GS Nguyễn Minh Thuyết: "Thêm hay bớt một năm trung học chỉ có rắc rối"

29/08/2014 06:53
Ngọc Quang
(GDVN) - "Để đổi mới giáo dục phổ thông trước tiên phải bàn đổi mới hệ thống, nhưng chuẩn bị trình Quốc hội rồi thì Bộ GD & ĐT mới mang ra bàn là quá chậm".

Dự thảo đề án Đổi mới chương trình, SGK nêu ra 2 phương án xác định số năm học của các cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông (GDPT): Phương án 2 giữ số năm học như quy định hiện nay. Còn theo phương án  1 – phương án mà Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ chọn – thì “Giáo dục tiểu học được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 5; giáo dục THCS từ lớp 6 đến lớp 10; giáo dục THPT từ  lớp 11 đến lớp 12”. Cấp tiểu học và THCS gọi là giáo dục cơ bản, còn cấp THPT là giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Về lý do thay đổi, dự thảo đề án chỉ giải thích là nếu có thêm 1 năm cho giáo dục cơ bản thì “sẽ khắc phục được những khó khăn về trang bị kiến thức phổ thông nền tảng và phân luồng trong giáo dục cơ bản, phù hợp với xu hướng của một số nước phát triển”. Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cả 3 lý do này đều không thuyết phục.

Thứ nhất ,theo đánh giá của dự thảo đề án thì một trong những hạn chế cơ bản của chương trình hiện hành là “mới chỉ chú trọng việc truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh”. Dư luận cũng thường kêu chương trình hiện hành còn “kinh viện”, “quá tải”, nhất là ở THPT.

GS Thuyết đặt vấn đề: “Không hiểu đề nghị kéo thêm 1 năm THCS để trang bị cho đủ kiến thức và kỹ năng có phù hợp với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới là “chuyển căn bản từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học” không? Và việc rút ngắn 1 năm sẽ ảnh hưởng đến chương trình THPT như thế nào? Cả trong chương trình hiện hành lẫn trong chương trình mới, THPT đều là bước chuẩn bị quan trọng cho học sinh vào đại học, cao đẳng. Hiện tại, THPT có 3 năm mà phần lớn các trường ngay từ đầu cấp đã dạy bớt chương trình, bớt những môn, những nội dung không thi tốt nghiệp. Trong tương lai, nếu THPT chỉ còn có 2 năm, không biết chuyện bớt xén sẽ phát triển như thế nào”.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thêm hay bớt 1 năm THCS không phải vấn đề cốt lõi, không giải quyết dược chuyện gì mà chỉ tạo thêm rắc rối, xáo trộn. Ảnh: Ngọc Quang.
GS Nguyễn Minh Thuyết: Thêm hay bớt 1 năm THCS không phải vấn đề cốt lõi, không giải quyết dược chuyện gì mà chỉ tạo thêm rắc rối, xáo trộn. Ảnh: Ngọc Quang.

Thứ 2, việc thêm 1 năm THCS chắc chắn không giải quyết được vấn đề gì trong việc phân luồng sau THCS. Để giải quyết vấn đề phân luồng, cần có nhiều loại trường khác nhau sau THCS phù hợp với định hướng phát triển của những nhóm học sinh khác nhau. Nhưng điều có ý nghĩa quyết định nhất để thực hiện được phân luồng là những học sinh phát triển theo định hướng học nghề phải tìm được việc làm và có thu nhập tốt trong thị trường lao động.

Dự thảo đề án giải thích việc thêm 1 năm THCS “phù hợp với xu hướng của một số nước phát triển”, nhưng không cho biết đó là xu hướng của những nước nào. Hệ thống GDPT ở nước ta hiện nay về cơ bản giống hệ thống của Pháp: Tiểu học 5 năm; THCS 4 năm, THPT 3 năm.

Ở Mỹ có sự khác biệt giữa các bang, nhưng về đại thể thời gian học tiểu học là 5 năm; THCS 3 năm; THPT 4 năm.

Ở Vương quốc Anh, hệ thống giáo dục của các vùng lãnh thổ cũng không giống nhau, nhưng nhìn chung giáo dục cơ bản được thực hiện đến khi trẻ 16 tuổi.

GS Thuyết phân tích, những thí dụ trên mới là nói đến số năm học. Cái nên tìm hiểu và tiếp thu từ hệ thống GDPT các nước phát triển là họ tổ chức nhiều loại hình trường trung học khác nhau phù hợp với những định hướng phát triển khác nhau của học sinh. Tiêu biểu cho xu hướng này là hệ thống của Đức. Mặc dù có những điểm khác biệt giữa các bang, nhưng hệ thống GDPT Đức thể hiện xu hướng phân luồng mạnh: Số năm học tiểu học là 6 năm; sau tiểu học, học sinh được phân luồng vào 3 loại trường trung học chính là trường 6 năm dành cho học sinh có thành tích học tập tốt; trường 5 năm dành cho học sinh khá; và trường 4 năm dành cho học sinh cho những học sinh trung bình, học xong phổ thông để ra tham gia lao động hoặc vào trường nghề.

Dự thảo đề án của Bộ GD-ĐT có đề cập đến những việc cần giải quyết khi thực hiện phương án 1, đó là “điều chỉnh lại quy định của Luật Giáo dục và cơ cấu lại số lượng giáo viên giữa 2 cấp học THCS và THPT”. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc sửa Luật không khó, nhưng việc cơ cấu lại số lượng giáo viên giữa 2 cấp học THCS và THPT sẽ rất phức tạp, bởi vì nó không chỉ liên quan đến chương trình đào tạo ở các trường đại học và cao đẳng sư phạm mà còn liên quan đến biên chế, chức danh, bậc lương của giáo viên và cơ sở vật chất của toàn bộ các trường THCS trong cả nước.

"Trước mắt, làm sao điều được giáo viên từ THPT về dạy lớp 10 ở THCS? Nếu không điều được giáo viên đang dạy lớp 10 về THCS thì sẽ lấy ai để dạy? Lấy thầy cô tốt nghiệp cao đẳng sư phạm theo chương trình hiện hành dạy một lớp vốn ở cấp THPT thì có phù hợp không?

Mỗi trường THCS thêm 1 khối 10 tức là thêm từ 5 đến 10 phòng học. Trong lúc hầu hết các trường đều gặp khó khăn về cơ sở vật chất, ngân sách nhà nước hiếu đến mức phải vay nợ dân bằng trái phiếu để kiên cố hóa trường lớp thì xây thêm cho mỗi trường THCS trong toàn quốc 5, 10 phòng học là nhiệm vụ bất khả thi. Rõ ràng, việc thêm 1 năm cho THCS sẽ tạo ra rất nhiều xáo trộn, rất nhiều khó khăn", GS Thuyết nói.

Một điểm quan trọng nữa được GS Thuyết đề cập là để đổi mới GDPT thì trước tiên phải bàn đổi mới hệ thống, nhưng tới thời điểm này, khi đã chuẩn bị trình Quốc hội Đề án đổi mới chương trình - SGK, Bộ GD-ĐT mới mang việc cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân ra bàn là quá chậm, sẽ không tránh khỏi việc chuẩn bị cả 2 việc đều không thấu đáo.

"Thêm hay bớt 1 năm THCS không phải vấn đề cốt lõi, không giải quyết dược chuyện gì mà chỉ tạo thêm rắc rối, xáo trộn. Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần xem xét lại việc này", GS Thuyết bày tỏ.

Tiếp tục cuộc trao đổi về chủ đề đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông, chương trình - sách giáo khoa, GS Nguyễn Minh Thuyết chỉ rõ, báo cáo đánh giá tác động chương trình giáo dục phổ thông mới là sản phẩm của trí tưởng tượng, không có căn cứ khoa học và đặt ra ba câu hỏi cần phải trả lời khi đổi mới chương trình - sách giáo khoa.

Ngọc Quang