Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM nhắn gửi tân cử nhân sống làm người tử tế

17/07/2022 15:09
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- GS Huỳnh Văn Sơn: “Nếu chúng ta sống tử tế hơn, làm cho người khác dần tử tế hơn, điều ấy là sự kiến tạo hạnh phúc đích thực”.
  • Ngày 17/7, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ tốt nghiệp và trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân năm 2022.

Trong lần tốt nghiệp này có 552 học viên Cao học, 20 nghiên cứu sinh và 4055 cử nhân, trong đó có 266 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ tốt nghiệp và trao bằng cho 552 học viên Cao học, 20 nghiên cứu sinh và 4055 cử nhân.

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ tốt nghiệp và trao bằng cho 552 học viên Cao học, 20 nghiên cứu sinh và 4055 cử nhân.

Trò chuyện với gần 5.000 tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng nhà trường đã nhắn gửi tới các nhà giáo tương lai: "Hãy sống tử tế, làm nghề chuyên nghiệp, sáng tạo không ngừng".

Thầy Sơn chia sẻ, là những cử nhân sư phạm hôm nay, là những cử nhân như những người trí thức thực thụ, mong các bạn hãy sống tử tế, tử tế với đồng nghiệp, với người thân, với cộng đồng và với chính mình trong nghề nghiệp…

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn nhắn gửi tới các tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ sống tử tế, làm nghề chuyên nghiệp và sáng tạo.

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn nhắn gửi tới các tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ sống tử tế, làm nghề chuyên nghiệp và sáng tạo.

Cuộc sống buộc người ta phải dần xây đắp cho mình bản lĩnh và nhân cách. Nhân cách và bản lĩnh không thể phủ lên bằng những lớp màu vĩ đại tạm thời hay ảo diệu mà phải thể hiện đúng với bản chất, đúng với những gì ta đang có. Nên người, sống tử tế, là điều mà ai cũng cần đạt được và phụ huynh hay người lớn nào cũng muốn con mình có được. Đó chính là kiểu sống có trước, có sau, kiểu ứng xử thấu tình đạt lý, văn minh…

Chưa hẳn người ta sẽ là người tử tế trong mọi trường hợp nhưng người tử tế thì có thể đáng tin trong nhiều trường hợp.

Khi chạy theo những giá trị thiếu cân nhắc, người ta không lường được rằng cái thiếu tử tế lại làm hại chính người thân mình hay thậm chí bản thân mình. Vì thế, bài học sống sao cho là người tử tế, cùng với người xung quanh trở thành người tử tế càng học vẫn càng thấy thiếu nhưng hay đến lạ kỳ…

Người tử tế cần biết thực hiện và tuân thủ những giá trị chuẩn mực trong cuộc sống mà không phải là những câu trả lời trắc nghiệm khô cứng hay kiểu ứng xử hoa hậu chỉ diễn ra trên sân khấu… Đó chính là kiểu định hướng lối sống, lựa chọn giá trị, ứng xử theo chuẩn mực mà ta tích lũy và chấp nhận trong cuộc sống.

Dạy làm người tử tế cũng chính là mục tiêu và phương thức của nhà trường. Nếu dạy những người có phẩm chất trở thành người tử tế, người ta sẽ biết cách sống tử tế thì hạnh phúc nào bằng. Nhà trường và thầy cô giáo cần nhận ra cốt lõi của việc giáo dục con người sống tử tế, đó là một trong những mục đích rất quan trọng. Từng lứa tuổi, sự nâng dần những biểu hiện tử tế này có thể khác đi nhưng không thể thiếu trong mỗi lời giảng, từng sẻ chia. Để người ta không quá lạc lõng khi hướng đến sống tử tế, văn minh, cần tử tế ngay trong suy nghĩ và cả cách bày tỏ cảm xúc hay những hành vi của mình.

Nếu chúng ta sống tử tế hơn, làm cho người khác dần tử tế hơn, điều ấy là sự kiến tạo hạnh phúc đích thực dù ở bất kỳ vai nào trong cuộc sống này: cha mẹ, con cái, thầy cô giáo hay là người quản lý…

Làm nghề chuyên nghiệp và sáng tạo không ngừng

Không chỉ nhắn gửi các nhà giáo tương lai phải biết sống tử tế, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn còn chia sẻ về những trăn trở đối với vấn đề làm nghề, mong các sinh viên, học viên hướng đến sự chuyên nghiệp, sáng tạo.

Thầy Sơn tâm sự, sự tử tế với một trí thức là biết tự tạo việc làm; làm việc chuyên nghiệp.

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn nhắn gửi các nhà giáo tương lai hãy trở thành những ngôi sao trong lĩnh vực của mình dẫu là lặng thầm hay nở muộn.

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn nhắn gửi các nhà giáo tương lai hãy trở thành những ngôi sao trong lĩnh vực của mình dẫu là lặng thầm hay nở muộn.

Tự tạo việc làm cần nhất là phải tự hỏi đó có phải là việc làm, nghề nghiệp. Với con số gần 5000 trí thức đang tham gia trực tiếp và trực tuyến lễ tốt nghiệp, hãy tự hào nói rằng chúng ta có thể tìm việc nhưng đừng tìm cho mình số phận thụ động…

Hạnh phúc xiết bao khi có thể tìm cho mình hành trình sống với nghề giáo, sống với nghiệp Hóa học, Văn học, Báo chí, Du lịch, Tư vấn tâm lý hay bất kỳ một bệ phóng nào trong nghề được đào tạo dẫu chỉ là bắt đầu. Đừng cố lao theo những công việc ngôi sao mà hãy trở thành những ngôi sao trong lĩnh vực của mình dẫu là lặng thầm hay nở muộn…

Chúng ta may mắn khi có những giáo sư ở tuổi 65 - 70 vẫn còn yêu nghề dạy bằng cả rung động từ tâm khảm; ta đã có những giảng viên thỉnh giảng có khoảng triệu đô vẫn đến và giúp ta vào nghề… nên không vì ta tốt nghiệp loại gì mà hãy không ngừng hoàn thiện bản thân để làm một giáo viên người lao động chuyên nghiệp.

Sự chuyên nghiệp không thể dễ dãi ngay cả với năng khiếu. Đó là thành quả của mồ hôi, nước mắt và thậm chí là đêm không ngủ để có hồ sơ bài giảng hoàn hảo nhất, kế hoạch làm việc và hành động có chất lượng… Đó cũng không phải là sự tự kiêu bởi ta đã biết, vì chuyên nghiệp là hoàn hảo từng chút một khi bắt đầu và suốt cả hành trình.

Chúng ta có thể khởi nghiệp nhưng chắc chắn không được phép khởi sự một cách quá thiếu chuyên nghiệp về chuyên môn và sự vô tư về đạo đức nghề nghiệp.

Dòng chảy cuộc sống vẫn tiến về phía trước và hành trình chinh phục thành công và hạnh phúc mới chỉ bắt đầu. Nếu cái mới là đích đến, chắc hẳn mỗi tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ hôm nay sẽ tiếp tục chinh phục hành trình ấy. Ngoài kia, xã hội còn cần biết bao ý tưởng về sự đổi mới sáng tạo để giúp con người sống tốt hơn.

Hành trình đổi mới và sáng tạo cần sự chuyên nghiệp, cần quyết tâm làm người tử tế, cần thái độ chấp nhận sự thay đổi, cần kỹ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và nhất là sự thách thức với bản thân mình.

Chúng ta sẽ làm được nếu có chân đế của niềm tin, có nền tảng tri thức và kỹ năng đã được đào tạo, có thêm nghị lực của những trí thức trẻ được đào tạo từ Trường Sư phạm trọng điểm quốc gia..

Thầy Hiệu trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến tất cả các bạn học viên, sinh viên, gửi tình cảm mến yêu, sự trân quý tới các bậc phụ huynh đã đồng hành cùng trường suốt thời gian qua để đào tạo, phát triển.

Thầy Hiệu trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến tất cả các bạn học viên, sinh viên, gửi tình cảm mến yêu, sự trân quý tới các bậc phụ huynh đã đồng hành cùng trường suốt thời gian qua để đào tạo, phát triển.

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn ghi nhận tất cả thành tựu đã qua của các tân cử nhân, tân thạc sĩ, tiến sĩ trong những ngày tháng học tập, nghiên cứu ở ngôi trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Mong các bạn bền tâm, vững chí không ngừng thách thức bản thân trong công việc để làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn theo phương châm: Hướng đến cái mới để đáp ứng nhu cầu cải tiến và chinh phục…

Thầy Hiệu trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến tất cả các bạn học viên, sinh viên, gửi tình cảm mến yêu, sự trân quý tới các bậc phụ huynh đã đồng hành cùng trường suốt thời gian qua để đào tạo, phát triển.

“Cảm ơn quý giảng viên, viên chức của Trường đã cùng nhau đúng nghĩa của từ sát cánh qua những mùa dịch, qua chặng đường tự rèn luyện, tự học tập. Xin tri ân về sự hy sinh lặng thầm của nhiều thầy cô giáo, viên chức của trường.

Mong rằng hành trình sắp tới có thể bước đường sẽ xa nhau nhưng những gì đã cùng có tại hành trình lập thân tại Trường sẽ là những dấu ấn khó phai, đáng nhớ! Hãy vun dưỡng tâm hồn của mình bằng sự cho đi, rộng lượng, vị tha và bao dung và mãi đủ để chúng ta là người nhà, người một nhà: Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh”, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Phạm Minh