GS.TS Lê Kim Truyền: Người dành trọn cuộc đời với mái trường Thủy lợi

10/07/2022 06:47
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù là cán bộ giảng dạy hay ở cương vị Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi, Giáo sư Lê Kim Truyền luôn hết lòng vì sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo cán bộ.

Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kim Truyền sinh năm 1944 tại làng Hổ Đàm, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong gia đình nông dân. Dù gia cảnh không dư dả nhưng cha mẹ Lê Kim Truyền dồn hết tâm sức cho các con được ăn học đầy đủ.

Uớc mơ thành kỹ sư thủy lợi

Năm 1954, miền Bắc được giải phóng, cậu bé Lê Kim Truyền bắt đầu đi học trường cấp I xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Lúc đó, cả xã chỉ có một trường và điều kiện học tập còn đơn giản. Đến năm 1958, Lê Kim Truyền vào học trường cấp II ở thị trấn huyện cách nhà 4 km, phải đi đò qua sông Chu. Do cả huyện chỉ có một trường cấp II nên cậu không có sự lựa chọn. Buổi sáng, Lê Kim Truyền phải dậy từ 4 giờ, ăn vội rồi đi bộ ra bến đò ngồi chờ. Hôm may mắn gặp đò sớm, có lần phải chờ cả tiếng mới có chuyến nên dễ bị muộn học. Dù vậy, ngày nắng cũng như mưa, đông cũng như hè, cậu luôn chăm chỉ đến trường học tập.

Năm 1961, Lê Kim Truyền tốt nghiệp cấp II. Dù muốn tiếp tục học cấp III nhưng cậu vẫn quyết định nộp đơn đi học chuyên nghiệp và nhận được giấy báo trúng tuyển của trường Trung cấp Công nghiệp nặng. “Nguyên nhân là bố thường xuyên đi làm xa ở Hà Nội, một mình mẹ phải vất vả nuôi 5 anh em ăn học, tôi quyết định đi học nghề sớm rồi đi làm để đỡ gánh nặng cho gia đình” – Giáo sư Lê Kim Truyền nhớ lại.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kim Truyền. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kim Truyền. (Ảnh: NVCC)

Khi gia đình, bạn bè biết ý định muốn bỏ ngang việc học của Lê Kim Truyền thì đã động viên và hỗ trợ để cậu tiếp tục đi học trường cấp III Thọ Xuân, Thanh Hóa, nơi đào tạo nhiều thế hệ học trò trưởng thành.

Năm 1964, Lê Kim Truyền đang học lớp 10 (lúc đó là hệ giáo dục 10 năm) được nhà trường cho đi tham quan trạm thuỷ điện Bàn Thạch trên hệ thống thuỷ nông sông Chu do Liên Xô giúp đỡ xây dựng. Đến nơi, Lê Kim Truyền mải mê ngắm mà không muốn về. Từ đó, Lê Kim Truyền ước mơ trở thành kỹ sư thuỷ lợi – thuỷ điện.

Hơn 40 năm với sự nghiệp nghiên cứu và trồng người

Cuối năm 1964, Lê Văn Truyền thi đỗ vào trường Đại học Thủy lợi, vậy là ước mơ thành kỹ sư thủy lợi đã đạt được những bước đầu tiên. Để đạt được tấm bằng kỹ sư, cần phải có sự nỗ lực suốt 5 năm học tập. Đó là những năm tháng học tập không đơn giản bởi đất nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

5 năm dưới mái trường Thuỷ lợi, lúc ở Hà Nội, lúc phải đi sơ tán lên tận huyện Lục Nam, Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Dù chỉ có sắn, khoai thay cơm nhưng chàng sinh viên Lê Kim Truyền vẫn luôn cần cù, chịu khó học tập và đạt kết quả cao.

Giữa năm 1969, ông tốt nghiệp đại học và được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại bộ môn Thi công. Như vậy không chỉ ước mơ trở thành kỹ sư thủy lợi của ông đã thành hiện thực mà còn tham gia đào tạo các thế hệ học trò phục vụ sự nghiệp phát triển thủy lợi cho đất nước.

Không lâu sau ngày về trường, giảng viên Lê Kim Truyền được Bộ Thuỷ lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) huy động sang tăng cường cho Uỷ ban Trị thuỷ và khai thác sông Hồng đi quy hoạch thuỷ lợi vùng sông Mực, Yên Mỹ (Thanh Hoá). Nhiệm vụ này phù hợp với ông bởi khi làm khóa luận tốt nghiệp đã viết về quy hoạch hệ thống sông Cầu ở huyện Tân Yên, Bắc Giang.

Bằng kiến thức đã học, ông cùng các đồng nghiệp đi thu thập thông tin về điều kiện tự nhiên, xã hội, thủy văn… của vùng quy hoạch. Đó là những tư liệu quan trọng để sau này Bộ Thủy lợi khảo sát và xây dựng các công trình thủy lợi.

Gần một năm đi tăng cường, giảng viên Lê Kim Truyền trở về trường công tác. Sự trải nghiệm đó đã giúp ông có thêm nhiều kiến thức thực tiễn. Chưa đầy 2 năm ra trường, ông được nhà trường cho phụ giảng lớp 8T (lớp thi công công trình thủy lợi thuộc khóa 8), rồi hướng dẫn 10 sinh viên khóa này làm khóa luận tốt nghiệp. Trong đó có 2 sinh viên được giữ lại giảng dạy tại bộ môn Thi công là Bùi Văn Vịnh (sau là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Phó phòng đào tạo đại học và sau đại học) và Nguyễn Văn Huân (sau là Phó Giáo sư, tiến sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn xây dựng Thủy lợi).

Trong thời gian giảng dạy ở trường Đại học Thủy lợi, giảng viên Lê Kim Truyền đã chú trọng hai hướng nghiên cứu gồm ngăn sông vùng triều và xác định tổ hợp máy tối ưu khi thi công đập đất.

Sau đó ông may mắn khi được cử đi làm nghiên cứu sinh. Tháng 3/1983, ông lên đường sang làm nghiên cứu sinh ở trường Đại học Xây dựng Moskva, Liên Xô.

Sau 4 năm học tập, cuối năm 1987, nghiên cứu sinh Lê Kim Truyền bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) tại Liên Xô. Năm 1989, ông được đề bạt làm Trưởng ban Quản lý công trình của nhà trường. Những năm tháng đất nước đang thời kỳ bao cấp nên cơ sở vật chất của trường, điều kiện ăn ở, học tập của sinh viên, giảng viên còn khó khăn. Trước tình hình đó, ông cùng tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu xây dựng tìm cách tháo gỡ, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất nhà trường và quy hoạch khu giảng đường, ký túc xá sinh viên... Vào những năm 90, trường Đại học Thủy lợi là một trong những trường tạo điều kiện ở tốt nhất cho cán bộ, nhân viên.

Cuối năm 1994, ông được bổ nhiệm làm Hiệu phó trường Đại học Thủy lợi. Sau đó, năm 2000, ông được bầu làm hiệu trưởng.

Trên cương vị hiệu trưởng, ông khuyến khích các giảng viên đưa ra ý kiến nhằm đẩy mạnh việc cải cách theo xu hướng phù hợp với tình hình đổi mới của đất nước.

Dù bận công tác quản lý, ông vẫn tham gia công tác đào tạo thể hiện việc ông hướng dẫn khoảng 100 khóa luận tốt nghiệp, 18 luận văn thạc sĩ, 6 luận án tiến sĩ... Trong công tác nghiên cứu khoa học, ông đã tham gia hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở phục vụ sản xuất như: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn điều hành cấp nước mùa cạn cho đồng bằng sông Hồng”; “Đánh giá thực trạng và lập bản đồ phân vùng hạn 5 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”; “Nghiên cứu xác định khẩu độ thoát lũ hợp lý của các công trình giao thông, thủy lợi trên Quốc lộ 1A thuộc lưu vực sông Thu Bồn”… Với những đóng góp đó, ông được Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều bằng khen, danh hiệu như: Chiến sỹ thi đua toàn quốc (năm 2005), Nhà giáo Nhân dân (năm 2006)... Năm 2009, ông nghỉ hưu.

Ở tuổi gần 80 nhưng Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kim Truyền vẫn tiếp tục tham gia nghiên cứu và hỗ trợ công tác đào tạo nghiên cứu sinh cho nhà trường. Cũng bởi “duyên” đưa ông đến với ngành Thủy lợi để rồi suốt cả cuộc đời ông đã gắn bó với bao niềm vui và cả nỗi ưu tư theo suốt dòng đời của một nhà giáo, nhà khoa học.

Ngô Hiển