Hiệp hội làm được những việc mà các trường không thể làm

10/02/2021 06:33
Linh Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiệp hội đã có nhiều đóng góp trong công tác phản biện, tư vấn tham gia xây dựng chính sách về giáo dục đại học, cao đẳng nhất là công tác tuyển sinh, tự chủ...

Đánh giá về vai trò của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ I (2015-2020), Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT cho rằng, những thành tựu mà Hiệp hội làm được trong nhiệm kỳ I rất lớn bởi vì đó là nhiệm kỳ đầu tiên nên rất nhiều công việc mới, đặc biệt đúng trong khoảng thời gian năm 2015-2020 là thời gian giáo dục đại học Việt Nam có nhiều thay đổi thực hiện nhiều chiến lược, chủ trương của Đảng, Nhà nước để đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng đã được Ban chấp hành tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng đã được Ban chấp hành tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đồng tình với quan điểm này, thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi tới dự Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Hiệp hội trong sự phát triển của hệ thống các trường đại học Việt Nam, đặc biệt là các trường tư thục đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.

Hiệp hội đã có nhiều đóng góp trong công tác phản biện, tư vấn tham gia xây dựng chính sách về giáo dục đại học, cao đẳng nhất là công tác tuyển sinh, tự chủ đại học và nhiều hoạt động thiết thực khác như hội thảo, tọa đàm để thảo luận về các chính sách, cơ chế, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đại học.

“Chúng tôi đánh giá cao sự nhiệt tình, tâm huyết đóng góp trí tuệ của các nhà giáo, cán bộ quản lý lão thành là lãnh đạo Hiệp hội. Các thầy tiếp tục là các tấm gương để các thế hệ tiếp sau noi theo”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn

Những năm qua giáo dục đại học, cao đẳng có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Trong thời gian tới đây, với những bối cảnh toàn cầu thay đổi, sự cạnh tranh giữa các trường đại học nước ngoài với các trường đại học trong nước sẽ trở nên gay gắt hơn.

Bên cạnh nguồn nhân lực trình độ, chất lượng cao thì những tiến bộ công nghệ sẽ trở thành những yếu tố cạnh tranh cốt lõi của mỗi tổ chức, doanh nghiệp và mỗi quốc gia.

Thứ trưởng cho biết, dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là những đột phá chiến lược.

Với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99 của Chính phủ cùng một số luật khác đã tạo hành lang pháp lý rộng hơn bao giờ hết cho các trường đại học, cao đẳng phát triển, nhất là cơ chế tự chủ đại học.

Trong bối cảnh đó, hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội lớn, nhưng đồng thời sẽ có những thách thức không nhỏ.

Vì vậy, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng chính sách, cơ chế triển khai, thì việc thành công trong hệ thống giáo dục đại học phụ thuộc rất nhiều vào chính các trường đại học, cao đẳng cũng như sự hợp tác, liên kết trong hệ thống mà ở đây Hiệp hội đóng vai trò hết sức quan trọng.

Theo Thứ trưởng, Hiệp hội mạnh hay không chính là từng thành viên phải mạnh, và có sự liên kết, hợp tác giữa các thành viên với nhau.

Vì vậy, Hiệp hội phải mang lại lợi ích thực sự cho các thành viên, trở thành ngôi nhà chung của các thành viên và là nơi tập hợp, kết nối các thành viên, chia sẻ thông tin để cùng nhau xây dựng sáng kiến giữa Hiệp hội và các thành viên để phát triển.

Hiệp hội phải thực sự trở thành tiếng nói chung, tiếng nói đại diện cho các trường đại học, cao đẳng, cho các thành viên và là nơi tổ chức các hoạt động chia sẻ thông tin, chia sẻ tài nguyên và kết nối hợp tác giữa các thành viên với nhau.

Thứ trưởng cho rằng, một Hiệp hội mạnh không chỉ là cơ quan thường trực mạnh, mà chính là ở thế mạnh của các trường.

Nếu tận dụng được sức mạnh của các trường trong mọi hoạt động, trong nghiên cứu khoa học, xây dựng học liệu, sáng kiến trong đào tạo, xây dựng cơ chế tự chủ và nếu như Hiệp hội làm tốt vai trò kết nối, tận dụng sức mạnh của chính các trường thì toàn bộ hệ thống sẽ mạnh lên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp hiệu quả hơn nữa trong phát triển hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam.

Tại Đại hội II nhiệm kỳ 2020-2025 của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn được bầu làm Phó chủ tịch.

Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí

Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí

Nhìn nhận từ thực tế, Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Văn Lang cho biết, cách đây 10 năm, các tập đoàn lớn ở Việt Nam, các bệnh viện đều sử dụng phần mềm chuyên trách để quản lý nhân sự, ấy thế mà, đối với giáo dục đại học, mỗi trường có quy mô hàng chục, vài chục ngàn sinh viên, 2-3 ngàn giảng viên mà đến nay chưa có một phần mềm chuyên trách quản lý, đều tự tay làm hết.

“Chúng ta nói nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số nhưng nếu cứ loay hoay làm thủ công như vậy thì chắc chắn không thể đi vào quản trị chiều sâu được, khó tạo ra sự thay đổi lớn.

Hiện nay việc quản trị này nhiều trường dư sức có khả năng kinh phí đầu tư nhưng công nghệ nào, cách thức như nào, hiện nay chúng tôi gặp vấn đề với cái này, nhờ rất nhiều tư vấn nhưng vẫn lúng túng, chưa hiệu quả.

Chính vì vậy trong nhiệm kỳ 2020-2025, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cần quan tâm để tháo gỡ cùng các hội viên vấn đề này”, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Văn Lang nêu vấn đề.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí kỳ vọng Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có tiếng nói để bảo vệ các hội viên trường tư thục khi mà trường tự mua đất, tự vay tiền, đầu tư ra một năm hàng chục ngàn sinh viên cũng phục vụ xã hội nhưng nhà nước không đầu tư 1 đồng nào, trong khi đó, trường công lập được nhà nước cho đất, cho tiền, cũng đầu tư cho xã hội.

Do đó, chính sách cần phải có sự tính toán, đầu tư trên người học, sản phẩm là sinh viên ra trường có nghề nghiệp, đạt tiêu chuẩn chứ không nên phân biệt trường công hay tư.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy nhiều trường đại học thay đổi nhanh chóng bằng công nghệ, khắc phục được vùng tư liệu mở và những cái khác.

Nội dung này, Hiệp hội với vai trò trung tâm, cầu nối, có đầu mối để các trường chia sẻ dữ liệu, tài nguyên với nhau nhằm tiết giảm được nguồn lực mà vẫn triển khai được trên diện rộng.

Cuối cùng, Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí khẳng định, ở đâu cũng vậy vai trò của Hiệp hội quan trọng, đối với Việt Nam thì vai trò của Hiệp hội dần dần sẽ rất quan trọng, đặc biệt đối với khối trường tư thục.

Bởi lẽ, trường tư không xin ngân sách nhà nước, nếu có xin thì đó là cơ chế, chính sách, mà chính sách thì một trường không tác động được.

Khi đó, vì cái chung, thông qua Hiệp hội thì có thể tác động được, do vậy khi các trường cần thì sẽ thấy vai trò của Hiệp hội vô cùng quan trọng bởi Hiệp hội làm được những việc mà trường không thể làm.

Linh Anh