Người khống chế những tên "quái phạm" chuyên phá phách trong trại giam

11/05/2011 03:34
Không dễ dàng để có thể khuất phục được những tên phạm nhân sừng sỏ đó nhưng 20 năm nay bằng rất nhiều phương pháp khác nhau Trung tá Đông chưa một lần thất bại

Tròn 20 năm gắn bó với công việc của một quản giáo trại giam, Trung tá Đặng Văn Đông, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai đã gặp không biết bao nhiêu phạm nhân thuộc dạng đầu trâu mặt ngựa. Rất nhiều phạm nhân khi ở bên ngoài đều thuộc dạng có số má đến khi vào trại cũng muốn dở thói anh chị nhưng những quản giáo như Trung tá Đông đã không có những tên "quái phạm" thực hiện được những ý đồ đó.

{iarelatednews articleid='1597'}

Trung tá Đặng Văn Đông
Trung tá Đặng Văn Đông

Không phải dễ dàng để có thể khuất phục được những tên phạm nhân sừng sỏ đó nhưng 20 năm nay bằng rất nhiều phương pháp khác nhau Trung tá Đông chưa một lần thất bại trong việc khống chế những tên "quái phạm" chuyên gây rối trong trại giam.

Khích tướng cho phạm nhân tự thấy xấu hổ

Nhận công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai từ năm 1991, cho đến nay đã tròn 20 năm gắn bó tại nơi đèo heo hút gió nơi mà chỉ có đồi núi và tội phạm, với Trung tá Đông thì công việc này nó đã trở thành số nghiệp của mình rồi chẳng bỏ được. Bây giờ anh đã là Phó Giám thị của trại. Cũng từ ngày nhận công tác tại trại tạm giam anh cũng đã phải xa dời cả quê hương gốc của mình ở Phú Thọ lên Lào Cai lập nghiệp.

Đối với nhiều người 20 năm có thể là một thời gian không thực sự dài nhưng với Trung tá Đông thì nó cũng đủ để anh hiểu được nghề quản giáo, đủ để anh ắp đầy vào suy nghĩ của mình những kỷ niệm qua năm tháng công tác tại trại giam. Với anh, rất nhiều phạm nhân khi ra khỏi trại vẫn để lại trong anh một suy nghĩ, sự lưu luyến và phân vân.

Câu chuyện về phạm nhân tên Cường "trắng" vẫn để lại trong suy nghĩ của Trung tá Đông rất nhiều cảm xúc khác nhau. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, trên những chuyến tàu chạy tuyến Hà Nội-Lào Cai tình trạng mất cắp xảy ra rất nghiêm trọng, bên cạnh đó tình trạng cướp giật cũng diễn ra hết sức phức tạp. Người đi tàu tuyến đường này mỗi khi ngồi trên toa đều hết sức lo lắng không phải vì sức khỏe hay vì sự an toàn của đoàn tàu mà vật dụng và tiền bạc của mình có thể "bốc hơi" bất cứ lúc nào.

Trong số những đối tượng chuyên gây án tại tuyến đường này nổi lên có tên Cường "trắng" với tư cách là một trong những kẻ đứng đầu và có thời gian hoạt động lâu đời nhất. Với vẻ bề ngoài lãng tử cộng với nước da trắng như trứng gà nhìn Cường rất nhiều người cứ ngỡ đó là một chàng công tử đất thành phố chứ không ai nghĩ là một tên trộm cắp lưu manh có số má.

Cường cùng đám đàn em hoạt động rất tinh vi nhưng cũng đầy manh động. Chúng có mặt trên tất cả các chuyến tàu chạy trên tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai nhưng chủ yếu là từ Phú Thọ trở lên trên. Khi hoạt động chúng thường đi theo nhóm và nếu như bị phát hiện khi đang ăn cắp lập tức cả hội sẽ gây gổ và đánh người đi tàu. Chính vì điều này mà người dân đi trên những chuyến tàu trên cung đường này đều rất lo lắng và sợ hãi.

Hoạt động được một thời gian thì Cường cùng đám bậu sậu bị Công an Lào Cai bắt ngay khi hoạt động trên toa tàu. Khi mới vào Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai, Cường vẫn giữ thói côn đồ của một tên anh chị khi liên tục bắt nạt những phạm nhân khác. Vì Cường có thể hình cao lớn cộng với sức khỏe vượt trội nên những phạm nhân trong trại đều hết sức khiếp sợ.

Trong một lần Cường "trắng" gây gổ và đánh một phạm nhân nhỏ hơn mình ngay trong buồng giam, Trung tá Đông đã ngay lập tức có mặt. Lúc đó khi nhìn thấy cán bộ đi xuống Cường đã không đánh người kia nữa hòng để chối tội. Nhưng khi có mặt, trung tá Đông đã không cho bắt Cường giam vào buồng riêng mà trước mặt rất nhiều phạm nhân có mặt anh đã nói rằng: “Tưởng là đại ca phải làm được điều gì anh hùng lắm chứ ai ngờ cũng chỉ biết bắt nạt nhưng người yếu hơn mình. Có sức khỏe sao không tinh tướng ở ngoài xã hội mà phải vào đây đi đè nén những người phạm nhân khác”… Nghe xong những câu nói đó mặt Cường tái nhợt thể hiện rõ sự xấu hổ và từ đó trở đi y không còn hung hăng phá phách như trước mà rất ngoan ngoãn nghe lời cán bộ tích cực cải tạo.

Sau khi ra trại, Cường hành nghề bán báo trên các chuyến tàu để mưu sinh. Trong một lần đi về Hà Nội công tác, khi Trung tá Đông đang ngồi ở trên toa, Cường đã đi ra trước mặt trên tay cầm một túi quà rất lớn và bảo: "Em biếu anh mang về làm quà cho chị và các cháu". Lúc đó Trung tá Đông đã hết sức xúc động vì Cường nói rằng, sau khi ra trại hắn không dám đi trộm cắp hay cướp giật mà chuyên nghề bán báo và hoa quả trên các tuyến tàu.

Và hắn cũng bảo rằng, sau khi anh Đông "khích tướng" em như vậy thì em đã hiểu được rằng là đàn ông không phải cứ đi gây gổ đánh đập người khác nghĩ là mình giỏi mà phải sống lương thiện để người khác nhìn vào mà cảm phục thế mới là anh hùng. Sau lần đó, Trung tá Đông thăm hỏi về gia đình thì biết rằng Cường đã lấy vợ và có con, cuộc sống hiện tại của gia đình tên “anh chị” một thời giờ khá êm đềm và hạnh phúc.

… và phương châm "lạt mềm buộc chặt"

Gắn bó gần nửa cuộc đời với những phòng giam lạnh lẽo và rất nhiều phạm nhân cứng đầu, Trung tá Đông đã tự đúc rút ra cho mình một kinh nghiệm hay đúng hơn đó làm phương châm trong công việc. Theo anh, đối với những kẻ cứng đầu để buộc hắn đi theo những quy tắc mà trại giam đề ra không nên thực hiện những biện pháp cứng tay, phải sử dụng phương pháp "lạt mềm buộc chặt" thì mới có thể khuất phục được. Theo như Trung tá Đông thì, mình phải dùng cái đầu lạnh cùng sự quyết đoán mới có thể triệt tiêu dần sự hung hăng cũng như táo tợn của những kẻ có máu anh chị ở trong trại giam.

Trong nhiều các phạm nhân mà Trung tá Đông đối mặt thì trường hợp của gã Tùng "sida" dù cải tạo xong được gần chục năm nay nhưng vẫn để lại nhiều dấu ấn nhất đối với các quản giáo tại Trại tạm giam Lào Cai. Tùng đã từng là một tên anh chị có "số má" không chỉ tại một tỉnh mà cả vùng Hoàng Liên Sơn. Những năm Tùng còn tung hoành ngoài đời thường những kẻ trong giới giang hồ chỉ cần nghe thấy tên hắn đã phải cúi đầu nể trọng. Tuy nhiên, cũng chỉ vì thói ăn chơi vô độ, cậy thế lực mà Tùng đã bị nhiễm HIV lúc nào cũng không hay. Cho đến khi bị bắt vào trại giam vì tội đánh người cướp của Tùng mới biết rằng trong người mình đang mang căn bệnh thế kỷ.

Khi đã biết mình đã có HIV trong người Tùng liên tục phá phách và quấy rối những phạm nhân khác. Lợi dụng vào tình trạng bệnh tật của mình Tùng uy hiếp những người xung quanh nếu như không nghe lời sẽ làm cho lây nhiễm. Chính điều này mà những phạm nhân cùng phòng Tùng đều cảm thấy khiếp sợ mà đều răm rắp phục tùng mệnh lệnh của hắn. Có một lần do mâu thuẫn với phạm nhân cùng phòng Tùng đã cầm trên tay thanh sắt đã dính máu của y đe dọa sẽ đâm vào bất kỳ ai can ngăn hắn đánh người bạn tù kia. Ngay trong lúc Tùng đang hành hạ người bạn tù kia thì Trung tá Đông có mặt. Tuy đã có cán bộ trại giam xuống nhưng Tùng vẫn hằm hằm sát khí và tiếp tục đánh đập người bạn tù kia coi như không có ai xuất hiện.

Ngay lúc này, Trung tá Đông mới nói với Tùng rằng: “Anh làm như thế này để làm gì, để chứng tỏ mình giỏi để mọi người phải khiếp sợ? Chắc chắn sẽ chẳng có ai sợ một kẻ côn đồ luôn gây rối cho người khác. Anh đánh người chúng tôi có thể sẽ cho anh vào phòng biệt giam để ở một mình, nếu anh thích tôi sẽ cho người đưa ngay anh vào đó”.

Khi nghe như vậy Tùng đã không còn giữ thái độ hung hăng nữa mà đã buông thanh sắt xuống và không đánh đập người bạn tù kia nữa. Bản thân những phạm nhân rất sợ bị giam một mình ở phòng biệt giam vì ở đó sẽ rất buồn và cô đơn. Tuy nhiên, khi Tùng đã không còn hung hăng nữa Trung tá Đông đã khẳng định với hắn rằng, tôi sẽ không giam anh vào phòng biệt giam vì vào đó sẽ rất khổ. Anh hãy tự biết phải làm gì, dù là mình có mang căn bệnh thế kỷ nhưng tại sao phải đi hành hạ những người khác. Phải sống vui, giúp đỡ những người khác như vậy mới đúng là một người đàn ông, là người anh của những phạm nhân khác… Chỉ những câu nói như vậy mà từ đó trở đi Tùng đã không còn quậy phá trong trại giam cũng như gây gổ đánh nhau với những phạm nhân khác. Tùng chịu khó lao động và sống rất chan hòa với những bạn tù khác.

Hai thập niên gắn bó với công việc của một quản giáo thời gian anh ở trong trại giam nhiều hơn rất nhiều so với ở nhà vì theo anh thì: "Lúc nào ở trại giam cũng phải có cán bộ cũng như lãnh đạo vì nhỡ có phạm nhân nào bỏ trốn hay gây rối trong phòng giam thì còn có thể xử lý ngay lập tức được." Trung bình một tuần Trung tá Đông chỉ được ngủ 2-3 ngày ở nhà, thời gian còn lại anh đều ở trong trại giam để quản lý phạm nhân. Quanh quẩn trong khuôn viên nhỏ hẹp của khu trại giam, đã không ít giây phút khiến Trung tá Đông cảm thấy cô đơn và buồn chán. Anh bảo rằng, làm công tác của một quản giáo nếu ai không thực sự yêu nghề và có bản lĩnh thì chỉ một vài tháng hay thậm chí là một vài tuần là bỏ cuộc. Cái nghề này không phải ai muốn làm mà cũng có thể hoàn thành được nhiệm vụ

Theo Phạm Cương/CAND