Trung tâm của sự nghiệp đổi mới giáo dục là thày, trò hay… toa tàu? (4)

06/07/2021 06:40
Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban nghiên cứu và phân tích chính sách Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn Giáo dục không “loạn” thì những cơ cấu được xác định là “thượng” của giáo dục đều phải “chính”.

(Phần 1); (Phần 2); (Phần 3)

Về câu hỏi thứ ba: Muốn chống dột, muốn tránh nắng soi qua nóc cần phải làm gì?

Có một câu nói được xem là chân lý ở mọi thời đại, mọi quốc gia, đó là: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”.

Muốn Giáo dục cả nước không bị “loạn” thì đầu não toàn ngành là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải “chính”. Muốn Bộ “chính” thì mọi thành viên trong bộ - từ Bộ trưởng xuống nhân viên - đều phải “chính”.

Mở rộng vấn đề, muốn Giáo dục không “loạn” thì những cơ cấu được xác định là “thượng” của giáo dục đều phải “chính”, chẳng hạn phải trả lời bằng được câu hỏi vì sao ngân sách chi cho giáo dục mấy năm gần đây chỉ quanh quẩn 14%?

Về những vấn đề cụ thể, xin nêu vài ý kiến:

Thứ nhất, hãy trả lại cho giáo dục nhiệm vụ đích thực của nó.

Lâu nay giáo dục có nhiệm vụ quảng bá sự ưu việt bằng cách tạo ra con số tốt nghiệp trung học phổ thông trên 95%, bằng những tấm huy chương mang về qua các kỳ thi quốc tế với học sinh trung học phổ thông, bằng tỷ lệ mù chữ chỉ vài ba phần trăm,…

Nhưng đó không thể và không phải là nhiệm vụ đích thực của giáo dục.

Nhiệm vụ đích thực của giáo dục là đào tạo ra những thế hệ người Việt “Có văn hóa” và “Có kỹ năng”.

Một nền giáo dục thực chất "học thật, thi thật, nhân tài thật" mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn theo đuổi cũng là mong mỏi của rất nhiều người quan tâm đến giáo dục, đào tạo. Ảnh: moet.gov.vn.

Một nền giáo dục thực chất "học thật, thi thật, nhân tài thật" mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn theo đuổi cũng là mong mỏi của rất nhiều người quan tâm đến giáo dục, đào tạo. Ảnh: moet.gov.vn.

“Có văn hóa” để chặn đứng sự xuống cấp đạo đức xã hội, để ngăn chặn tiến tới tiêu diệt sự suy đồi nhân cách không chỉ của hàng loạt quan chức trong nhiều bộ, ngành, địa phương mà còn của một bộ phận dân cư tham lam, thiếu hiểu biết chứ không riêng trong giáo dục.

Có văn hóa để tạo nên bản sắc, để người Việt không lẫn với người Hán, người Nhật, người Hàn,…

Có văn hóa để những người thày đĩnh đạc trước mặt học trò và những kẻ lắm tiền nhưng ít học, để nhà giáo trở thành tấm gương khiến cho con trẻ phải nể phục (chứ không phải sợ hãi), để nhà trường không thành nơi trẻ con lột đồ đánh bạn hay đặt máy quay trộm cô giáo trong phòng vệ sinh…

Có văn hóa để hàng loạt gương mặt được phong nghệ sĩ “ưu tú”, nghệ sĩ “nhân dân”, được gán mác “danh hài, danh ca” không phải là những con sâu trong “bầy sâu” làm xấu hổ nước Việt và dân tộc Việt.

Mất văn hóa là mất nước, mất nước thì dân tộc sớm muộn sẽ bị đồng hóa.

Có kỹ năng là để người Việt hòa nhập được với nhân loại, không bị lạc hậu trước những tiến bộ vũ bão của khoa học, công nghệ.

Có kỹ năng mới có thể sống tốt trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi thế giới đối mặt với biến đổi khí hậu, với tình trạng thời tiết ngày càng cực đoan.

Có kỹ năng là hành trang cần thiết để người Việt cùng với nhân loại chuẩn bị ngày phải rời xa hành tinh xanh, bước vào cuộc phiêu lưu tìm nơi định cư khi mặt trời lụi tàn.

Khi người Nga, người Mỹ, người Trung Quốc đang xây những ngôi nhà đầu tiên trên các trạm quỹ đạo, đang chuẩn bị những cơ sở trên Mặt Trăng, sao Hỏa thì chúng ta vẫn dành mọi ánh mắt về phía biển cả. Không muốn hay không dám nhìn lên bầu trời, phải chăng tầm của người Việt chỉ có thế?

Có kỹ năng mới có thể truyền dạy lại cho con cháu khả năng bảo vệ và xây dựng tổ quốc mà thế hệ hôm nay kế thừa từ nỏ thần Cổ Loa, từ chiến tích Bạch Đằng, Chi Lăng,…

Chừng nào còn xem giáo dục như bức tranh tường che đậy lớp vôi vữa phía sau, như là một thể hiện (Instance) của quyền năng thì chừng đó giáo dục vẫn không phải là giáo dục.

Thứ hai, với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo

Người viết rất mong các lãnh đạo đủ tỉnh táo để xác định làm Bộ trưởng, Thứ trưởng chỉ là công việc thời vụ, làm thày mới là công việc suốt đời.

Cày ải, gieo hạt, tát nước, bón phân,… làm tốt một vụ rồi về cầm phấn, để lại thửa ruộng màu mỡ cho người kế tiếp chẳng phải là để phúc lại cho chính con cháu, dòng tộc nhà mình sao.

Tuy nhiên, dù có là nhân công “lao động thời vụ” thì chức danh Bộ, Thứ trưởng cũng không phải là người lao động cơ bắp thế nên muốn “kẻ dưới” kính trọng, nghe lời thì phải “giỏi” hơn họ (nhưng không nhất thiết phải làm như họ).

Nói cụ thể là muốn trị những kẻ có thói bòn rút ngân sách, những kẻ chỉ nhăm nhe nâng khống giá thiết bị hoặc dọa nạt người khác kiếm phong bì thì phải biết các mánh lới của họ, biết cách vận dụng chế tài pháp luật để đặt lên đầu họ chiếc vòng kim cô quyền lực.

Thứ ba, với lãnh đạo cấp dưới

Tình trạng người đứng đầu các cục, vụ hoặc đơn vị ngang cấp ban hành các văn bản có tính quy phạm pháp luật không chỉ là sự lạm quyền mà còn có thể là sự coi thường kỷ cương, coi thường cấp trên.

Về điều này Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ trước, ông Mai Tiến Dũng, đã cảnh báo phải “Hạn chế ban hành thông tư, nhất là để các cục, vụ ban hành rồi bắt cả nước thực hiện thì cũng không khác gì “rế cao hơn nồi”. [15]

Liệu tình trạng “rế cao hơn nồi” có thật là đã phổ biến khiến người đứng đầu Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ trước phải đưa ra cảnh báo?

Ngày 14/05/2021, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi một văn bản với tên gọi “Thư công tác” tới các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc yêu cầu thực hiện một số công việc chuyên môn về ghi nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh. Dưới đây là ảnh chụp một phần “thư công tác” này:

Đã có nhiều ý kiến trên báo chí phê phán văn bản gọi là “thư công tác” này và vì thế có lẽ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ngoài việc xem xét chức năng ban hành văn bản mang tính quy phạm pháp luật của cấp dưới, cũng nên mời các nhà ngôn ngữ học nhờ họ giải thích cho dân chúng hai câu văn sau:

Câu 1: “…Chỉ ghi điểm trung bình môn học (đối với môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số) và kết quả xếp loại nhận xét môn học (đối với…)” .

Câu 2: “Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn các sở giáo dục và giáo viên thực hiện đúng quy định tại Thông tư 26…”.

Trong câu thứ nhất giáo viên phải ghi vào sổ điều gì: “kết quả xếp loại” hay “nhận xét môn học” hay “kết quả xếp loại” đối với “nhận xét môn học”?

Trong câu thứ hai, “Sở GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn các sở giáo dục…”;

Xin gửi tới Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo ba câu hỏi:

Thứ nhất, “Luật Giáo dục, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan có quy định chính quyền cấp tỉnh của Việt Nam hiện nay có “sở giáo dục” hay không?

Thứ hai, “sở giáo dục” có phải là sở cấp dưới chịu sự chỉ đạo của một “sở” cấp trên là “Sở GDĐT” hay không? Nếu không phải thì câu văn “Sở GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn các sở giáo dục…” phải chăng thể hiện sự vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết của người viết văn bản?

Thứ ba, vì sao trong một văn bản của cơ quan Bộ mà các từ “Sổ theo dõi” và “Học bạ” được viết hoa trong khi “sở giáo dục” lại viết thường?

Xin nói thêm là không chỉ văn bản của Vụ Giáo dục Trung học mà còn của Thanh tra Bộ và ngay cả Dự thảo Thông tư của Bộ trưởng cũng tìm thấy lỗi chính tả và và lỗi quy phạm.

Đến đây thì không thể không nêu câu hỏi, những chuyên viên Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm soạn thảo các văn bản hành chính hoặc văn bản quy phạm pháp luật và người cho phép công bố văn bản có thông thạo ngữ pháp tiếng Việt, có những hiểu biết cần thiết về pháp luật liên quan đến vị trí công tác của mình?

Những gì thể hiện trên các văn bản có phải đã bộc lộ trình độ quản lý, sự am hiểu pháp luật và kiến thức cần thiết của một bộ phận chuyên viên, lãnh đạo cấp cục, vụ thuộc cơ quan bộ?

Người viết rất muốn tin số đông thuộc đội ngũ này thực sự trong sạch, thực sự không “dính chàm”, cũng rất muốn tin khi tiếp xúc với họ, người dân không hề bị “ngứa” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đề cập.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, làm tốt hơn công tác thông tin, truyền thông để xã hội, nhân dân hiểu, có nhiều chia sẻ, thông cảm và đóng góp nhiều hơn cho ngành về những chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. [16]

Nguồn thông tin mà người dân thường xuyên tiếp cận là Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cổng TTĐT).

Dù đã là tháng 07/2021 nhưng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cổng Thông tin) vẫn chỉ có “Tờ gấp giáo dục đào tạo năm 2019” vậy bao giờ mới có Tờ gấp giáo dục đào tạo năm 2020?

Mục “Chức năng, nhiệm vụ” trong phần “Giới thiệu” trên Cổng Thông tin liệt kê 20 đơn vị cấp cục, vụ và Văn phòng Bộ nhưng không có Thanh tra Bộ. Có phải Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị trực thuộc Bộ?

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “Tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, các trường hợp nhũng nhiễu, quan liêu ở ngay trong cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục” và “Đồng chí Bộ trưởng phải trực tiếp phụ trách và chỉ đạo lĩnh vực hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước (về Giáo dục và Đào tạo – NV)”.

Người viết cảm thấy lo lắng thay Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bởi nếu thiếu một đội ngũ cấp phó, trợ lý, chuyên viên thạo việc, giỏi nghề thì một mình Bộ trưởng sẽ không thể xoay sở.

Và phải chăng muốn thành công trong công cuộc đổi mới giáo dục, việc đầu tiên là tạo nên những thay đổi mang tính đột phá tại chính cơ quan Bộ?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/giao-duc-viet-nam-nang-soi-qua-toc-lqcJkwlGg.html

[2]https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/giao-duc-viet-nam-nang-soi-qua-toc-2-FsIbZQlMR.html

[3]https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/giao-duc-viet-nam-nang-soi-qua-noc-3-BeRYnwlMg.html

[4] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-bien-moi-vu-giam-doc-so-giao-duc-dao-tao-can-tho-tran-hong-tham-xin-nghi-viec-747116.html

[5] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nhieu-lum-xum-tai-so-giao-duc-dao-tao-tp-can-tho-20210618152550284.htm

[6] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/20-ngan-sach-chi-cho-nganh-giao-duc-da-di-dau-394945.html

[7]https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=47293

[8] https://tuoitre.vn/chi-3-4-ti-usd-di-du-hoc-nguoi-viet-mat-niem-tin-giao-duc-trong-nuoc-2018070208511828.htm

[9] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/cong-nhan-bang-tien-si-dao-tao-chui-158767.html

[10]https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/so-gddt-thanh-hoa-co-loi-ich-nhom-trong-viec-quan-ly-su-dung-tram-ti-dong--gtt3tGk7g.html

[11] http://congan.com.vn/doi-song/giam-doc-giai-trinh-mua-vat-tu-thiet-bi-cao-ngat-nguong_114732.html

[12] http://daidoanket.vn/thay-gi-tu-viec-dau-thau-o-so-gddt-tinh-quang-ninh-5655561.html

[13] https://baogialai.com.vn/channel/1602/201009/that-thoat-nhieu-ty-dong-o-nganh-giao-duc-dao-tao-gia-lai-1958965/

[14] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/xem-xet-ky-luat-giam-doc-so-gd-dt-ha-tinh-tran-trung-dung-697735.html

[15] https://vnexpress.net/cac-bo-nganh-ban-hanh-van-ban-kieu-re-cao-hon-noi-4036274.html

[16] http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=431148

Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban nghiên cứu và phân tích chính sách Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)