1274011.html

Xuân Dương