Hiệu trưởng đại học Thủ đô phân tích dự thảo kéo dài tuổi công tác giảng viên

04/11/2021 06:40
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu sức khỏe của các giảng viên còn tốt, các trường đại học cũng đang có nhu cầu thì tôi nghĩ việc kéo dài thêm thời gian làm việc sẽ rất tốt, không có vấn đề gì.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 34/2018/QH14, trong đó, dự thảo có đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu. Giảng viên đại học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ dự kiến sẽ được kéo dài thời gian làm việc để giảng dạy nếu có mong muốn, đủ sức khỏe và được nhà trường chấp nhận.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Đô (Hà Nội) về vấn đề này, cô Hiền cho biết: “Tôi thấy chính sách này là tốt, đặc biệt với các trường đại học.

Đội ngũ giảng viên tại các trường đại học có học hàm, học vị thường nằm ở độ tuổi sắp nghỉ hưu theo quy định, nhưng nhu cầu của các trường đại học vẫn rất cần một đội ngũ có đủ học hàm, học vị để đảm đương các mã ngành mà trường đang thực hiện đào tạo.

Nếu sức khỏe của các giảng viên còn tốt, các trường đại học cũng đang có nhu cầu thì tôi nghĩ việc kéo dài thêm thời gian làm việc cũng không có vấn đề gì, nhưng chỉ nên để các giảng viên hoạt động giảng dạy, nghiên cứu chuyên môn, không đảm nhiệm chức vụ quản lí".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Đô (Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Đô (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo cô Hiền: "Trên thực tế cũng đã chứng minh được lợi ích cho các nhà trường khi có một đội ngũ đông đảo chuyên gia chất lượng cao, đội ngũ này có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết và đã từng gắn bó lâu dài với nhà trường, nếu được tiếp tục công tác họ sẽ phấn khởi, bản thân nhà trường cũng có được lợi ích từ các chuyên gia đó.

Cá biệt, có thể một vài mã ngành đào tạo nào đó khi nhu cầu của xã hội đã thay đổi, quá ít sinh viên theo học dẫn đến nhà trường không cần nhiều giảng viên ở ngành đó nữa. Cũng có thể các giảng viên đó vì sức khỏe, hoặc muốn được nghỉ ngơi sau nhiều năm công tác. Nhưng nếu để xét chung về vấn đề này thì tôi cho là tốt, và đa phần là có lợi cho cả các giảng viên cũng như các nhà trường, mặc dù đến tuổi nghỉ theo quy định nhưng rất nhiều thầy cô còn khỏe, có trí tuệ, muốn cống hiến.

Ví dụ, quy định có thể cho phép kéo dài thêm đến 10 năm công tác, nhưng theo tôi các thầy cô cũng chỉ làm được thêm khoảng 5 năm nữa là cùng, sau còn lí do sức khỏe,…thì họ cũng xin thôi, hoặc chuyển sang kí hợp đồng thỉnh giảng ngắn hạn.

Như vậy các thầy cô cũng không bị bó buộc là giảng viên cơ hữu của nhà trường, một giảng viên đại học ngoài nhiệm vụ giảng dạy họ còn nhiều nhiệm vụ khác phải tham gia, lúc này nếu tuổi cao rồi cũng sẽ rất khó để bắt kịp”.

Về băn khoăn nếu các thầy cô ai cũng xin kéo dài thời gian làm việc, thì sẽ mất cơ hội cho lớp trẻ, cô Hiền nói: “Việc các giảng viên có học hàm, học vị xin kéo dài thời gian làm việc, theo tôi đó là một việc. Còn việc nhà trường có nhu cầu hay không lại là một việc khác nữa.

Nếu các trường đại học thấy mình đã sẵn sàng có một đội ngũ trẻ, có thể thay thế, hoàn toàn đảm đương được những nhiệm vụ mà các thầy cô giáo có học vị cao nhưng đã đến tuổi nghỉ chế độ, thì theo tôi không nhất thiết phải kéo dài thêm thời gian làm việc cho các thầy cô đã đến tuổi nghỉ.

Không nhất thiết là phải bắt buộc kéo dài thời gian làm việc với tất cả các thầy cô, các trường đại học đã có “hành lang” pháp lý sẵn đó, có cơ chế mở để nếu muốn có thể thực hiện nhưng không bắt buộc. Nhưng theo tôi không có trường hợp nào giống trường hợp nào”.

Việc mời gọi nhân tài luôn là vấn đề khó

Hiện nay, nhiều trường đại học đang rất thiếu giáo sư và phó giáo sư nhưng rất khó mời các thầy về trường giảng dạy. Cô Hiền cho biết: “Theo tôi, không hẳn là tất cả các trường đại học đều đang thiếu giáo sư và phó giáo sư, một số trường đại học có ưu thế hơn bởi bề dày hoạt động, có lịch sử quá trình lâu dài thì thường sẽ có một đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị mạnh hơn rất nhiều so với những trường đại học mới thành lập.

Việc mời gọi, quy tụ nhân tài có học hàm, học vị luôn luôn là vấn đề khó, luôn luôn là thực trạng chứ không phải gần đây mới có chuyện đó. Mỗi trường đại học đều có những cố gắng để tìm, để thu hút nhân tài bằng nhiều cách khác nhau, có thể bằng tài chính, và nếu là trường đại học tự chủ thì sẽ có mức đãi ngộ cao.

Với những trường công lập không có nguồn tài chính mạnh để chi cho việc đó thì có thể bố trí các vị trí quản lí cho những người tài, đây cũng là một cách để đãi ngộ. Theo tôi, nhân tài luôn luôn thiếu, chúng ta phải “chắt chiu”, trong nội bộ cũng nên khuyến khích các giảng viên đi học, nhưng mặt khác cũng nên có một cơ chế nào đó để thu hút, khuyến khích”.

Có nhiều ý kiến cho rằng các không nên kéo dài thêm thời gian làm việc, cứ đến tuổi là mời các thầy nghỉ theo quy định, còn những ai có năng lực thật sự thì các trường đại học xem xét, kí hợp đồng theo hình thức chuyên gia, theo hình thức nghiên cứu đề tài cụ thể, hình thức dự án và thậm chí kí hợp đồng lâu hơn nữa nếu thật sự có hiệu quả?

Về vấn đề này, cô Hiền nêu quan điểm: “Việc này nên tùy vào nhu cầu và nguồn lực giảng viên của các trường đại học, có thể kí hợp đồng dự án, theo từng đề tài nghiên cứu cụ thể,…

Nhưng khi được kéo dài thêm thời gian công tác, các thầy cô không được tính vào số giảng viên cơ hữu của trường. Nếu là giảng viên cơ hữu thì sự cam kết, khả năng đóng góp của các thầy cô sẽ chặt chẽ hơn là không phải giảng viên cơ hữu.

Giảng viên cơ hữu được tính là đang đảm đương các mã ngành, khi nhà trường mở thêm ngành đào tạo thì phải chứng minh được nguồn nhân lực giảng viên. Nhưng khi các thầy cô được kéo dài thêm thời gian công tác sẽ không được tính vào số giảng viên cơ hữu của trường, như vậy tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư của nhà trường sẽ thấp xuống.

Nhưng nếu chất lượng đạo tạo của nhà trường không bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của số lượng giáo sư, phó giáo sư thì hoàn toàn có thể chuyển sang kí hợp đồng với các thầy cô theo từng đề tài nghiên cứu cụ thể, hoặc giảng dạy, và lúc nào có dự án thì kí, không có nhu cầu thì không mời và không phải trả lương hàng tháng. Hành lang pháp lý có sẵn rồi, việc này nên để các trường đại học tự chủ, tự quyết định cần thiết hay không”.

Tùng Dương