GS.Mạch Quang Thắng nêu 3 giải pháp quan trọng phát triển trường ngoài công lập

06/08/2022 06:42
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Địa phương cần đưa chủ trương của Chính phủ về giáo dục đi vào thực tế, trong đó giáo dục ngoài công lập là nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy khu vực này phát triển.

Những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy việc xã hội hóa trong giáo dục, coi đây là sự nghiệp lâu dài của nhân dân. Từ đó mới huy động được nguồn lực to lớn ở trong và ngoài nước cho mục tiêu chung phát triển giáo dục nói chung.

Ba năm qua kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 “Về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025” nhưng nhiều chuyên gia đánh giá chưa có chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục ngoài công lập.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng (nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: “Chủ trương đẩy mạnh phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập của Đảng và Nhà nước là điều rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”.

Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng (ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng (ảnh: NVCC)

Theo thầy Thắng, ở nhiều nước trên thế giới, việc phát triển song song hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập đã có từ lâu, thậm chí các trường ngoài công lập còn hoạt động rất hiệu quả, mang lại lợi ích cho nhân dân và nhà nước. Học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận những chương trình giáo dục tiên tiến nhất của thế giới. Nhà nước giảm ngân sách đầu tư công, tránh đầu tư dàn trải, từ đó tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm trọng điểm các trường công khác.

Ở Mỹ, hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập đều phát triển mạnh. Bên cạnh khung chương trình giáo dục chung toàn quốc, các trường đều có những chương trình giảng dạy riêng. Sinh viên tốt nghiệp trường nào sẽ biết chất lượng học của người đó, ví dụ sinh viên tốt nghiệp Đại học Harvard khác với Đại học Washington.

Giáo sư Mạch Quang Thắng có dịp hai lần sang Mỹ (vào năm 2005 và 2012) theo đoàn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm việc với Đại học Harvard và Đại học Washington về vấn đề giáo dục, giảng dạy cũng như xây dựng chương trình đào tạo. Dù là trường công lập hay trường ngoài công lập nhưng các trường đều khuyến khích sinh viên được sáng tạo về mặt nghiên cứu và học thuật nên kích thích người học, tạo sự hứng thú và đam mê. Đây chính là điểm thu hút người học có thể lựa chọn môi trường học tập và phát triển bản thân.

Đối với Việt Nam, hệ thống các trường công lập được nhà nước xây dựng khá đầy đủ ở các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông. Tuy nhiên, do quá trình phát triển đất nước cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn tới các thành phố lớn, khu đô thị, khu công nghiệp bị quá tải. Quỹ đất đầu tư cho việc xây dựng các trường bị eo hẹp, kinh phí đầu tư cho giáo dục còn hạn chế. Do đó rất cần sự chung tay của xã hội trong việc xây dựng trường ngoài công lập.

Cũng theo Giáo sư Mạch Quang Thắng cho biết: “Dù còn nhiều khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ vẫn cố gắng đảm bảo nguồn đầu tư cho ngành giáo dục, tuy nhiên không thể đảm bảo toàn bộ các cơ sở trên toàn quốc.

Do đó, cần có sự thay đổi về chính sách và cách thức đầu tư. Đầu tư không chỉ về kinh phí, ngân sách hàng năm Chính phủ phân bổ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn các nguồn tài trợ, đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là các chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay, chính sách thuê đất, mua đất giá rẻ… cho những người muốn phát triển ngành giáo dục.

Thật sự coi giáo dục ngoài công lập là một mục tiêu quan trọng trong sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên sự phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập trong thời gian qua vẫn chưa được như kỳ vọng, trong khi mục tiêu đến năm 2025, số cơ sở giáo dục là 13,5% và người học là 16%.

Để phát triển hơn nữa hệ thống giáo dục ngoài công lập, hoàn thành được mục tiêu như Nghị quyết 35/NQ-CP đề ra từ năm 2019, theo Giáo sư Mạch Quang Thắng cần nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố quan trọng.

Thứ nhất là cần có chính sách quốc gia về giáo dục rõ ràng hơn trong chính sách ưu tiên và tạo môi trường bình đẳng cho giáo dục ngoài công lập phát triển. Trong đó quy định rõ các chế độ về lương, phúc lợi xã hội như giáo viên trong hệ thống công lập. Từ đó đảm bảo quyền lợi của người lao động và sự bình đẳng giữa môi trường trong và ngoài công lập.

Thứ hai, có chính sách ưu đãi về điều kiện vật chất, đặc biệt là đất và vay vốn để phát triển giáo dục. Trong quy hoạch chung của các địa phương cần có sự phân bố một cách hợp lý về quỹ đất cho việc xây dựng cơ sở giáo dục (gồm công lập và ngoài công lập) theo mật độ dân cư mỗi vùng với diện tích có thể 300, 500 đến 1000 m2. Đất đai này được thuê hoặc mua với giá ưu đãi. Nguồn vốn vay đầu tư giáo dục là vay dài hạn: có thể 10 đến 20 năm với lãi suất thấp.

Cuối cùng, yêu cầu về chất lượng của đội ngũ giáo viên (có thể là giáo viên trong nước và nước ngoài). Đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng và giúp nâng cao uy tín cho cơ sở đào tạo.

Giáo sư Mạch Quang Thắng cũng kỳ vọng trong tình hình dịch COVID đang được kiểm soát tốt, kinh tế phục hồi nhanh chóng, chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước sẽ được thúc đẩy nhanh chóng hơn từ Trung ương với địa phương. Đưa chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao tỉ lệ học sinh được đến trường, giảm áp lực cho giáo dục công lập hiện nay.

Ngô Hiển