Hải Phòng: Gần 7.000 học sinh THPT tham gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2023

27/02/2023 06:07
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gần 7.000 học sinh được giải đáp thắc mắc về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, khối ngành đào tạo và phương thức tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

Ngày 26/2, gần 7.000 học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có mặt tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam để tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp.

Gần 7.000 phụ huynh cùng học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp (Ảnh: Phạm Linh)

Gần 7.000 phụ huynh cùng học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh tham quan Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh tham quan Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Ảnh: Phạm Linh)

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp là hoạt động thường niên do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Đây là năm thứ 21 của chương trình và lần thứ 10 chương trình được tổ chức tại thành phố Hải Phòng - thu hút đông đảo học sinh trung học phổ thông, các vị phụ huynh đến tham dự.

Thông tin về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học năm 2023

Phát biểu khai mạc chương trình, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết: “Tại chương trình, ban tổ chức, ban tư vấn và các chuyên gia mang đến cho các em học sinh cuối cấp những thông tin kịp thời, chính xác và thiết thực để lựa chọn lối đi vào đời sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tuy năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ ổn định phương thức tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, nhưng vẫn có nhiều điểm các em học sinh cần lưu ý để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các kỳ thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy, chuẩn bị tốt cho việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Với những thông tin thu nhận được trong chương trình này, tôi mong rằng các em học sinh và các bậc phụ huynh sẽ có lựa chọn sáng suốt, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn quan trọng sắp tới”.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình. (Ảnh: Phạm Linh)

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình. (Ảnh: Phạm Linh)

Tới dự và tư vấn trực tiếp cho học sinh có 11 thành viên đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện khối trường quân đội, lãnh đạo nhiều đơn vị đào tạo lớn ở miền Bắc.

Ban tư vấn cung cấp những thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, những điều học sinh cần lưu ý trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay và tư vấn giúp các em học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai.

Đồng thời, các chuyên gia cũng trực tiếp trả lời câu hỏi, giải đáp thắc mắc cho học sinh và phụ huynh về thông tin tuyển sinh, kỳ thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy năm 2023, tư vấn việc lựa chọn phương thức xét tuyển và tư vấn chọn ngành, chọn trường…

Ban tổ chức cũng bố trí 70 gian tư vấn của hàng chục trường đại học, cao đẳng, các đơn vị giáo dục. Gian tư vấn của các trường giúp học sinh có cái nhìn rõ hơn về sự đa dạng của bậc học, ngành học, môi trường đào tạo... của từng trường.

Tại đây học sinh sẽ được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với đại diện trường mà mình quan tâm, tìm hiểu thông tin du học, chương trình đào tạo liên kết quốc tế ở các trường trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh đó, học sinh còn được trải nghiệm các hoạt động hướng nghiệp khác như trò chơi, tham quan giảng đường, các mô hình học tập tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Đại diện đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện khối trường quân đội, lãnh đạo nhiều đơn vị đào tạo lớn ở miền Bắc tham gia tư vấn cho học sinh, phụ huynh. (Ảnh: Phạm Linh)

Đại diện đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện khối trường quân đội, lãnh đạo nhiều đơn vị đào tạo lớn ở miền Bắc tham gia tư vấn cho học sinh, phụ huynh. (Ảnh: Phạm Linh)

Tại buổi tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – đại diện Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp cho học sinh những thông tin chung nhất về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và những lưu ý về tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra một số lưu ý như: “Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sửa quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 10 thay đổi. Các cơ sở giáo dục đại học sẽ căn cứ quy định khung (khi ban hành) của Bộ để ban hành quy chế tuyển sinh riêng của đơn vị mình.

Như vậy, ngoài việc nắm được quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh phải quan tâm thêm quy chế tuyển sinh riêng của các trường mà mình dự định xét tuyển”.

Cách chọn nguyện vọng xét tuyển để không “trắng tay”

Tại buổi tư vấn, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng chia sẻ về những điểm cần ghi nhớ với học sinh muốn sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đại học.

Đồng thời, chia sẻ những “bí kíp” để học sinh cũng như phụ huynh cân nhắc lựa chọn khối ngành đào tạo, trường đại học phù hợp với năng lực và có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo – Trường Đại học Ngoại Thương, học sinh không nên chọn bừa nguyện vọng theo số đông cũng không nên chọn quá nhiều ngành thuộc lĩnh vực khác nhau sẽ dễ bị rối.

Học sinh nên chọn theo nhóm ngành, đầu tiên là nhóm ngành mà các em ước mơ, kỳ vọng tiếp đến là nhóm ngành vừa năng lực, có nhiều cơ hội đỗ và cuối cùng là nhóm ngành để tránh rủi ro.

Đưa ra lựa chọn dựa trên 3 nhóm ngành trên sẽ giúp các thí sinh không bị “tay trắng”, dù trượt nhóm ngành kỳ vọng hay nhóm vừa năng lực vẫn còn nhóm ngành tránh rủi ro.

Học sinh lắng nghe tư vấn. (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh lắng nghe tư vấn. (Ảnh: Phạm Linh)

Đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường đưa ra gợi ý về nhóm ngành truyền thông.

Cụ thể, ngành truyền thông hiện vẫn là một ngành trong nhóm ngành hấp dẫn nhất của khối xã hội và có nhiều trường đào tạo.

Trong nhóm ngành truyền thông có ngành báo, nhiều lựa chọn như báo viết, phát thanh, truyền hình...; Ngành truyền thông đa phương tiện hiện nay cũng đang có nhiều ưu thế.

Quá trình đào tạo, sinh viên được cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng về truyền thông, đồng thời được trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ để làm được ở nhiều vị trí công việc khác nhau liên quan tới lĩnh vực truyền thông, phù hợp với xu thế hiện đại.

Học sinh trải nghiệm tư vấn trực tiếp. (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh trải nghiệm tư vấn trực tiếp. (Ảnh: Phạm Linh)

Nhiều thắc mắc được giải đáp để học sinh có cơ sở chọn nguyện vọng xét tuyển. (Ảnh: Phạm Linh)

Nhiều thắc mắc được giải đáp để học sinh có cơ sở chọn nguyện vọng xét tuyển. (Ảnh: Phạm Linh)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội chia sẻ với học sinh và phụ huynh, hiện tại, các ngành tiếng Nhật, Hàn có cơ hội việc làm cao do nhu cầu nhân lực từ các doanh nghiệp Hàn, Nhật rộng mở. Tiếp đến là những ngành như tiếng Trung, tiếng Anh.

“Chương trình ngoại ngữ của nhiều trường bây giờ đều đào tạo đồng thời trình độ ngoại ngữ và các nội dung có định hướng nghề. Ví dụ như du lịch, quản trị kinh doanh…

Có trình độ ngoại ngữ vững, các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội công việc ở các lĩnh vực khác nhau, thậm chí có nhiều công việc "phụ" khá thú vị như làm MC chẳng hạn”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương cho biết.

Học sinh và phụ huynh Hải Phòng quan tâm về phương thức xét tuyển

Tham dự buổi tư vấn, học sinh đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến cơ hội việc làm, chương trình đào tạo, phương thức xét tuyển đại học, lợi thế khi có chứng chỉ IELTS,…

Em Nguyễn Lê Giang Lam, học sinh lớp 12 – Trường Trung học phổ thông Thái Phiên (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết: Đến với buổi tư vấn, em quan tâm đến ngành học, chất lượng đào tạo, điều kiện học tập, học phí cũng như cơ hội việc làm,...

Bên cạnh đó, em cũng băn khoăn về việc cơ hội trúng tuyển có bị giảm nhiều không nếu không xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS.

Sau khi tham khảo kỹ, em dự kiến chọn ngành khoa học máy tính hoặc công nghệ máy tính của Đại học Quốc gia Hà Nội. Bản thân em cũng chuẩn bị để có kết quả thi tốt nghiệp như mong muốn.

Học sinh quan tâm đến cơ hội việc làm, chương trình đào tạo, phương thức xét tuyển đại học, lợi thế khi có chứng chỉ IELTS,…(Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh quan tâm đến cơ hội việc làm, chương trình đào tạo, phương thức xét tuyển đại học, lợi thế khi có chứng chỉ IELTS,…(Ảnh: Phạm Linh)

Trải nghiệm thú vị với xe sinh thái của khoa Kỹ thuật Ô tô, Viện Cơ khí, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. (Ảnh: Phạm Linh)

Trải nghiệm thú vị với xe sinh thái của khoa Kỹ thuật Ô tô, Viện Cơ khí, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. (Ảnh: Phạm Linh)

Không riêng học sinh, phụ huynh cũng tham gia nghe tư vấn để hiểu điều kiện đào tạo, phương thức xét tuyển, từ đó có định hướng cho con trong việc chọn ngành, chọn trường.

Theo chị Vũ Thuỳ Duyên (trú tại quận Kiến An, Hải Phòng), phụ huynh em Vũ Quốc Tấn đang học tại Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, nhiều gia đình hiện nay lựa chọn cho con theo học, thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS để có lợi thế trong tuyển sinh đại học.

“Vậy việc xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực so với xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế sẽ có điều kiện, cơ hội trúng tuyển khác nhau nhiều không.

Như trường hợp con tôi không học chứng chỉ quốc tế thì liệu có bị hạn chế cơ hội xét tuyển vào trường hay không?

Đối với các chứng chỉ quốc tế thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con theo học vì học phí rất cao, nhất là học sinh ở vùng nông thôn.

Như ở Trường Đại học Kinh tế quốc dân thì xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ có 25% còn lại là xét tuyển kết hợp với các chứng chỉ như SAT, TOEIC, IELTS, TOEFL...

Vậy tôi quan tâm là việc xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế được ưu tiên nhiều như vậy có gây thiệt thòi cho các bạn học sinh xét tuyển theo phương thức truyền thống hay không?” chị Thuỳ Duyên băn khoăn nên đã đến gian tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế quốc dân để hỏi kỹ hơn.

Phụ huynh cũng tới tham gia tư vấn để có định hướng cho con. (Ảnh: Phạm Linh)

Phụ huynh cũng tới tham gia tư vấn để có định hướng cho con. (Ảnh: Phạm Linh)

Tương tự, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Phạm Thị Bách (trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng, phụ huynh em Nguyễn Trịnh Tuấn Khang - Học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền) cho biết: “Tôi cùng một số phụ huynh tới đây để có thông tin cụ thể về phương thức xét tuyển của các nhà trường. Thực tế khi tham khảo trên mạng chúng tôi vẫn thấy rất mông lung.

Cụ thể như con tôi đang quan tâm đến ngành Kinh tế quốc tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Hiện con đang theo học chứng chỉ IELTS.

Qua tư vấn trực tiếp của nhà trường, chúng tôi hiểu và yên tâm hơn phần nào về phương thức tuyển sinh, con chỉ cần tập trung ôn luyện cho kỳ thi”.

Phạm Linh