Hãy để bàn tay lên tiếng

23/05/2012 06:00
Thanh Hoa
(GDVN) - Nếu như người mù tiếp cận thông tin bằng chữ Braille thì người câm điếc dường như khó khăn hơn khi chỉ dùng Ngôn ngữ ký hiệu (NNKH).
Đây là một loại ngôn ngữ đặc biệt mà những người không bị câm điếc sẽ không thể nào hiểu được nếu như không trải qua quá trình tìm hiểu và học tập. Chính vì vậy mà giới trẻ chúng ta ít “nói chuyện” và giúp đỡ được những người kém may mắn có vấn đề về nghe và nói.

Là một người thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, anh Nguyễn Tiến Danh (Chủ nhiệm Hội tình nguyện Chung Tay Vì Công Đồng) hiểu những khó khăn và trở ngại đó hơn ai hết. Đó cũng là lý do để anh mở ra lớp học dạy “Múa dấu” miễn phí cho các bạn trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh.

“Thầy” Danh giúp các bạn ôn bài.
“Thầy” Danh giúp các bạn ôn bài.


Tính đến nay, lớp NNKH của anh Danh đã dạy được 7 khoá học, mỗi khoá kéo dài tới 2 tháng. Học viên chủ yếu ở đây là các bạn trẻ, hiện đang theo học tại các trường ĐH, CĐ và Trung cấp, dạy nghề, đặc biệt là thành viên hoặc thủ lĩnh của các Câu lạc bộ Công tác xã hội trên địa bàn thành phố, có mong muốn được giao tiếp với người câm điếc.

Khi được hỏi về duyên cớ nào đưa anh đến với kênh ngôn ngữ đặc biệt này, Tiến Danh chia sẻ: “Tôi quan tâm và học “múa dấu” cũng khá lâu rồi nhưng chủ yếu là tự mày mò trên các Website. Đến năm 2010, khi gặp cô Thu Xương (giáo viên Khiếm Âm), tôi rất khâm phục tình yêu thương và sự kiên nhẫn của cô. Từ đó, tôi vẫn lang thang đến các Câu lạc bộ này đến Câu lạc bộ khác để học hỏi và trao dồi thêm kiến thức về Điếc, Câm. Hầu hết các CLB đang dạy đều thu tiền học phí, nhưng tôi thì khác. Tôi muốn đem những cái tôi đang có đi truyền đạt lại cho công đồng và đặc biệt là các bạn trẻ, để họ nối tiếp có thể “chung tay vì cộng đồng” như tôi và nhiều bạn trẻ khác đang làm!”.

Khoảng sân của trường ĐH Sư phạm tp.HCM chính là “địa bàn” học tập
Khoảng sân của trường ĐH Sư phạm tp.HCM chính là “địa bàn” học tập


Có nhiều bạn đến với lớp học này ban đầu chỉ vì tò mò, nhưng sau sau đó, điều mà hầu như các bạn đều quan tâm lớn nhất là học để có thể giao tiếp được với các em câm, điếc, để không còn ranh giới giữa hai ngôn ngữ nói và dấu tay.

Khi tham gia khoá học, các bạn được chỉ dẫn từ những ký hiệu đơn giản nhưng cần thiết nhất như bảng chữ cái, màu sắc, đến những câu khó hơn như nói về nghề nghiệp, sở thích, gia đình… Đặc biệt, các bài hát được “chuyển hoá” thành NNKH luôn thu hút và tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho học viên. Các bạn hào hứng trao đổi bài cùng bạn bè của mình và hỏi lại “thầy” Danh ngay tại lớp nên “thuộc bài” rất nhanh. Khi kết thúc một khóa học 2 tháng, các bạn được tổ chức xuống trường Thuận An để sinh hoạt cùng các em ở đấy. Đó là lúc vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế.

Nói về lớp học này, bạn Đỗ Thị Tươi (Sinh viên trường ĐH Sư Phạm Tp.HCM) vui vẻ nói: “Mình đi học mới được 3 buổi thôi, nhưng thật sự rất vui khi được học loại ngôn ngữ đặc biệt này. Thầy giáo rất tâm huyết và vui tính nữa nên dạy dễ hiểu lắm! Mình học về còn “dạy” lại cho mấy chị trong phòng và một số bạn cùng lớp nữa đấy. Hy vọng mình sẽ biết được thật nhiều để có thể giao tiếp và nói chuyện với những bạn kém may mắn không nghe, nói được!”.

Điều khó khăn nhất mà theo như anh Danh chia sẻ chính là việc các bạn trẻ không có điều kiện môi trường và thời gian để tiếp xúc, giao lưu với người khuyết tật, đặc biệt là các em câm điếc nên những động tác “múa dấu” của các bạn vẫn còn hạn chế, chưa được áp dụng nhiều. Tuy nhiên, việc nhân rộng NNKH đến nhiều người trẻ để các bạn có thể đồng hành mang loại ngôn ngữ này đi khắp nơi là niềm đam mê sẽ không bao giờ nguội tắt trong lòng anh.

“Các bạn học được NNKH cũng giống như học thêm được một thứ ngôn ngữ thứ 2 hay thứ 3 như tiếng Anh, tiếng Hoa mà các bạn đang học ở trường vậy. Nó rất có ý nghĩa! Và tôi tin rằng những người khuyết tật điếc, câm cũng chắc chắn sẽ rất vui khi có những người bình thường biết thêm ngôn ngữ của họ để hòa đồng cùng các bạn.”- Đó là lời nhắn nhủ rất đỗi chân thành và nhiệt tâm mà anh Tiến Danh gửi đến các bạn trẻ.


Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

Video Clip





Thanh Hoa