Hả hê "sát thương' nhau bằng lời nói, teen đang vô cảm?

21/09/2011 10:32
Hoàng nhập viện vì uống 50 viên thuốc ngủ, trong cơn mê man, cậu không ngừng thều thào: "Con không ăn cắp, con không ăn cắp"...

“Trời ơi, cái bóp tiền của tớ đâu rồi? Mới nãy còn để ở đây mà giờ bị ai chôm rồi? Trong đó có tiền tiêu cả tháng đó. Lớp này đúng là có đứa ăn cắp mà!”. Sau tiếng la hét của Vân (lớp 10 trường N.T) trong lớp đã nổ ra ngay một cuộc thảo luận và không hẹn mà ai cũng đưa mắt về phía An - cô bạn đang ngồi yên lặng ở góc lớp.


Một người tiến đến An, tự động lôi cặp xách ra và bắt đầu lục soát mặc cho cô bạn liên tục nói: “Tớ không có lấy, không phải tớ mà, tha cho tớ đi”. Không tìm thấy gì, cái cặp của An bị quăng trả một cách thô bạo. “Nó giấu rồi, tìm không ra. Vân à, coi như mày xui thôi. Con kia, lần sau mà lớp này mất gì nữa là mày lên thẳng công an mà nói chuyện nha”.

Mọi chuyện bắt đầu từ cái lần cô bạn bị bắt gặp "lấy cắp" một miếng… BVS của người bạn cùng lớp do “đến kì” bất chợt mà An chẳng biết nhờ cậy ai.
Một trong những “tội lỗi” nặng nhất trong môi trường học đường chính là ăn cắp. Chỉ cần ai đó bị gán cho tội ăn cắp thì họ đồng thời cũng bị tẩy chay, cô lập, dè bỉu.
Một trong những “tội lỗi” nặng nhất trong môi trường học đường chính là ăn cắp. Chỉ cần ai đó bị gán cho tội ăn cắp thì họ đồng thời cũng bị tẩy chay, cô lập, dè bỉu.

Nhà An nghèo, tính cô bạn lại trầm nên ít nói chuyện với ai trong lớp. Hôm đó do quá bối rối, An định yên lặng “mượn tạm” món đồ tế nhị của cô bạn ngồi kế bên rồi sau đó sẽ giải thích với cô bạn đó sau. Nhưng không ngờ An bị bắt quả tang khi vừa lấy đồ ra khỏi cặp. Không hỏi đầu đuôi, An bị xỉ vả là một con ăn cắp, hèn hạ đến mức ngay cả miếng BVS cũng phải chôm chỉa.

An trở thành đối tượng bị bạo hành cả về tinh thần lẫn thân thể. Vào trường, An luôn phải cúi gầm mặt, nếu có bị gạt chân té ngã hay”vô tình” bị chọi cho một quả banh vào mặt thì cũng không biết kêu ai. Thỉnh thoảng An thấy mọi người trong trường nhìn mình tủm tỉm cười, thì ra sau lưng có dán tờ giấy “Ăn cắp”.

Lần này cũng vậy, dù không tìm được chứng cứ gì, nhưng cả lớp đều kết luận rằng thủ phạm là An, cô bạn chỉ biết vụt chạy ra khỏi lớp khóc nức nở. Ngày hôm sau, An xin nghỉ học.

Giờ thể dục hôm đó, Hoàng ( lớp 10, trường T.P) thấy mệt nên không xuống sân cùng các bạn mà ở lại lớp để ngủ. Khi mọi người trở vào thì một bạn phát hiện ra điện thoại của mình bị đánh cắp. Dĩ nhiên, mọi nghi vấn đổ dồn lên Hoàng vì cậu là người duy nhất ở lại trong lớp.

Hoàng thanh minh hết lời nhưng không có ai tin cậu và buộc Hoàng phải cởi đồ để các bạn nam khác khám xét. Không thấy điện thoại bị mất trong người cậu, nhưng thay vì xin lỗi Hoàng thì cả lớp lại dọa đưa cậu lên phòng hiệu trưởng.
Sự vô tình của teen có thể giết chết tâm hồn của một người bạn.
Sự vô tình của teen có thể giết chết tâm hồn của một người bạn.

Cả lớp hùa theo những lời cay độc: "Nhìn mặt sáng sủa nhưng lại là thằng ăn cắp", “Nếu ngày mai mà không đem trả điện thoại thì coi chừng bị đuổi học và cả khu phố nơi mày sống sẽ biết được chuyện này”. Bị buộc tội ăn cắp và phải nghe những lời độc địa, Hoàng suy sụp và nghĩ quẫn.

Trong thư tuyệt mệnh, Hoàng viết: “Làm người không gì thê thảm hơn chuyện bị gọi là thằng ăn cắp. Bạn bè thầy cô đổ tội oan mà con không biết làm gì để chứng minh mình trong sạch. Trong lòng con không bao giờ quên được sự sỉ nhục đau đớn này. Ba mẹ nuôi con khôn lớn, cho con ăn học đầy đủ nhưng con lại làm xấu mặt cả gia đình ta. Con có sống tiếp cũng không biết tin tưởng vào điều gì trong cái thế giới tàn nhẫn này. Nên con đành chọn cái chết để khẳng định một lần nữa: con không ăn cắp của ai cái gì…”.

Thùy Ly ( SV trường ĐHKT), một người từng bị gán tội ăn cắp tâm sự: “Bắt đầu đời sinh viên nên tôi từ quê lên thành phố ở ghép cùng vài chị sinh viên khác. Phòng nhỏ, đồ đạc để lung tung, thỉnh thoảng lại có món này món kia bị mất không rõ lý do. Có lẽ vì tôi là người vào phòng sau cùng, hoặc vì tôi lúc nào cũng có vẻ thiếu tiền, sống tằn tiện nên mọi người trong phòng đột nhiên coi tôi là kẻ tình nghi nhất. Không nói thẳng ra, nhưng mỗi khi có ai đó mất dù chỉ 5 -10 ngàn thì họ lại hỏi tôi “Em có lấy không”, “Có cầm nhầm thì cho chị xin lại”...

Rốt cuộc tôi không chịu nổi không khí căng thẳng trong phòng mà phải dọn ra khỏi đó. Thời gian sau, tôi được biết rằng một chị trong phòng đã đi nói với tất cả bạn bè chung rằng hãy coi chừng, đừng cho tôi ở chung, vì tôi sẽ ăn cắp thứ gì đó của họ.

Tôi đã khóc cả ngày hôm đó vì quá uất ức. Và chính vì những lời buộc tội độc ác đó tôi trở nên dữ dằn lúc nào không hay. Tôi có thể xù mình lên phản ứng tất cả những ai nói xấu hay đổ oan cho tôi. Thậm chí, tôi sẵn sàng đánh lại những kẻ đó. Tôi chỉ có biết làm thế để bảo vệ mình...".
Đừng để mất đi những người bạn tốt và những tình bạn đẹp chỉ vì những lời nói nóng giận không suy nghĩ của mình teen nhé! Ảnh minh họa từ internet.
Đừng để mất đi những người bạn tốt và những tình bạn đẹp chỉ vì những lời nói nóng giận không suy nghĩ của mình teen nhé! Ảnh minh họa từ internet.

Khi bị mất thứ gì đó, phần đông các teen đều mất bình tĩnh và muốn ngay lập tức tìm ra thủ phạm. Nghĩ rằng mình là nạn nhân, nhiều teen tự cho phép mình đổ lỗi, xúc phạm “thủ phạm” do mình nghi ngờ (chứ chẳng hề có bằng chứng) bằng muôn kiểu trừng phạt.

Nhiều teen hả hê vì trừng phạt được cái xấu, trút giận được cho bản thân mình nhưng teen lại không biết rằng chính sự "giận quá mất khôn" của mình đã đem lại cuộc sống bi kịch cho người khác. Và khi đó, “nạn nhân” không chỉ là người bị mất đồ. Nạn nhân thực sự - chính là những ai bị gán cho cái tội ăn cắp.

Khi nghe tin Hoàng nhập viện vì uống hết 50 viên thuốc ngủ tự tử, những người bạn cùng lớp mới nhận ra họ đã làm tổn thương người khác như thế nào. Giáo viên chủ nhiệm và đại diện lớp đã đến xin lỗi gia đình. Nhưng ba mẹ của Hoàng vẫn không thể tha thứ cho chuyện con họ suýt chết vì cách hành xư thiếu tế nhị và thô bạo của những người bạn, người thầy. Nhập viện trong cơn mê man, Hoàng vẫn còn thều thào: "Con không ăn cắp, con không ăn cắp...".

Bạn bị mất cắp và bạn căm ghét kẻ đã lấy cắp. Nhưng trước tiên, hãy tự xem lại bản thân mình có cất những thứ quý giá một cách cẩn thận không, hay chính thói hớ hênh đã tạo điều kiện cho người khác đánh cắp nó? Bạn có biết chắc chắn là ai đã làm không, hay chỉ dựa nào những suy đoán và định kiến mà kết tội ai đó? Bởi vì chỉ cần một lời kết tội không đúng và được cả đám đông hùa theo thì nó có thể giết chết tâm hồn của một người bạn vô tội. Nên dù bị mất đi thứ tài sản quý giá nào, thì điều quan trọng nhất vẫn là giữ lại sự tỉnh táo, chúng sẽ giúp bạn nhìn vấn đề một cách khách quan nhất.

Bạn có thể không tìm lại được món đồ quý giá của mình nhưng đừng vì thế mà giết chết một người bạn, một tình bạn, teen nhé!

Theo ione.net