Gửi gắm của Phó chủ tịch nước đối với công tác thi đua yêu nước ngành giáo dục

23/09/2020 14:06
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Tôi mong ước mỗi cán bộ, giáo viên, viên chức của ngành là bông hoa đẹp, mỗi học sinh, sinh viên là những nụ hoa ngát hương trong vườn hoa thi đua yêu nước".

Phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII năm 2020 ngày 23/9, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho sự nghiệp “trồng người” sự quan tâm đặc biệt. Ngay tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách; trong đó có nhiệm vụ giải quyết nạn giặc dốt.

Người khẳng định, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu và đề nghị mở chiến dịch để chống nạn mù chữ. Trong Lời kêu thi đua ái quốc của Người ngày 11/6/1948, Người chỉ rõ, một trong những mục đích của thi đua là nhằm diệt giặc dốt.

Học tập và làm theo lời Bác, các phong trào “Bình dân học vụ”, “Thi đua dạy tốt, học tốt” đã lan tỏa sâu rộng trong toàn quốc, đem lại hiệu quả to lớn. Chúng ta có quyền tự hào rằng, nếu như năm 1945, hơn 95% dân số không biết chữ thì ngày nay Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có sự phát triển ấn tượng và tiên phong trong đổi mới giáo dục.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thống nhất với các kết quả mà phong trào thi đua yêu nước của ngành Giáo dục đã đạt được, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh điểm lại một số nét nổi bật.

Thứ nhất, qua 6 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng và đạt được những thành quả bước đầu quan trọng;

Hành lang pháp lý cho đổi mới giáo dục đào tạo từng bước được hoàn thiện, đã trình Quốc hội thông qua Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa được tích cực thực hiện; Việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá người học ngày càng thực chất, hiệu quả hơn;

Đội tuyển học sinh tham gia các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích xuất sắc, luôn thuộc tốp 10 nước dẫn đầu;

Công tác quản lý giáo dục từng bước được đổi mới, coi trọng quản lý chất lượng và bước đầu thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục.

Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi, giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt hơn, được thế giới công nhận; kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và xóa mù chữ được duy trì vững chắc.

Quy mô giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng, chất lượng giáo dục ngày càng cải thiện.

Chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên. Lần đầu tiên có 03 cơ sở giáo dục đại học lọt vào bảng xếp hạng 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, gồm có 02 Đại học quốc gia và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; và 07 trường đại học được vào danh sách 500 trường đại học tốt nhất châu Á.

Về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, thể chất cho học sinh, sinh viên được chú trọng.

Nhiều chính sách cho nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các em học sinh, sinh viên nghèo, dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách đã được bổ sung kịp thời.

Công tác khuyến học, khuyến tài đạt kết quả tốt; hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng và đạt được thành tựu mới.

Thứ hai, ngành Giáo dục đã tích cực hưởng ứng các phong trao thi đua, cuộc vận động của Trung ương, trọng tâm là 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, trong đó phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã góp phần huy động nguồn lực đáng kể đầu tư cơ vật chất, trường lớp mới ở vùng nông thôn và hỗ trợ cho hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên vượt khó vươn lên học tập.

Cùng với nhiều phong trào thi đua trong toàn ngành Giáo dục còn có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực của các địa phương, các trường, viện trung tâm, trong đó trên nền phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” đã được triển khai cách đây gần 60 năm, ngành Giáo dục đã phát động và triển khai phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy – học, gắn với cuộc vận động, mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo.

Qua đó khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên và đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, xuất sắc, thành tích khen thưởng trong nước và quốc tế.

Đặc biệt với châm “Tạm ừng đến trường nhưng không dừng việc học”, ngành Giáo dục đã tăng cường dạy học qua internet, bảo đảm mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì các nhiệm vụ năm học mới.

Đây là bước thử để ngành Giáo dục có thể ứng dụng nhiều phương thức dạy – học, nhiều sáng tạo mới.

Thứ ba, về công tác khen thưởng, ngành đã có nhiều đổi mới, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thi đua khen thưởng các cấp, các cụm khối thi đua được nâng lên. Ưu tiên khen thưởng người trực tiếp lao động theo tỷ lệ 2/3 tổng số người được khen.

Đối với học sinh, sinh viên giỏi quốc gia, quốc tế, cũng đã khen thưởng trên 5.200 em, khen đột xuất cho hơn 50 tập thể, cá nhân. Và Bộ cũng đã trình danh hiệu cho 64 nhà giáo nhân dân, và 748 nhà giáo ưu tú và hiện nay đang trình tiếp hơn 1000 nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú của đợt 2020.

Bên cạnh đó, Bộ và các địa phương cũng đang trình tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho 12 tập thể trường và cá nhân. Đã có 61 nhà giáo được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc trong năm nay. Và rất nhiều thành tích khen thưởng trong các ngành, các địa phương dành cho ngành Giáo dục.

Những thành quả nêu trên đã khẳng định phong trào thi đua và công tác khen thưởng luôn được toàn ngành quan tâm, động viên kịp thời, tạo động lực thi đua trong đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên.

Kết quả các phong trào thi đua đã góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo, và cũng cho thấy, ngành Giáo dục có quyết tâm và có nhiều đổi mới, đóng góp tích cực vào phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực, là một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, đã góp phần vào thành tựu to lớn qua 35 năm đổi mới của đất nước ta.

Bên cạnh những thành tựu, Phó chủ tịch nước cho rằng: “Chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận ngành Giáo dục và đào tạo nước ta còn nhiều tồn tại và khiếm khuyết mà các báo cáo tham luận đã chỉ ra do đó ngành cần quan tâm, khắc phục trong thời gian tới”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân. (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân. (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Cũng theo Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: “Chúng ta đang ở trong một giai đoạn thế giới đầy biến động, kinh tế lâm vào suy thoái, khủng hoảng nghiêm trọng và còn có thể kéo dài do dịch COVID-19.

Xu thế hòa bình, hợp tác vẫn tiếp diễn, nhưng trật tự thế giới sẽ biến đổi mạnh trong những thập kỷ tới.

Cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư và những tiến bộ vượt bậc của khoa học – công nghệ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình số hóa, làm thay đổi mạnh mẽ trên các lĩnh vực, kể cả trong phương thức quản trị của ngành, phương thức dạy và học, và sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.

Trong bối cảnh đó, chúng ta càng phải thấm nhuần sâu sắc, thực hiện tốt hơn nữa lời dạy của Bác Hồ: Để vượt khó khăn gian khổ, để đi đến thắng lợi, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”.

Về định hướng, Phó chủ tịch nước thống nhất chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo, tham mưu xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách, để thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục và đào tạo đối với sự nghiệp đổi mới;

Phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo, chú trọng hơn nữa giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phẩm chất, năng lực sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên, ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào và tự tôn dân tộc;

Đẩy mạnh đổi mới đồng bộ hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh những tiêu cực trong ngành giáo dục và đào tạo.

Đối với công tác thi đua khen thưởng, ngành Giáo dục cần tiếp tục tạo sức lan tỏa trong các phong trào thi đua, triển khai sâu rộng trong toàn ngành các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;

Đồng thời, gắn công tác thi đua khen thưởng với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, với mong muốn từng ngôi trường, điểm trường là đơn vị luôn sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, không chỉ vậy, nhiều nơi còn ước mơ là ngôi trường hạnh phúc.

“Tôi cũng mong ước, mỗi cán bộ, giáo viên, viên chức của ngành là bông hoa đẹp, mỗi học sinh, sinh viên là những nụ hoa ngát hương trong vườn hoa thi đua yêu nước.

Với mong muốn đó, đề nghị Bộ thường xuyên quan tâm, biểu dương, khen thưởng những cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên có thành tích, nhất là thành tích đặc biệt xuất sắc, đột xuất.

Và cũng xin gợi ý, để đẩy mạnh, làm tốt xã hội hóa đối với ngành Giáo dục và trong công tác thi đua – khen thưởng, cần tạo thêm nguồn lực, khuyến khích, động viên những tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; phấn đấu đưa phong trào thi đua và công tác khen thưởng lên một tầm cao mới, góp phần thiết thực vào sự nghiệp trồng người đầy vinh quang và cao cả”, Phó chủ tịch nước gợi ý.

Thùy Linh