Hiệu trưởng THPT Nguyễn Hiền: 'Đề cương bị xé không chỉ có môn Sử'

08/04/2013 10:34
Theo N.Hương-N.Hùng (Tuổi Trẻ)
(GDVN) - "Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã cho nhân viên của trường gom lại thì đó không chỉ có đề cương môn sử mà còn có đề cương nhiều môn khác, cả giấy vụn, giấy nháp..."

Câu chuyện hàng trăm học sinh xé đề cương môn sử đã trở thành đề tài nóng trên các mạng, diễn đàn ngày 7-4, khi một video clip quay lại cảnh này được đưa lên Internet ngày 30-3, sau một ngày Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp (29-3).

“Nhìn như bãi chiến trường”

Đoạn video clip miêu tả lại khung cảnh tại dãy nhà A của Trường THPT Nguyễn Hiền. Sau khi có thông báo môn sử không thi tốt nghiệp, nhiều tiếng hú, tiếng thét vang lên. Tiếp sau đó là hàng loạt đề cương môn sử được học sinh xé và ném, bắt đầu từ tầng 4 đến tầng 3 của dãy nhà A. Chưa đầy 30 giây, phía dưới dãy nhà A phủ đầy rác trắng. “Nhìn như bãi chiến trường” là bình luận của một giọng nam trong clip. Sau đó tiếng loa vang lên và đề nghị khối 12 của trường này tập trung xuống sân trường.

Cảnh ném đề cương môn sử từ trên các tầng lầu dãy nhà A Trường THPT Nguyễn Hiền (ảnh chụp lại từ video clip)
Cảnh ném đề cương môn sử từ trên các tầng lầu dãy nhà A Trường THPT Nguyễn Hiền (ảnh chụp lại từ video clip)

Khoảng 15g ngày 7-4, chúng tôi có mặt tại Trường THPT Nguyễn Hiền. Tiếp xúc với chúng tôi, một học sinh lớp 11A5 cho biết em có nghe chuyện các anh chị khối 12 của trường xé đề cương ôn thi môn lịch sử cách đây khoảng một tuần. Còn một bạn nữ cũng học sinh lớp 11 nói có biết chuyện xảy ra tại trường của mình và cho biết thêm có 2-3 bạn học sinh bị nhà trường kỷ luật. Trong khi đó chúng tôi gặp hai học sinh lớp 12 học thêm tại trường cũng xác nhận chuyện xé đề cương là có thật và cho biết những hành động như thế chỉ để chơi vui mà thôi!?...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cảnh Tân - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền - cho biết: “Sự việc học sinh Nguyễn Hiền tung giấy xuống sân trường diễn ra vào hai ngày: ngày thứ nhất vào 29-4 nhưng bữa đó tôi không có mặt ở trường nên không nắm rõ. Ngày thứ hai là chiều 3-4, bữa cuối cùng học sinh lớp 12 kiểm tra học kỳ 2. Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã cho nhân viên của trường gom lại thì đó không chỉ có đề cương môn sử mà còn có đề cương nhiều môn khác, cả giấy vụn, giấy nháp... Tôi đã đích thân đi hết 14 lớp 12 nói chuyện và hỏi các em tại sao làm như vậy? Các em cho biết đó là cách để giải tỏa áp lực tâm lý vì bị ức chế quá nhiều. Đây chỉ là hành động bột phát của một số em lớp 12 chứ không phải tất cả học sinh tham gia (vì có nhiều lớp cho biết không biết gì về sự kiện này). Sau đó nhiều em đã khóc vì hối hận”.

Ông Nguyễn Cảnh Tân nói tiếp: “Nhiều năm làm công tác quản lý, tôi thấy rằng năm nào học sinh cũng sợ thi môn sử. Lịch sử là môn học nhiều chữ, nhiều sự kiện, học sinh phải học thuộc cả ngày - tháng - năm... Theo nhận xét của cá nhân tôi, khoảng 7-8 năm trở lại đây năng lực ghi nhớ các môn xã hội của học sinh không cao như thế hệ học sinh các năm trước đó. Đây cũng là một nguyên nhân khiến học sinh cảm thấp áp lực khi học sử.

Nếu so sánh giữa sử và địa sẽ thấy kiến thức môn địa yêu cầu học sinh có cách ghi nhớ logic chứ không ghi nhớ một cách máy móc như môn sử. Riêng đối với Trường Nguyễn Hiền, ngay từ đầu năm nhà trường đã yêu cầu cả thầy và trò đều phải dạy và học nghiêm túc tất cả các môn. Có lẽ vì điều này nên học sinh cảm thấy áp lực. Vì môn sử cũng được đối xử như những môn khác: trong năm học, học sinh nào không thuộc bài ba lần liên tiếp nhà trường sẽ mời phụ huynh đến làm việc. Sau sự việc trên, bản thân tôi cũng sẽ nhìn nhận lại và nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc giáo dục đạo đức, cách ứng xử cho học sinh”.

“Tôi rất buồn...”

ThS Nguyễn Kim Tường Vy, tổ trưởng tổ sử - địa - giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Hiền, tâm sự: “Là giáo viên dạy môn sử, tôi rất buồn mặc dù sau đó nhiều em đính chính với tôi rằng những tờ giấy vứt xuống sân trường chủ yếu là giấy vụn và những tờ rơi quảng cáo ôn thi đại học. Việc đính chính này thông qua nhiều con đường: từ Facebook đến tin nhắn qua điện thoại và cả trực tiếp (nhiều em còn chứng minh với tôi là vẫn giữ nguyên đề cương môn sử). Đây chỉ là hành động bột phát của học sinh cá biệt, các em tham gia theo phong trào để có hình ảnh, có clip đưa lên Facebook cho vui, nhưng việc học sinh tung giấy vụn xuống sân trường đã làm xấu đi hình ảnh về ngôi trường Nguyễn Hiền mà cả tập thể giáo viên, ban giám hiệu trường gầy dựng từ bấy lâu nay, hủy hoại công sức, nỗ lực của cả tổ bộ môn sử - địa - giáo dục công dân. Tôi còn nghe nói cuối năm học các em sẽ “làm” một trận lớn hơn như thế nữa.

Tôi hiểu cảm giác của học sinh, tâm lý chung của học trò là chỉ muốn tập trung ôn thi các môn thi tuyển sinh đại học. Môn sử nếu có thi tốt nghiệp thì sau đó cũng rất ít học sinh chọn thi khối C. Chưa kể nhiều em còn cho rằng chương trình môn sử nặng nề và không muốn học.

Hiện nay, học sinh tiếp nhận môn sử có hai cách: Học sinh học sử rất giỏi, các em cho biết mình vẫn thích học sử nhưng không chọn sử để thi đại học. Cách thứ hai là một số em học lệch, chỉ học những môn thi đại học, số này không thích học sử. Với những em này, giáo viên phải nhắc nhở và các em có cảm giác mình bị ép học nên có nhiều phản ứng khác nhau. Tôi cũng thừa nhận có một số giáo viên cho rằng môn mình là môn phụ, không được xem trọng nên không có sự đầu tư, không thu hút được học sinh vào bài giảng”.

Theo N.Hương-N.Hùng (Tuổi Trẻ)