Niềm hy vọng của chàng trai “lõm ngực”

03/03/2012 12:00
Nguyễn Tân
(GDVN) - Trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hoàng Xuân Điệp xanh xao, nụ cười không được tươi vì cơn đau của vết mổ.
Hy vọng mong manh
Nhìn bề ngoài ,không ai biết được chàng trai 24 tuổi có vẻ ngoài cao to, khỏe mạnh lại mang trong mình một căn bệnh hiếm gặp: lõm ngực bẩm sinh mức độ 2. Đó là tình trạng lồng ngực bị biến dạng do sự phát triển bất thường của một số xương sườn và xương ức làm cho lồng ngực bị lõm vào. 
Từ khi sinh ra, Điệp không hề biết mình mắc bệnh. Ở Việt Nam, số người mắc bệnh này rất ít. Khi còn học cấp hai, sức khỏe Điệp rất bình thường, không có biểu hiện gì lạ. Lên cấp ba, chàng trai trẻ thỉnh thoảng thấy tức ngực khi chạy, nhảy, vận động mạnh một chút. Có một số lần bị ngất khi học thể dục, Điệp nghĩ rằng mình đang trong độ tuổi phát triển, ăn uống không đảm bảo nên không để ý.
Vừa nói chuyện, Điệp phải vừa ôm ngực vì đau.
Vừa nói chuyện, Điệp phải vừa ôm ngực vì đau.
Năm 2009, biểu hiện khó thở, tức ngực ngày càng nhiều hơn. Khi ấy Điệp đang là sinh viên trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương. Điệp có cơ hội tìm hiểu về bệnh tình của mình thông qua các tài liệu y học cũng như tìm kiếm trên mạng. 
“ Tôi đã rất sốc khi biết mình bị lõm ngực bẩm sinh. Công việc, học hành…bỏ bê  hết”. Điệp cho biết. Bởi, lõm ngực bẩm sinh là căn bệnh hiếm gặp và độ tuổi mổ an toàn nhất là từ 5 đến 14 tuổi. Chàng trai 21 tuổi hoàn toàn suy sụp, nhanh chóng rơi vào trạng thái bi quan.
Những  ngày sau đó, anh tiếp tục tìm kiếm thông tin, tham gia các diễn đàn y khoa trao đổi về bệnh. Hy vọng vụt sáng khi Điệp trao đổi với một bệnh nhân cùng độ tuổi cũng bị lõm ngực và mới mổ thành công. Điệp đã tự mua dụng cụ về nhà điều trị ba tháng nhưng không có kết quả. 
Một lần nữa Điệp lại rơi vào suy sụp, chán chường , tưởng như mất hết hy vọng và nghị lực sống.

“Còn sức khỏe còn nên hy vọng”

Giữa lúc chán chường nhất, Điệp tham gia vào câu lạc bộ tình nguyện “Hope” thông qua sự giới thiệu của cậu em.
Tham gia vào Hope, Điệp làm nhiệm vụ quay và dựng các clip hoạt động của nhóm và tích cực tham gia những chuyến đi tình nguyện cùng Hope. 
Lên Mù Cang Chải, đi Hòa Bình, nhìn thấy những em bé mồ côi, tận tay trao quà cho những cụ già không nơi nương tựa, những mảnh đời còn cần được sẻ chia, an ủi, Điệp thấy mình “vẫn còn may mắn lắm”. Những chuyến đi như tiếp lên nghị lực  sống cho anh.
Điệp ( áo đen, trên cùng bên trái) cùng với các thành viên CLB tình nguyện Hope.
Điệp ( áo đen, trên cùng bên trái) cùng với các thành viên CLB tình nguyện Hope.
Mỗi chuyến đi, mẹ luôn nơm nớp lo sợ cho sức khỏe của con trai nhưng chàng trai trẻ đã gạt đi tất cả và hăm hở lên đường. Kể về chuyến đi đáng nhớ nhất lên Hòa Bình vào thời điểm trước Tết. Sức khỏe yếu nên Điệp được phân công đi xe máy với một nhóm bạn gồm tám người. Lúc đi mọi sự bình an, song lúc về trời mưa, sương mù và đường đồi núi trơn trượt, cả hội rất nản, có những lức chỉ muốn bỏ chạy. Nhưng nghĩ đến công việc mà mình mới làm, cả nhóm lại động viên nhau đi tiếp. Khi ra đến đường Quốc lộ, cả tám người đã ôm nhau nhảy, hò hét vì vui sướng. 
“ Một bộ quần áo cũ cất trong tủ thì chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng nếu nó được tặng cho những trẻ em vùng cao đang co ro trong cái rét cắt da cắt thịt hay đến với những cụ già không nơi nương tự trong đêm Hà Nội lạnh buốt lại ý nghĩa vô cùng”. Điệp chia sẻ về những hoạt động tình nguyện của  mình cùng với CLB Hope.
Hiện tại, Điệp đang dưỡng bệnh tại nhà. Giữa tháng 2, các bác sĩ Bệnh viện 108 sẽ  tiến hành phẫu thuật. Gương mặt xanh rớt và nụ cười không được tươi vì vết mổ còn chưa lành miệng. Song hàng ngày Điệp vẫn tích cực vận động để nhanh chóng phục hồi, có thể tham gia hoạt động bán hoa và làm thiệp 8/3 cùng với các bạn trẻ trong CLB Hope. 
“Bị bệnh nhưng dường nhưng anh Điệp không bỏ sót hoạt động tình nguyện  nào của nhóm. Chúng mình luôn động viên nhau nhìn vào đó mà cùng cố gắng”. Thùy Linh – thành viên của Hope cho biết.
“Còn thở được là một điều may mắn. Thế nên còn có sức khỏe thì còn nên hi vọng”. Hoàng Xuân Điệp chia sẻ với chúng tôi.
Nguyễn Tân