Hậu sáp nhập, trường CĐ nghề gặp thách thức trong bố trí công tác bộ máy quản lý

28/03/2023 06:43
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần phải xây dựng chiến lược hậu sáp nhập cụ thể để việc sáp nhập không chỉ đơn thuần là chuyển đổi vị trí của con người, máy móc trang thiết bị,..

Việc thiếu chiến lược phát triển, sắp xếp hợp lý sau khi quy hoạch, sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên có hiện tượng, khi cơ sở sáp nhập xong, các ngành nghề có nhiều chênh lệch, việc tuyển sinh khó khăn dẫn tới nguồn thu không đảm bảo nhưng lại bị gấp ba, gấp bốn lần bộ máy tổ chức.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về tình hình của đơn vị sau khi sáp nhập, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa cho hay, trường đã thực hiện Quyết định số 1035/QĐ-LĐTBXH ngày 16/9/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sáp nhập Trường Trung cấp Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa, Trường Trung cấp nghề Xây dựng Thanh Hóa vào Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa và đổi tên thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa.

Trong năm 2022, nhà trường đã hoàn thành việc sáp nhập và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các phòng, khoa, trung tâm theo Đề án sáp nhập đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Theo thầy Hùng, sau khi sáp nhập, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đã có một số thuận lợi như các ngành nghề đào tạo của nhà trường được cơ cấu và tái cấu trúc lại, gồm: 13 nghề cao đẳng, 16 nghề trung cấp và 18 nghề sơ cấp.

Sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp trường năm 2022. (Nguồn: Website Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa).

Sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp trường năm 2022. (Nguồn: Website Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa).

Tuy nhiên, việc sáp nhập cũng khiến trường gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt là trong thời gian đầu khi mới sáp nhập.

Thứ nhất là, trước đó, các đơn vị sáp nhập vào trường đều trong tình trạng nhiều năm liền không tuyển được người học.

Hơn nữa, kết quả tuyển sinh của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa cũng chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 dẫn tới số lượng người học giảm, sự chênh lệch giữa các ngành nghề cao, có những ngành không tuyển được người học, kết quả tuyển sinh hệ cao đẳng không đạt yêu cầu,...

Điều này đã dẫn tới những thách thức lớn trong công tác quản lý, đào tạo khi số lượng cán bộ viên chức, người lao động tăng nhưng số lượng học sinh, sinh viên không tăng, nguồn thu hạn chế đã ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đời sống của cán bộ viên chức.

Thứ hai là, cả hai đơn vị sáp nhập về trường (Trường Trung cấp Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa và Trường Trung cấp nghề Xây dựng Thanh Hóa) đều có lực lượng cán bộ lãnh đạo được bố trí đầy đủ. Trong khi đó, bộ máy quản lý của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa cũng gần như đã hoàn thiện. Đây là thách thức trong bố trí công tác, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ khi sáp nhập.

Bên cạnh đó, về đội ngũ viên chức, người lao động, do hai trường sáp nhập đào tạo những ngành nghề đặc thù. Qua hơn một năm sáp nhập, việc tuyển sinh các ngành nghề xây dựng, phát thanh truyền hình của nhà trường bị hạn chế, gây khó khăn về đảm bảo việc làm.

Việc sáp nhập dẫn tới dôi dư đội ngũ người lao động. Trong khi đó, chiến lược hậu sáp nhập cùng những văn bản hướng dẫn của các ngành thiếu cụ thể, đặc biệt là trong vấn đề tài chính nên nhà trường đã gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, để giải quyết và khắc phục được tối đa những khó khăn, vướng mắc sau khi sáp nhập về cả cơ sở vật chất, bố trí cán bộ, nhà trường đã luôn nỗ lực và cố gắng thực hiện theo Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh, đưa ra những giải pháp kịp thời.

Về cơ sở vật chất: Nhà trường đã thực hiện theo Đề án là sáp nhập nguyên trạng về con người và cơ sở vật chất.

Riêng trụ sở Trường Trung cấp Phát thanh – Truyền hình Thanh Hóa được Ủy ban nhân dân tỉnh giao lại cho thành phố Sầm Sơn sử dụng cho Trường Trung học cơ sở Nguyễn Hồng Lễ. Trụ sở Trường Trung cấp nghề Xây dựng được Ủy ban nhân dân tỉnh giao lại cho thành phố Thanh Hóa xây dựng phương án sử dụng.

Về vị trí lãnh đạo: Trước khi sáp nhập, Trường Trung cấp Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa có 01 hiệu trưởng và 02 phó hiệu trưởng, đến tháng 9/2022 hiệu trưởng nghỉ chế độ bảo hiểm; 02 phó hiệu trưởng theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt cơ cấu tổ chức bộ máy của Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa được bổ nhiệm làm phó hai đơn vị trực thuộc trường.

Trường Trung cấp nghề Xây dựng Thanh Hóa có 01 hiệu trưởng, theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt cơ cấu tổ chức bộ máy của Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa được bổ nhiệm làm trưởng đơn vị trực thuộc trường.

Đối với trưởng, phó các đơn vị trực thuộc các trường do tinh gọn, sáp nhập nên chưa bổ nhiệm vào các chức danh. Trước mắt, thực hiện theo nguyện vọng được quy hoạch làm trưởng, phó các đơn vị trực thuộc. Trong thời gian này, những người có chức vụ trước khi sáp nhập thì sau khi sáp nhập vẫn hưởng đầy đủ phụ cấp chức vụ cho tới hết nhiệm kỳ.

Đối với giáo viên, người lao động: căn cứ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, sở trường nhà trường bố trí về các đơn vị trực thuộc trường.

Nhà trường đã phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt cơ cấu, tổ chức bộ máy của Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa.

Theo đó, lãnh đạo nhà trường đã gặp gỡ, trao đổi để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ viên chức hai trường tạo sự đồng thuận cao trong công tác kiện toàn, sắp xếp.

“Lương và các chế độ của các cán bộ giáo viên, viên chức nhà trường được thực hiện theo đúng quy định. Đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo nhà trường chưa nhận được phản ánh nào của cán bộ viên chức và người lao động, 100% đều đồng thuận với quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và của nhà trường”, thầy Hùng khẳng định.

Trước tình hình một số trường cao đẳng nghề sau khi sáp nhập còn gặp nhiều khó khăn, thầy Hùng cho rằng, bên cạnh việc thực hiện quy hoạch về số lượng trường thì cần tập trung thêm các giải pháp sau để nâng cao chất lượng đào tạo nghề:

Thứ nhất là, quy hoạch lại mạng lưới cũng như các ngành nghề đào tạo, tránh tình trạng cùng trên địa bàn, nhiều trường cùng đào tạo trùng nghề, gây hiện tượng chồng chéo, lãng phí.

Thứ hai là, thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng; cần quan tâm đến chất lượng đào tạo nghề tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.

Thứ ba là, quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là ở việc cung cấp thông tin về nhu cầu, dự báo tình hình, tạo điều kiện cho người học nghề tới thực tập, trải nghiệm thực tế.

Thứ tư là, các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức đoàn thể xã hội cần tích cực làm tốt công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân.

Thứ năm là, cần xây dựng chiến lược hậu sáp nhập, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện cho các cơ sở liên quan, để sáp nhập không chỉ đơn thuần là chuyển đổi vị trí của con người, máy móc trang thiết bị từ nơi này tới nơi khác.

Khánh An