Hiệu trưởng trường THPT có được tự ý miễn nhiệm, bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó?

19/01/2023 06:39
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý thì phải tuân thủ quy định tại Điều 46 Nghị định 115/2020/NĐ-CP về trình tự, thủ tục bổ nhiệm viên chức quản lý.

Ngày 17/01, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “HT THPT Lương Văn Can cách chức 9 người vì không bỏ phiếu tín nhiệm hiệu phó” gây nhiều bức xúc cho độc giả là giáo viên, tổ trưởng cả nước.

Nội dung bài viết có nêu “Theo phản ánh của giáo viên về Tòa soạn: "Trong cuộc họp hội đồng sư phạm ngày 10/1/2023, thầy Nguyễn Tấn Sĩ thông báo cô Trần Thị Thu Thủy – nguyên Phó hiệu trưởng chuyên môn của nhà trường không được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tái bổ nhiệm (nhiệm kỳ 2), do không đủ phiếu tín nhiệm tại trường, và phải quay trở lại làm giáo viên giảng dạy.

Sau đó, 9 thầy cô đang là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, thư ký hội đồng trường cũng bị thầy Sĩ thông báo cách chức, mà không có lý do nào chính đáng.”

Điều bất ngờ hơn là khi thầy Nguyễn Tấn Sĩ – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lương Văn Can, Quận 8 xác nhận với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đúng là thầy vừa tiến hành thay thế 8 tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và 1 thư ký hội đồng nhà trường với một số lý do và thầy cho rằng việc thay thế các tổ trưởng và tổ phó chuyên môn là quyền của người đứng đầu nhà trường, không cần lấy ý kiến của các giáo viên trong tổ bộ môn đó.

Nghị định 115/2020/NĐ-CP - Ảnh minh họa

Nghị định 115/2020/NĐ-CP - Ảnh minh họa

Theo tìm hiểu của người viết thông qua các văn bản pháp lý hiện hành, người viết cho rằng Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lương Văn Can cho rằng Hiệu trưởng được tự quyết cách chức, miễn nhiệm hoặc bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn là chưa đúng quy định pháp luật, sai trình tự thủ tục pháp lý hiện hành vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn trường học là cán bộ quản lý

Theo đó, viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý (khoản 1 Điều 3 Văn bản hợp nhất Luật Viên chức 2019).

Do đó, dù tổ trưởng, tổ phó do Hiệu trưởng ký quyết định bổ nhiệm, nhưng tổ trưởng, tổ phó chuyên môn được hưởng phụ cấp chức vụ, nên họ được xác định là cán bộ quản lý trường học.

Việc cách chức, bổ nhiệm, miễn nhiệm được thực hiện theo Điều lệ trường học và Nghị định 115/2020/NĐ-CP và các quy định hiện hành.

Thứ hai, cách chức hoặc miễn nhiệm tổ trưởng, tổ phó phải theo đúng trình tự, thủ tục

Theo đó, quy định tại Điều lệ trường học nhiệm kỳ của tổ trưởng, tổ phó chuyên môn là một năm học.

Việc thay đổi từ phía lãnh đạo nhà trường có thể theo 2 hình thức là cách chức hoặc miễn nhiệm.

Theo người viết được biết trong trường hợp này, hiệu trưởng xác định họ có sai phạm (có thể đã có hiện tượng bè phái, kết nhóm ở trong trường,…), thì phải tiến hành các bước để xử lý kỷ luật viên chức quản lý theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 15 các hình thức kỷ luật áp dụng đối với viên chức quản lý gồm: Khiển trách, Cảnh cáo; Cách chức; Buộc thôi việc và phải thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 32. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với viên chức gồm các bước sau đây:

“1. Tổ chức họp kiểm điểm;

2. Thành lập Hội đồng kỷ luật;

3. Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.”

Quy định trình tự các bước bạn đọc tham khảo tại các Điều 33, 34, 35, 36, 37 Nghị định 112/2020 của Chính phủ.

Nếu không phải trường hợp kỷ luật cách chức thì có thể thực hiện việc miễn nhiệm, việc miễn nhiệm được quy định tại Điều 55. Miễn nhiệm đối với viên chức quản lý của Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng viên chức.

Theo đó tại khoản 1, việc xem xét miễn nhiệm đối với viên chức quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:

“a) Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;

b) Bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế;

c) Bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo hai lần trong cùng một thời hạn bổ nhiệm;

d) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ;

đ) Các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật.”

Và tại khoản 2 việc xem xét miễn nhiệm cũng phải thực hiện theo đúng quy trình gồm:

“a) Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm đối với viên chức quản lý quy định tại khoản 1 Điều này, người đứng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức hoặc bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ đề xuất với cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ;

b) Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất việc miễn nhiệm, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phải thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín. Việc quyết định miễn nhiệm đối với viên chức phải được trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý; trường hợp đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định.”

Do đó, với quy định hiện hành, Hiệu trưởng tự ban hành quyết định cách chức hoặc miễn nhiệm tổ trưởng, tổ phó tại trường Trung học phổ thông Lương Văn Can là chưa đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó mới cũng phải theo quy trình

Căn cứ Khoản 1 Điều 14 Điều lệ Trường THCS ban hành kèm Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định:

"Điều 14. Tổ chuyên môn

Cán bộ quản lý, giáo viên, viên chức làm công tác thư viện, thiết bị giáo dục, cán bộ làm công tác tư vấn cho học sinh của nhà trường được tổ chức thành các tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn có tổ trưởng, nếu có từ 07 thành viên trở lên thì có tổ phó. Tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn do hiệu trưởng bổ nhiệm, chịu sự quản lý, chỉ đạo của hiệu trưởng...."

Theo quy định trên thì tổ trưởng tổ chuyên môn trường trung học cơ sở, trung học phổ thông do Hiệu trưởng bổ nhiệm.

Tuy nhiên, quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý thì phải tuân thủ quy định tại Điều 46 Nghị định 115/2020/NĐ-CP về trình tự, thủ tục bổ nhiệm viên chức quản lý phải thực hiện việc xin chủ trương bổ nhiệm cấp trên (quy định tại Khoản 1) và thực hiện theo quy trình 5 bước (quy định tại khoản 2).

Theo đó đối với nguồn nhân sự tại chỗ bổ nhiệm, tổ trưởng tổ phó chuyên môn phải theo 5 bước như sau:

Bước 1: Trên cơ sở chủ trương bổ nhiệm, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và nguồn nhân sự trong quy hoạch, tập thể lãnh đạo thảo luận và đề xuất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự.

Bước 2: Tập thể lãnh đạo mở rộng thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

Bước 3: Tập thể lãnh đạo, căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng đáp ứng của viên chức; trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín

Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự được tập thể lãnh đạo giới thiệu ở bước 3 bằng phiếu kín.

Bước 5: Tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự.

Trên cơ sở đó, nếu đảm bảo thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Do đó, việc hiệu trưởng trường trung học phổ thông Lương Văn Can cho rằng việc bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó là quyền của hiệu trưởng không cần lấy ý kiến giáo viên là chưa đúng quy định hiện hành.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam