Hiến kế thực nghiệm "Đường bay Vàng" chỉ... 20 triệu đồng

02/09/2014 09:34
TS Trần Đình Bá
(GDVN) - Với phương pháp này, kinh phí tốn kém chỉ khoảng 15 - 20 triệu đồng mà có được sự chứng kiến của các nhà khoa học, báo giới và nhân dân ngồi trên khán đài....

Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đang phải đi thuê hệ thống buồng lái giả định (SIM) của Thái Lan và Singapore cho Boeng 777 vì Vietnam Airlines (VNA) không có. Việc thiê này có thể gây tốn kém hàng ngàn USD tiền đi lại và làm chậm thời gian thử nghiệm.

Gửi tới các cơ quan báo chí, TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam "hiến kế" một phương pháp thực nghiệp trên sa bàn, độ chính xác vẫn đảm bảo 98-99% không kém gì SIM (LTS) nhưng chi phí... không đáng kể.

Mục tiêu của thử nghiệm là tìm được hiệu quả kinh tế giữa đường bay vòng  hiện tại với đường bay thẳng sẽ tiết kiệm được bao nhiêu để đưa vào hạch toán lỗ lãi và lựa chọn bay thẳng hay bay vòng. Đây là đáp số quyết định sự có hay không đưa "đường bay vàng" vào thực tiễn.

Sử dụng một chuyến máy bay Airbus A321 bay từ HN – TP.HCM để thử nghiệm đường bay tốn kém tới 15.000 - 18.000 USD, tương đương 360 triệu VND, khi chưa có khách thương mại nên lãng phí là quá lớn. Để tiết kiệm, Hàng không Việt Nam đã thử nghiệm trên buồng lái điện tử giả định gọi tắt tiếng Anh là SIM, đó cũng là cách làm tốt song lại phải đi thuê SIM của nước ngoài thì lại càng tốn kém do chi phí đi lại, kéo dài thời gian và bộc lộ sự “thiếu thốn" của Hãng Hàng không quốc gia VNA.    

Với phương châm “Chắc thắng mới đánh – không chắc chưa đánh"! Trước một chiến dịch lớn, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã cho lập sa bàn Điện Biên giữa rừng Mường Phăng để tranh luận khoa học dân chủ, công khai trước để tìm ra quyết tâm cao nhất, cách đánh có lợi nhất, con đường ngắn nhất bắt sống tướng  De Castries, đưa lại chiến thắng trọn vẹn nhất và thương vong ít nhất! Bài học lịch sử đó đang rất cần cho Hàng không hôm nay để nhanh chóng đổi mới tư duy kinh tế cũng với phương châm “chắc lãi mới bay- không lãi đừng bay".

Theo TS Trần Đình Bá, để vừa tiết kiệm tiền của, thời gian công sức còn có một giải pháp rất hay mang truyền thống Việt Nam, đó là cách thực nghiệm trên sa bàn.

Nước ta có nhiều sân bay với nhiều diện tích đang bỏ trống như Bạch Mai, Nước Trong, Lộc Ninh … với diện tích mỗi sân bay nhiều Km2. Đây là nơi bằng phẳng, được trải thảm bê tông nên có thể làm sa bàn thử nghiệm cho “Chiến dịch đổi mới đường bay” rất tốt.   

Chỉ cần dùng cọc tiêu đánh dấu vị trí các  sân bay  như  Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới, Phú Quốc, Cần Thơ… với khoảng cách thu nhỏ tỉ lệ 1/1000 tức (1 mét trên thực đi bằng 1 km thực tế). Các đường bay vòng hiện tại được sơn vạch đúng theo quỹ đạo hiện tại. Như vậy, tất cả các sân bay trên đều đáp ứng diện tích cho một sa bàn “lý tưởng” mang lại độ chính xác 98% đến  99%  mà không kém gì SIM.       

“Máy bay” là một chiếc xe  ô tô 7 chỗ hoặc 9 chỗ tùy nhu cầu kiểu Toyot Zace, Ford Everest , Inova… chạy bằng số sàn, không dùng phanh trong suốt khi chạy thử nghiệm. Trên xe chở Hội đồng thử nghiệm gồm các giáo sư tiến sỹ GS-TS đại diện cho Cục HK, Học viện HK, các hãng HK và các Cục, Vụ, Viện Bộ GTVT...

Thiết bị mang theo là đồng hồ bấm giờ thể thao có đơn vị tính bằng giây. Văn bản số liệu thử nghiệm được hội đồng chứng kiến và ký tên tập thể làm tài liệu lưu trữ mang tính chất pháp lý về một cuộc thử nghiệm khoa học.     

Mục tiêu của thử nghiệm là so sánh hiệu quả đường bay thẳng với đường bay vòng bằng tỷ lệ giữa công có ích so với công toàn phần.       

Đặt cần số xe nấc số 1, chạy theo hành trình đường thẳng lấy số thời gian ghi vào nhật ký.  Tiếp theo chạy trên sơ đồ đường vòng thực tế hiện nay ghi vào nhật ký. Thử nghiệp mỗi hành trình 3 lần – có đảo chiều sẽ lấy số liệu trung bình. Làm như vậy sẽ rất chính xác và rất nhanh, không chỉ đối với đường bay quan trọng nhất là HN-TP.HCM mà áp dụng cho tất cả các đường bay khác như HN- Phú Quốc, HN – Cần Thơ, Hải Phòng – TP.HCM , Thanh Hóa – TP.HCM, Vinh – TP.HCM, Đồng Hới – TP.HCM, Huế - TP.HCM, Đà Nẵng – TP.HCM... Đây là những đường bay dài, có tần suất cao nên tác động rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của tất cả các hãng hàng không.

Kinh phí tốn kém chỉ khoảng 15 - 20 triệu đồng mà có được sự chứng kiến của các nhà khoa học, báo giới và nhân dân ngồi trên khán đài.           

Thực nghiệm trên sa bàn này độ chính xác đạt đến 99% , không kém gì SIM vì nó tuân theo quy luật tự nhiên giữa quãng đường và hướng đi của phương tiện, phản ánh đúng thời gian chứa đựng  giá trị về công cơ học để so sánh hiệu quả kinh tế và cho ra kết quả bằng định lượng chính xác.     

Thực nghiệm khoa học bằng cách dùng ô tô, cài số 1 chạy trên sơ đồ đường thẳng và đường vòng để so sánh hiệu quả kinh tế cũng là cách làm nhanh nhất, chính xác và tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước, không cần phải đi thuê SIM của Thái Lan, Singapore.    

Hàng không nước ta đang đứng trước thách thức lớn để đổi mới, việc làm ngay cấp bách lúc này là "đánh chắc tiến chắc" và "Thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo và táo bạo hơn nữa” của Đại tướng Tổng tư lệnh nhằm hiện thực hóa nhanh nhất các số liệu của "Đường bay vàng" nhằm đưa đến kết luận việc sớm triển khai đường bay này hay không.

Theo thông tin xác nhận với báo giới của VietJet Air, hãng này sẽ bay thử nghiệm bằng máy bay A320 trong tối ngày 1/9. Tuy nhiên, hãng này phải sang Trung tâm huấn luyện bay của Thái Lan thuê SIM bay thử nghiệm.

Thái Lan là nơi cung cấp dịch vụ bay huấn luyện cho nhiều hãng hàng không trong khu vực, trong đó có VietJet.
 
Dù các website của Thái Lan không tiết lộ mức chi phí cho dịch vụ này song theo tham khảo trên trang Flight City của Úc, nơi cũng có dịch vụ cho thuê bay, giá vé cho một lượt bay thử nghiệm trên SIM của chiếc Boeing 777 vào khoảng 275 USD (tương đương 5,8 triệu đồng). Giả sử mức giá này cũng được áp dụng tương đương ở thị trường Thái Lan thì chi phí một ngày bay thử của hàng không Việt Nam tại đây (cho 20 giờ bay) cũng lên đến 120 triệu đồng (Infonet),

TS Trần Đình Bá