Hiệu trưởng không còn là công chức, giáo viên hi vọng điều gì?

16/12/2019 06:37
Ánh Dương
(GDVN) - Từ 1/7/2020, Hiệu trưởng các trường công lập không còn là công chức, hi vọng sẽ mang một luồng gió mới cho ngành giáo dục.

Công chức, viên chức khác nhau thế nào?

Để giúp thầy cô hiểu rõ hơn về công chức, viên chức  chúng tôi tóm tắt một số nét khác biệt về hai đối tượng này như sau:

Tiêu chí

Công chức

Viên chức

Nơi công tác

Trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập

Trong các đơn vị sự nghiệp công lập

Nguồn gốc

Được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong biên chế

Được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc theo chế độ hợp đồng

Tập sự

12 tháng với công chức loại C. 06 tháng với công chức loại D

Từ 3 - 12 tháng và được quy định trong hợp đồng làm việc.

Hợp đồng làm việc

Không làm việc theo chế độ hợp đồng

Làm việc theo chế độ hợp đồng

Tiền lương

Hưởng lương từ ngân sách Nhà nước

Hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập

Bảo hiểm xã hội

Không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp

Phải đóng bảo hiểm thất nghiệp

Hình thức kỷ luật

Khiển trách

Cảnh cáo

Hạ bậc lương

Giáng chức

Cách chức

Buộc thôi việc

Khiển trách

Cảnh cáo

Cách chức

Buộc thôi việc

Vì sao Hiệu trưởng không còn là công chức?

Từ 1/7/2020, khi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực thì Hiệu trưởng của các trường công lập sẽ không còn được coi là công chức như hiện nay. 

Bởi, Luật này sửa đổi đã thu hẹp các đối tượng là công chức, không tiếp tục quy định lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức như quy định hiện nay tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

Hiệu trưởng không còn là công chức, giáo viên hi vọng điều gì? (Ảnh minh hoạ: baogialai.com.vn)
Hiệu trưởng không còn là công chức, giáo viên hi vọng điều gì? (Ảnh minh hoạ: baogialai.com.vn)

Cụ thể, Khoản 1 Điều 1 Luật định nghĩa lại về công chức như sau: 

Công chức gồm công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm, được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, trong biên chế tại:

Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

Cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;

Cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an.

Như vậy, theo Luật sửa đổi, công chức không còn bao gồm người được tuyển dụng, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Cho nên, kể từ thời điểm Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 thì Hiệu trưởng của các trường công lập sẽ không còn được coi là công chức như hiện nay. 

Hiệu trưởng là viên chức – luồng gió mới cho ngành giáo dục

Bỏ viên chức suốt đời là một tín hiệu tích cực cho ngành giáo dục
Bỏ viên chức suốt đời là một tín hiệu tích cực cho ngành giáo dục

Có thể nhận thấy, khi Hiệu trưởng không còn là công chức, môi trường giáo dục có những thay đổi đáng kể, cụ thể:

Thứ nhất, về tên gọi, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên trong trường học đều là “viên chức”, tạo sự công bằng khách quan trong môi trường làm việc.

Hiện tại, Hiệu trưởng cũng phải giảng dạy 2 tiết theo nghĩa vụ để quản lí chuyên môn, nghĩa là vẫn làm công việc thuần túy của một giáo viên, thế nhưng “vị thế” của Thủ trưởng quá lớn.

Dễ nhận thấy, hiện nay ở trường học, nhiều giáo viên/nhân viên thường gọi Hiệu trưởng bằng “sếp”, nghe có vẻ hoành tráng, thậm chí tạo ra sự cách biệt giữa Thủ trưởng và cấp dưới. 

Hơn nữa, cấp dưới xưng hô với cấp trên là “sếp”, sâu xa còn là một hành vi “nịnh”, và vô tình biến Hiệu trưởng thành người “cai trị” (theo từ điển tiếng Việt, “sếp” (cũ, khẩu ngữ), nghĩa là người chỉ huy, người cai quản).

Thứ hai, Hiệu trưởng thực hiện công việc quản lí theo thẩm quyền của một viên chức thì phải làm việc có hiệu quả. Ngược lại, nếu Hiệu trưởng quản lí yếu kém sẽ bị giáng chức xuống làm giáo viên là điều đương nhiên.

Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi đối chiếu bảng so sánh giữa công chức, viên chức, chúng ta thấy rằng, công chức bị kỉ luật cách chức phải qua 4 bước, trong khi với viên chức chỉ 2 bước.

Và thực tế, rất nhiều Hiệu trưởng vi phạm kỉ luật nhưng hiếm ai bị cách chức, ngoại trừ những người vi phạm pháp luật rõ ràng.

Cho nên trong công tác, Hiệu trưởng cũng bớt/không còn cậy quyền cậy thế để có thể bất chấp làm càn nữa.

Thứ ba, khi Luật thay đổi, Hiệu trưởng cũng chỉ là người lao động làm thuê cho chủ sở hữu - Nhà nước. Như vậy, Hiệu trưởng cũng khó là “vua con” để biến trường học thành nhà của mình, vì “tôi” có phải là “chủ” đâu.

Thứ tư, theo quy định hiện hành, quyền uy của Hiệu trưởng quá lớn, chi phối từ Hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn, Chủ tịch Công đoàn và cả Hội đồng trường.

Chính vì vậy, giáo viên/nhân viên mấy ai dám “chống” lại Hiệu trưởng, khiến môi trường giáo dục càng mất dân chủ.

Và khi Hiệu trưởng là viên chức quản lí, cấp dưới của họ như Phó Hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn… cũng sẽ có vị thế hơn. 

Như thế để thấy rằng, Hiệu trưởng không còn là công chức, hi vọng sẽ mang một luồng gió mới cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

[1] //luatvietnam.vn/can-bo-cong-chuc/hieu-truong-truong-cong-lap-khong-con-la-cong-chuc-566-23033-article.html

[2] //luatvietnam.vn/can-bo-cong-chuc/phan-biet-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-566-19580-article.html

[3] /m.thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-27-2012-ND-CP-xu-ly-ky-luat-vien-chuc-va-trach-nhiem-boi-thuong-137795.aspx?fbclid=IwAR25XtnyVYpBI4hUEFB0LNI9nrTipRFsFVZiUwih0mUsdEBCsUs09GZAdeQ

[4] //m.thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-34-2011-ND-CP-quy-dinh-xu-ly-ky-luat-cong-chuc-124150.aspx?fbclid=IwAR1TxfmIriDI3EcN8J6B7lagT1KOP_VklMgao0VurEmYlgJnfdaUGdE7C1c

[5] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hieu-truong-qua-nhieu-quyen-se-dan-den-lam-quyen-post180236.gd?fbclid=IwAR1Y5Y14ur4lzUrzQ4I_63BgNp1GK3bNYoMP121RXzWb1Eb7E5y34hYn6HA

Ánh Dương