GV ở điểm trường lẻ vất vả như ở vùng đặc biệt khó khăn nhưng không có hỗ trợ gì

02/12/2022 06:49
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Nhiều điểm trường lẻ học lớp ghép, thiếu cơ sở vật chất, giáo viên không được hưởng chế độ dù vất vả không kém giáo viên ở trường vùng đặc biệt khó khăn.

Không thể phủ nhận chủ trương phát triển giáo dục mầm non đang ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, giáo dục mầm non vẫn còn nhiều thách thức, mạng lưới trường lớp hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thu nhận trẻ, đặc biệt ở khu vực khó khăn, miền núi, biên giới hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư. Ngoài ra, đời sống vật chất, tinh thần giáo viên dạy lớp ghép ở các điểm trường vùng khó chưa đảm bảo.

Về dự thảo Đề án “Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2023- 2030” đang được ngành giáo dục xây dựng, cô Vũ Thị Kim Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Chiềng Sung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho rằng, đề án sẽ góp phần tháo gỡ, giải quyết khó khăn, bất cập, kỳ vọng nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện đời sống giáo viên mầm non của nhà trường, nhất là giáo viên tại 6 điểm trường lẻ.

Học sinh Trường Mầm non Chiềng Sung. (Ảnh: Website nhà trường).

Học sinh Trường Mầm non Chiềng Sung. (Ảnh: Website nhà trường).

“Ưu điểm của chương trình giáo dục mầm non được thể hiện rõ thông qua thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Nhà trường được ngành giáo dục, chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn trong vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học.

Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, đội ngũ giáo viên của trường quyết tâm huy động 100% trẻ 5 tuổi đến trường. Đồng thời, những chính sách hỗ trợ cho trẻ mầm non nhận được sự đồng tình hưởng ứng của phụ huynh. Nhờ đó, số lượng trẻ ra lớp cũng như chất lượng giáo dục mầm non của trường ngày càng được nâng lên”, cô Huyền chia sẻ.

Từ thực tế triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, Hiệu trưởng nhà trường giãi bày tâm tư và đưa ra một số góp ý để thuận lợi tiến hành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi sắp tới.

Theo cô Huyền, chú trọng phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi, khối lượng công việc của cán bộ quản lý, giáo viên nhiều hơn. Cụ thể, ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn là nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, giáo viên phải có trách nhiệm thực hiện điều tra độ tuổi trẻ trên địa bàn. Từ đó, giáo viên cập nhật hồ sơ sổ sách phổ cập thường xuyên và chặt chẽ để tạo thuận lợi cho quá trình theo dõi công tác huy động trẻ đến tuổi ra lớp.

Cô Huyền cho rằng, tới đây sẽ triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3-4 tuổi nên việc này cần được quan tâm đẩy mạnh hơn, nhất là đối với giáo viên dạy lớp ghép tại các điểm trường.

Do vậy, trường mong có chế độ cho giáo viên dạy lớp ghép ở các điểm trường lẻ không thuộc vùng khó khăn.

Cô Huyền nói: “Hiện nay, công tác điều tra độ tuổi của trẻ thường được diễn ra 2 lần/năm, vào tháng 2 và tháng 9 cùng với việc xây dựng kế hoạch chương trình dạy học của năm học mới.

Hiện tại, trường có định mức 2 giáo viên/lớp. Để đảm bảo tiến độ cập nhật hồ sơ phổ cập giáo dục hàng năm, 1 giáo viên sẽ ở lại lớp để trông trẻ, 1 giáo viên sẽ đến từng nhà người dân để tiến hành điều tra. Hai giáo viên này luân phiên nhau làm nhiệm vụ. Ở các điểm trường lẻ, giáo viên đi điều tra, vận động sẽ vất vả vì điều kiện tự nhiên, địa hình đồi núi hiểm trở.

Công việc điều tra thường phải kết hợp với hoạt động huy động trẻ đến tuổi ra lớp. Chưa kể, một số phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của giáo dục mầm non, kinh tế khó khăn nên còn lưỡng lự việc cho con đến trường. Khi đó, giáo viên phải gặp gỡ, phổ biến và cố gắng thuyết phục phụ huynh.

Điểm trường lẻ thường có các lớp ghép, cơ sở vật chất thiếu thốn, công trình phụ trợ không đảm bảo chất lượng, nên nếu được đề xuất, tôi mong có thêm hỗ trợ cho giáo viên mầm non đang ngày đêm bám bản, bám trường, nỗ lực khắc phục khó khăn dạy lớp ghép trường lẻ".

Lý giải điều này, cô Huyền cho rằng, ở các điểm trường lẻ của trường, từ cơ sở vật chất đến cường độ làm việc của giáo viên thực tế vất vả không kém so với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn nhưng lại không có hỗ trợ gì.

Tập thể giáo viên lắp dụng cụ đồ chơi ngoài trời cho trẻ hồi tháng 3/2022. (Ảnh: Website nhà trường).

Tập thể giáo viên lắp dụng cụ đồ chơi ngoài trời cho trẻ hồi tháng 3/2022. (Ảnh: Website nhà trường).

“Hiện trường có 1 điểm trường chính và 6 điểm trường lẻ. Các điểm trường lẻ có số lượng học sinh ít nên không đủ để tách lớp theo độ tuổi nhưng lại cũng chưa đủ các điều kiện để thực hiện gộp các điểm trường.

Nhà trường không nằm trong vùng khó khăn nhưng công tác giáo dục đào tạo, huy động, chăm sóc trẻ của giáo viên điểm trường lẻ vất vả ngang bằng giáo viên vùng khó”, cô Huyền chia sẻ thêm.

Tiếp đó, sẽ khó xác định bổ sung thêm bao nhiêu giáo viên phục vụ phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3-4 tuổi.

Hiện tại, đội ngũ giáo viên của trường cơ bản đáp ứng thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Khi triển khai phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3-4 tuổi, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng lên thì giáo viên cũng cần được bổ sung thêm.

“Bổ sung thêm giáo viên là nhiệm vụ chắc chắn phải làm. Tuy nhiên, phải căn cứ vào thực tế, chờ đến thời điểm triển khai phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3-4 tuổi thì trường mới có căn cứ xác định đúng số lượng giáo viên cần bổ sung thêm là bao nhiêu”, cô Huyền cho biết.

Tiếp nữa, cần đầu tư phòng học kiên cố cho điểm trường lẻ ngang trường trung tâm.

Có một thực tế đó là, điểm trường chính thường được đầu tư nhiều hơn về cả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ dạy học. Còn ở các điểm trường lẻ thường thiếu trầm trọng, gây khó khăn trong quá trình dạy học. Do đó, ngoài điểm trường chính, trường mong được đầu tư xây dựng mới các phòng học để chuyển từ phòng bán kiên cố, học tạm sang phòng học kiên cố, đảm bảo dạy học tại các điểm trường lẻ.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến cuối năm học 2021, tỷ lệ phòng học kiên cố của tỉnh Sơn La chiếm 70,7%, bán kiên cố là 25,8%, phòng học tạm là 3,5 %. Tỷ lệ nhà bếp đúng quy cách chiếm 54,3%. Trong số này, phòng học bán kiên cố và phòng học tạm chủ yếu ở các điểm trường lẻ, kinh tế xã hội chưa phát triển.

Còn theo báo cáo của ngành giáo dục tỉnh, tính đến cuối năm học 2021, tỉnh Sơn La còn thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ giáo dục đào tạo bậc mầm non như: phòng học, phòng giáo dục thể chất, công trình nước sạch, công trình vệ sinh cho trẻ, công trình vệ sinh cho giáo viên, phòng hành chính... Trong đó, thiếu nhiều nhất là công trình vệ sinh cho giáo viên (530 phòng) và cho trẻ (519 phòng).

"Dẫu khó khăn nhưng nhờ cố gắng của tập thể giáo viên, hiện trường đã huy động gần như 100% trẻ 4-5 tuổi ra lớp tại các điểm trường lẻ. Nếu được xây dựng thêm phòng học vững chắc, an toàn thì tỷ lệ huy động trẻ 3 tuổi ra lớp sẽ đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới”, cô Huyền hy vọng.

Cuối cùng, thực hiện miễn học phí đồng đều ở các vùng kinh tế khi thực hiện phổ cập giáo dục mầm non.

Chia sẻ về điều này, cô Huyền cho biết, khi thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, những gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn mới được miễn học phí. Còn trường học ở những địa phương không nằm trong vùng đặc biệt khó khăn theo quy định thì giai đoạn hiện tại vẫn phải nộp học phí bình thường.

Giáo viên Trường Mầm non Chiềng Sung trồng hoa trang trí cảnh quan của trường. (Ảnh: Website nhà trường).

Giáo viên Trường Mầm non Chiềng Sung trồng hoa trang trí cảnh quan của trường. (Ảnh: Website nhà trường).

“Khi thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục mầm non thì nên miễn học phí đồng đều giữa các vùng kinh tế xã hội. Hiện mới chỉ miễn học phí đối với các trường ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo...

Thu học phí cũng là một trong những lý do khiến phụ huynh e dè việc cho con trẻ ra lớp sớm, công tác vận động, huy động trẻ đến tuổi ra lớp của nhà trường, giáo viên cũng vì thế mà khó khăn hơn. Từ đó, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, thành công của đề án phổ cập giáo dục mầm non nói chung”, cô Huyền góp ý.

Chức năng, vai trò của các điểm trường lẻ trong công tác giáo dục đào tạo là mang con chữ đến gần hơn với trẻ em, người dân vùng cao, góp phần thực hiện xóa mù chữ. Tuy nhiên, để học sinh, giáo viên học tập trong môi trường thiếu thốn, chất lượng phòng ốc xuống cấp, nhà vệ sinh không đảm bảo an toàn... thì sẽ không chỉ ảnh hưởng chất lượng giáo dục, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn học đường, nhất là vào mùa mưa bão, thiên tai, lũ lụt ở địa bàn vùng cao.

Đội ngũ giáo viên cũng có nhu cầu cá nhân và gia đình nhỏ cần chăm lo. Vì thế, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần giáo viên là yếu tố quan trọng mà đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi tới đây cần quan tâm nghiên cứu.

Theo dự thảo Đề án “Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2023- 2030”, tăng cường các chính sách cho trẻ em để nâng cao tỷ lệ trẻ em tới trường, Nhà nước thực hiện chế độ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ ăn trưa cho trẻ 3, 4, 5 tuổi ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ là con hộ nghèo và cận nghèo, trẻ khuyết tật; miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Các chế độ hỗ trợ cho trẻ em, hỗ trợ các trường tổ chức nấu ăn cho trẻ, đặc biệt là chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ đã thực sự tác động mạnh mẽ tới tỷ lệ huy động trẻ ra lớp và tỷ lệ chuyên cần, giảm thiểu thiệt thòi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vùng núi cao, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ đó góp phần thực hiện thắng lợi công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở các địa phương vùng khó khăn.

Ngọc Mai