Hàng chục nghìn dịch vụ kỹ thuật đang được Bảo hiểm y tế chi trả

10/07/2022 06:26
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ với con số 57% dân số tham gia Bảo hiểm y tế từ năm 2009, số lượng này đã tăng lên hơn 91% vào cuối năm 2021.

Sau hơn 13 năm, từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 1/7 là ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam, từ những ngày đầu những năm 2009, khi số người tham gia Bảo hiểm y tế tại Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 57% dân số, tính đến cuối năm 2021 số lượng này đã tăng lên 91%.

Theo đánh giá của đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có được thành quả như vậy, một phần đến từ nỗ lực lực rất lớn của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền Bảo hiểm y tế từ trung ương đến địa phương, để người dân nắm bắt được quyền lợi của họ khi tham gia Bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg về phê duyệt danh sách các xã khu vực (KV) III, KV II, KV I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế.

Trong buổi thông tin chuyên đề về Bảo hiểm y tế tháng 7/2022, ông Trần Quốc Tuý – Phó Trưởng ban Quản lý thu sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cũng đã nêu lên một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng, sửa đổi chính sách pháp luật Bảo hiểm y tế, để phát triển hiệu quả người tham gia đối với 10% dân số còn lại, góp phần hoàn thiện mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân.

Qua đó, vị này cũng đã nêu ra một số tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg trong thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế và giải pháp hiệu quả để duy trì tỷ lệ người tham gia loại hình bảo hiểm này.

Ông Trần Quốc Tuý – Phó Trưởng ban Quản lý thu sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) phát biểu trong buổi họp chuyên đề ngày 8/7. Ảnh: Trung Dũng

Ông Trần Quốc Tuý – Phó Trưởng ban Quản lý thu sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) phát biểu trong buổi họp chuyên đề ngày 8/7. Ảnh: Trung Dũng

Ông Tuý cho rằng: “Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trong việc hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, đặc biệt là việc ngân sách nhà nước mua thẻ Bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng.

Trong đó, có các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Việc này đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, giảm bớt gánh nặng về tài chính và góp phần tăng tỷ lệ bao phủ dân số tham gia Bảo hiểm y tế”.

Cũng theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2021, số người tham gia Bảo hiểm y tế là 88,837 triệu người, tăng 794 nghìn người (0,9%) so với năm 2020.

Với số người tham gia như vậy, đạt tỷ lệ khoảng 91,01% dân số tham gia Bảo hiểm y tế, vượt 0,01% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ.

Ngoài ra, từ số liệu thống kê cho thấy, số người tham gia Bảo hiểm y tế từ năm 2017 đến năm 2020 hằng năm đều tăng khoảng trên 2 triệu người, bình quân tăng khoảng 3% một năm.

Tuy nhiên, từ năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chính sách mua thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân sinh sống tại các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và người dân sinh sống tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 353/2022/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã làm sụt giảm số người tham gia Bảo hiểm y tế.

Trong số đó có khoảng 3,1 triệu người (có khoảng 2,1 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số giảm) không được ngân sách nhà nước mua thẻ Bảo hiểm y tế. Một số địa phương có số người tham gia Bảo hiểm y tế giảm sâu như: Đắk Lắk giảm 225,5 nghìn người, trong đó có 194,6 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Sóc Trăng giảm 309,5 nghìn người, trong đó có 200 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Trà Vinh giảm 243,6 nghìn người tham gia, trong đó có 93,8 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Sơn La giảm 180 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Thanh Hóa giảm 183,3 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số.v.v.

“Để tạo điều kiện cho người dân giảm bớt khó khăn, duy trì chính sách Bảo hiểm y tế bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục có chính sách đóng, hỗ trợ mức đóng Bảo hiểm y tế đối với người dân thuộc các đối tượng này.

Đặc biệt là đối tượng thoát khỏi huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 và người đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.

Tính đến nay còn khoảng 2,65 triệu người trong số 3,1 triệu người nêu trên chưa được tham gia Bảo hiểm y tế”, ông Tuý nhấn mạnh.

Ngoài ra, nội dung đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã được Phó Thủ tướng thường trực chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo trong thông báo kết luận số 251/TB-VPCP ngày 22/9/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, về đề xuất chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia Bảo hiểm y tế sẽ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính và cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách riêng để hỗ trợ cụ thể theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm y tế và quy định có liên quan và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong Quý IV năm 2021.

Bên cạnh đó, ngày 21/6/2022, tại Công văn số 1668/BHXH-TST gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc cung cấp số liệu phục vụ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2022 và Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ có chính sách đóng, hỗ trợ mức đóng Bảo hiểm y tế đối với người dân thoát khỏi huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 và người đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 nêu trên.

Công tác tư vấn người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tại Bà Rịa - Vũng Tàu rất quan tâm.

Công tác tư vấn người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tại Bà Rịa - Vũng Tàu rất quan tâm.

Vị Phó Trưởng ban Quản lý thu sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) thông tin thêm: “Nhìn chung, trong những năm qua, quyền lợi của người bệnh tham gia Bảo hiểm y tế ở nước ta được đảm bảo khá tốt.

Cụ thể, chúng ta có hàng chục nghìn dịch vụ kỹ thuật được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả. Trong đó, từ những dịch vụ cao cấp nhất, thậm chí là sử dụng yếu tố rô-bốt cũng được Bảo hiểm y tế chi trả. Hoặc với những dịch vụ đơn giản khác như: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu.v.v. cũng được Bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả hết.

Ngoài ra, các dịch vụ được triển khai thanh toán đến các cơ sở như trạm y tế xã hay tại các bệnh viện lớn tuyến trung ương cũng được hưởng lợi rất nhiều từ quỹ Bảo hiểm y tế. Người dân dù đóng Bảo hiểm y tế ở mức cao cho đến những hộ đóng bảo hiểm ở mức thấp cũng đều được chi trả bình đẳng.

Thậm chí, các đối tượng yếu thế, được nhà nước hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế thì tỷ lệ chi trả này còn cao hơn. Những điều đó để chúng ta thấy được sự ưu việt của chính sách Bảo hiểm y tế mang lại cho tất cả người dân tham gia Bảo hiểm y tế ở Việt Nam.

Chúng tôi cũng tin rằng, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan thì những khó khăn, vướng mắc về thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật sẽ được xử lý trong thời gian sớm nhất, để đảm bảo quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế”.

Trung Dũng