Góp ý SGK không có trong nhiệm vụ của giáo viên nên không có chế tài, chế độ

12/03/2023 06:44
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc góp ý SGK không có trong nhiệm vụ của giáo viên nên không có chế tài, chế độ phù hợp cho giáo viên tham gia lựa chọn sách.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã có báo cáo về việc này.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương, qua đó, cơ bản đã tạo được những chuyển biến tương đối rõ nét.

Tiết học tiếng Việt của học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Quang Trung (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Lan Anh)

Tiết học tiếng Việt của học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Quang Trung (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Lan Anh)

Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của chương trình, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm chỉ đạo và dành nguồn lực cho công tác cải tạo cơ sở vật chất và đảm bảo thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ chương trình, sách giáo khoa mới.

Quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo đồng bộ, công khai, minh bạch.

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã tổ chức cho cán bộ giáo viên tham gia góp ý từ khâu xây dựng chương trình tổng thể đến góp ý các bản mẫu sách giáo khoa theo lộ trình.

Nhiều thuận lợi trong lựa chọn sách giáo khoa

Theo báo cáo, chất lượng, nội dung sách giáo khoa cơ bản phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đối tượng học sinh.

Các bản sách giáo khoa trình bày đẹp, nội dung các bài được xây dựng theo chủ đề; tạo điều kiện cho giáo viên có sự linh hoạt trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức dạy theo từng chủ đề cụ thể ứng với từng tiết học trên lớp.

Các chủ đề trong sách giáo khoa với từng bài dạy, từng nội dung kiến thức có đổi mới rõ rệt, tiếp cận nhiều vào việc hình thành kỹ năng và năng lực phẩm chất của học sinh.

Phương án xây dựng nội dung kiến thức mới và bài tập đa dạng hơn, tiếp cận nhiều thực tiễn hơn, hướng học sinh tới hoạt động tư duy nhiều để chiếm lĩnh kiến thức thay vì học máy móc, học thuộc lòng.

Hầu hết các sách giáo khoa đều có bản mềm và các học liệu điện tử đi kèm được các nhà xuất bản đăng tải trên trang wed nên giáo viên, học sinh, phụ huynh dễ dàng tham khảo.

Việc lựa chọn sách giáo khoa được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng các văn bản hướng dẫn.

Tỉnh Quảng Ninh nêu rõ những thuận lợi, khó khăn trong lựa chọn sách giáo khoa (Ảnh: Lan Anh)

Tỉnh Quảng Ninh nêu rõ những thuận lợi, khó khăn trong lựa chọn sách giáo khoa (Ảnh: Lan Anh)

Cụ thể, năm học 2019-2020, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 được thực hiện theo quy trình hướng dẫn tại Thông tư số 01/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ năm học 2020-2021, các đơn vị tổ chức nghiên cứu và thực hiện việc đề xuất chọn sách giáo khoa lớp 1, 2, 3, 6 và 7 theo quy trình quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ.

Việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện theo đúng quy trình, bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Công bố danh mục sách giáo khoa đảm bảo qui định về thời gian theo yêu cầu.

Giá của một bộ sách giáo khoa theo chương trình mới cơ bản phù hợp với điều kiện thu nhập kinh tế của nhân dân địa phương tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông gặp nhiều thuận lợi do Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn khá chi tiết.

Cùng với đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kịp thời tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa; Ban hành các Quyết định thành lập Hội đồng lựa chọn sách, đúng, đủ thành phần và thực hiện quy trình lựa chọn sách của Hội đồng theo Điều 7 và Khoản 4, Điều 8 của Thông tư 25.

Căn cứ văn bản hướng dẫn của Bộ và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiểu học, trung học cơ bản thực hiện đúng qui trình tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo đúng qui định hiện hành.

Các Quyết định danh mục sử dụng sách giáo khoa hàng năm ban hành trước 5 tháng, giúp cho cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với Nhà xuất bản cung ứng sách kịp thời cho học sinh.

Không có chế tài, chế độ cho giáo viên

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, việc lựa chọn sách giáo khoa cũng gặp phải nhiều khó khăn, bất cập.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt sách giáo khoa nhiều đợt nên cơ sở giáo dục phải tổ chức lựa chọn nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ lựa chọn sách giáo khoa của địa phương.

Môn Tiếng Anh có quá nhiều đầu sách được phê duyệt (10 sách cấp Tiểu học, 09 sách cho cấp Trung học cơ sở, 09 sách cho cấp Trung học phổ thông) nên dẫn đến khó khăn trong tổ chức triển khai giới thiệu, nghiên cứu và lựa chọn.

Thời điểm chuyển bản mẫu sách giáo khoa muộn dẫn đến thời gian dành cho thành viên Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh đảm bảo nghiên cứu tiếp cận đầy đủ, có chiều sâu đối với toàn bộ các bộ sách cho cấp học không đủ (nghiên cứu trước 07 ngày khi Hội đồng làm việc) nên ảnh hưởng đến kết quả lựa chọn;

Hơn nữa, việc góp ý các bản mẫu sách giáo khoa mất quá nhiều thời gian do mỗi môn học có nhiều bộ sách (trung bình, mỗi môn có 3 đầu sách/lớp), thời gian góp ý ngắn nên nghiên cứu, góp ý còn hạn chế.

Việc góp ý sách giáo khoa không có trong nhiệm vụ của giáo viên nên không có chế tài, chế độ phù hợp.

Việc bố trí, hướng dẫn nội dung chi, mức chi, chế độ chi kinh phí cho việc nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn sách giáo khoa mới còn bất cập khó thực hiện.

LÃ TIẾN