Hiệu trưởng cấp 3 Chu Văn An, Hà Nội có nhờ giáo viên xin tiền cựu phụ huynh?

29/07/2021 08:13
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo phản ánh của phụ huynh, khối lớp 12 năm học 2019 -2020 đã ra trường có 650 học sinh, tổng số tiền nhà trường "xin" ủng hộ là hơn hơn 232 triệu đồng.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh có con học lớp 12 năm học 2019 - 2020 tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội cho biết, Hiệu trưởng nhà trường có thông báo thông qua giáo viên chủ nhiệm đến với các phụ huynh và học sinh lớp 12 (hiện các em đã ra trường), xin chia sẻ khó khăn với nhà trường bằng cách ủng hộ nhà trường 1 tháng tiền học và 3 tháng tiền Bảo hiểm Y tế.

Ảnh chụp tin nhắn phụ huynh cung cấp.

Ảnh chụp tin nhắn phụ huynh cung cấp.

Theo tin nhắn của một giáo viên chủ nhiệm thông báo đến cha mẹ học sinh: Sau khi quyết toán năm tài chính 2020, nhà trường đã rà soát và nhận thấy rằng các con khối 12 năm học 2019-2020 đã nộp thừa (nhà trường thu thừa) tiền học phí và tiền Bảo hiểm Y tế. Nên nhà trường quyết định trả lại cho học sinh.

Cụ thể, tiền học phí: Trả lại 1 tháng là 217 nghìn đồng (do dịch bệnh, các con học online, nghỉ học trực tiếp); Tiền Bảo hiểm Y tế: Trả lại 3 tháng là 140 nghìn đồng 1 học sinh. Các con sẽ đến trường, gặp trực tiếp cô chủ nhiệm để kí nhận. Tổng cộng cả 2 khoản là 357 nghìn đồng. Hạn nhận, ngày 26/7/2021.

Nhưng cũng theo tin nhắn thông báo này: "Tuy nhiên, tháng các con học online, nhà trường vẫn hoạt động và vẫn trả lương cho các thầy cô giáo hợp đồng, hơn nữa nhà trường cũng mua phần mềm Microsoft Team để triển khai việc học online cho các con.

Vì thế cô Mai Anh hiệu trưởng có ý muốn nhờ giáo viên chủ nhiệm chuyển lời đến phụ huynh, mong các phụ huynh chia sẻ khó khăn cùng nhà trường, ủng hộ nhà trường 1 phần hoặc toàn bộ tiền học phí của tháng đó. Đây hoàn toàn là tự nguyện ạ. Cô giáo thay mặt cô hiệu trưởng, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các bố mẹ."

Cũng theo phản ánh của phụ huynh, tạm tính, khối lớp 12 năm học 2019 -2020 đã ra trường có 650 học sinh, nếu mỗi em ủng hộ 357 nghìn đồng, tổng số tiền sẽ là hơn 232 triệu đồng".

Ảnh chụp tin nhắn của phụ huynh cung cấp.

Ảnh chụp tin nhắn của phụ huynh cung cấp.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm hiểu và gặp được một số phụ huynh có con đã tốt nghiệp năm học 2019-2020, cũng như đã gặp và trao đổi với một số nhân viên của Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, một nhà giáo đang công tác tại trường (đề nghị không nêu tên) đã cho biết:

“Tôi chia sẻ sự việc này với mục đích để làm cho mọi việc minh bạch, trên cơ sở phụ huynh học sinh phản ánh sự là có thật.

Về việc xin ủng hộ này, tôi cũng như các cán bộ, giáo viên trong trường đều rất bức xúc, đặc biệt là các giáo viên chủ nhiệm, họ rất khổ tâm. Giáo viên chủ nhiệm biết làm những việc như vậy là rất khó, gây phản cảm, cũng như làm mất đi hình ảnh người giáo viên trong mắt học trò.

Nhưng giáo viên bị buộc phải làm, đó là “vận động” các phụ huynh ủng hộ lại nhà trường tiền học online của 1 tháng đó, và 3 tháng tiền Bảo hiểm Y tế, coi đó là chủ trương của nhà trường.

Nhưng chủ trương này không có văn bản đóng dấu đỏ nhà trường, không mang tên ai, mà đó là tin nhắn chung chung, vô thưởng vô phạt, không rõ ai gửi nhưng nó lại rất có uy lực với các giáo viên trong trường. Đó là “luật” bất thành văn.

Rất nhiều lần trong cuộc họp, hiệu trưởng nhà trường đã phê phán trực tiếp những giáo viên chủ nhiệm nào không làm theo chỉ đạo quyên góp, giáo viên nào kêu khó, không làm sẽ bị coi là không hoàn thành trách nhiệm, không biết cách thuyết phục, kĩ năng kém, giáo viên chủ nhiệm sẽ bị điều chuyển công việc.

Nhà giáo này cho biết: “Nhận được tin nhắn như vậy, giáo viên rất áp lực và cũng rất phản đối, ai cũng hiểu đó là lạm thu. Tôi và các giáo viên chủ nhiệm của nhà trường rất sẵn sàng đồng hành với nhà trường trong việc xã hội hóa. Nhưng xã hội hóa phải đúng.

Khi nhà trường thực sự khó khăn về một vấn đề nào đó, mà vấn đề đó ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được, có thể là lắp thêm máy điều hòa, màn hình, máy chiếu… nhưng việc này cần phải được công khai, minh bạch, có thể tự ban phụ huynh vận động, mua sắm và tự quyết toán.

Ảnh chụp màn hình tin nhắn do phụ huynh cung cấp.
Ảnh chụp màn hình tin nhắn do phụ huynh cung cấp.

Bản thân giáo viên trong nhà trường đã không có để cho các con, chứ không ai nỡ lạm thu của các con như vậy. Còn về phía nhà trường, khi muốn làm một vấn đề xã hội hóa chung cho toàn trường, thì phải đưa ra công khai hạng mục nào cần thiết, và rõ ràng mức chi phí vì không phải học sinh nào gia đình cũng có điều kiện như nhau.

Một điểm nữa, tài khoản nhận tiền ủng hộ việc đó phải là số tài khoản của nhà trường, không phải là tài khoản cá nhân của “ai” đó, hoặc tài khoản không ai biết.

Trên tinh thần, các bậc phụ huynh của nhà trường rất ủng hộ việc đóng góp, nhất là những hạng mục phục vụ trực tiếp đến con em họ, chứ không phải hạng mục họ không được biết. Bản thân tôi và rất nhiều giáo viên trong nhà trường không hề được biết những đồng tiền mà phụ huynh ủng hộ sẽ “đi” về đâu, chi cái gì, chi bao nhiêu, còn hay hết?”.

Có hay không tình trạng ép cựu học sinh/phụ huynh phải ủng hộ ?

Nhà giáo này cho biết thêm: “Còn vấn đề các phụ huynh bức xúc ở đây đã quá rõ ràng, năm 2020 khi đang có dịch bệnh Covid-19, Sở Giáo dục Hà Nội đã có một công văn rất kịp thời, là trả lại tiền học phí tháng học sinh phải nghỉ học phòng dịch cho toàn bộ học sinh trên địa bàn thành phố, số tiền này đã được các nhà trường tạm thu trước.

Nhưng ở Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, mãi đến khi vào năm học, mới trả lại tiền cho khối 10 và khối 11, hai khối này đang học tại trường. Còn khối 12 đã ra trường thì chưa trả, và chúng tôi cũng không được biết lý do.

Thời gian vừa qua, rất nhiều giáo viên trong trường đã có tiếng nói, yêu cầu nhà trường phải chi trả ngay vì dư luận phụ huynh rất bất bình.

Ngày 14/7, nhà trường gửi tin nhắn đến các giáo viên chủ nhiệm lớp 12, thông báo trả lại tiền cho học sinh, nhưng cũng đồng thời xin lại, yêu cầu vận động phụ huynh ủng hộ lại số tiền đó để làm nhà xe cho giáo viên và học sinh? Nhưng thực chất việc làm nhà xe cho giáo viên đã hoàn thành từ năm 2018, và tiền xây dựng nhà xe này cũng đã kêu gọi phụ huynh ủng hộ rồi.

Và còn rất nhiều lần vận động từ đầu năm 2018 cho các hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày thành lập nhà trường, nhưng sau tất cả những lần quyên góp đó vẫn thấy nhà trường kêu thiếu? Tất cả cán bộ, công nhân viên, giáo viên nhà trường không ai biết là thừa, thiếu bao nhiêu? Hiệu trường nhà trường chỉ thông báo là quỹ nhận tiền ủng hộ của nhà trường bị đóng băng, và cũng không ai biết lý do vì sao quỹ đóng băng, đóng băng vì cái gì, và tài khoản đó là của ai”.

Nhà giáo này nói: “Giáo viên chủ nhiệm của các lớp 12 đều được nhà trường phát cho 1 bản danh sách học sinh của lớp mình. Ngày 26/7 này là hạn cuối cùng giáo viên chủ nhiệm phải hoàn thành việc mời học sinh đến trường, kí tên nhận tiền và đồng thời ủng hộ lại nhà trường, nhưng chỉ là kí tên và ủng hộ trên giấy, còn tiền thì nhà trường chưa hề phát cho các giáo viên chủ nhiệm”.

Để đảm bảo tính khách quan và đa chiều, do bối cảnh giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã gọi điện liên hệ rất nhiều lần, nhắn tin cho cô Mai Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đề nghị cung cấp thông tin và cho biết quan điểm về việc này, nhưng không nhận được phản hồi nào.

Thiết nghĩ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan cũng như bảo vệ uy tín, thương hiệu hơn 110 năm Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên sớm vào cuộc chỉ đạo làm rõ có hay không các vấn đề phụ huynh phản ánh, đồng thời giải quyết triệt để và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).

Tùng Dương