Hồ sơ xin cấp phép kinh doanh hàng không của Vietstar gây tranh cãi về vốn

09/11/2016 10:40
Mai Anh
(GDVN) - “Không thể đánh đồng giấy xác nhận tồn tại tài khoản có thay thế được giấy xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng là một", TS Cao Sỹ Kiêm nói.

Thương hiệu Vietstar tiếp tục muốn bay

Từ đầu năm đến nay, Bộ Giao thông vận tải không dưới 2 lần đề nghị Chính phủ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho doanh nghiệp có thương hiệu Vietstar.

Cụ thể, đầu tháng 3/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines).

Theo đề án kinh doanh, Vietstar Airlines sẽ khai thác đến 10 máy bay, có mở đường bay quốc tế, mức vốn điều lệ tối thiểu là 700 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo hồ sơ xin cấp phép bay, doanh nghiệp này chỉ có vốn chủ sở hữu 652,7 tỉ đồng, không đáp ứng đủ yêu cầu về vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định 30/2013 (quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng).

Công ty Vietstar xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không - ảnh minh họa/ nguồn Tạp chí Tài chính.
Công ty Vietstar xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không - ảnh minh họa/ nguồn Tạp chí Tài chính.

Chính vì không đủ điều kiện vốn nên đề nghị xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines đã bị Bộ Tài chính bác bỏ.

Cuối tháng 5/2016, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện việc thẩm định và trình Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho doanh nghiệp, bảo đảm đúng theo quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.

Theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, "giấc mơ bay" của Vietstar Airlines không thực hiện được do doanh nghiệp không đủ điều kiện về vốn.

Nhìn nhận một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia trong ngành hàng không khi đó cho rằng, việc không phê duyệt cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho một doanh nghiệp năng lực tài chính yếu kém trong lĩnh vực kinh doanh đặc thù, liên quan đến tính mạng con người, phương tiện, hiệu quả kinh tế và quốc phòng an ninh như hàng không là quyết định đúng đắn của Chính phủ.

Hồ sơ xin cấp phép kinh doanh hàng không của Vietstar gây tranh cãi về vốn ảnh 2

Kinh doanh hàng không: Báo cáo tài chính có thay thế được văn bản xác nhận vốn?

Hồ sơ xin cấp phép kinh doanh hàng không của Vietstar gây tranh cãi về vốn ảnh 3

Cấp phép hàng không, nếu có ngoại lệ thì cần gì luật

Sau ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, vấn đề xin cấp phép hàng không lắng xuống một khoảng thời gian.

Đến ngày 14/10/2016 vừa qua, Văn phòng Chính phủ tiếp tục nhận được văn bản số 12131 của Bộ Giao thông vận tải xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar (Công ty Vietstar).

Trước đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi 5 bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, trong công văn số 3388 báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ Công ty Vietstar của Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông vận tải cho thấy, Công ty Vietstar được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM (có trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM) cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào ngày 23/6/2016.

Cũng trong thẩm định hồ sơ Công ty Vietstar, Cục Hàng không cho biết: Công ty Vietstar, Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt và Công ty CP Kỹ thuật hàng không Ngôi sao Việt đều là thành viên thuộc Công ty TNHH MTV Ngôi sao Việt. Nói các khác, cả Công ty Vietstar và Vietstar Airlines (đơn vị chưa xin được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không) đều chung một “mẹ”.

Văn bản xác nhận vốn của Vietstar tiếp tục gây tranh cãi

Theo kết quả thẩm định hồ sơ Công ty Vietstar, căn cứ quy định tại Nghị định 92/2016 quy định điều kiện kinh doanh hàng không (thay thế Nghị định 30/2013), Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Công ty Vietstar có văn bản xác nhận vốn từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) với tài khoản có số dư là 300 tỷ đồng. 

Nếu chỉ căn cứ vào con số 300 tỷ đồng và thông tin thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam thì rõ ràng điều kiện về vốn đã đủ để Công ty Vietstar kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa với quy mô 10 máy bay trở xuống.

Tuy nhiên, trên thực tế văn bản xác nhận vốn từ Ngân hàng VPBank mà Cục Hàng không thẩm định và xác nhận thực chất lại là giấy xác nhận tồn tại tài khoản của Công ty Vietstar với số dư là 300 tỷ đồng.

Trong khi đó theo Điều 4, Nghị định 92 yêu cầu doanh nghiệp xin cấp phép phải có văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng đó. 

TS Cao Sỹ Kiêm trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - ảnh H.Lực
TS Cao Sỹ Kiêm trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - ảnh H.Lực

Về mặt câu chữ, rõ ràng giữa giấy xác nhận tồn tại tài khoản và giấy xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng đã khác nhau. Từ đó đặt ra câu hỏi, liệu giấy xác nhận tồn tại tài khoản có thay thế được giấy xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng? Và ý nghĩa của hai giấy xác nhận trên?

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, TS. Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: “Không thể đánh đồng giấy xác nhận tồn tại tài khoản có thay thế được giấy xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng là một, bởi mỗi văn bản xác nhận có ý nghĩa khác nhau”.

Cụ thể, TS. Cao Sỹ Kiêm phân tích: Giấy xác nhận tồn tại tài khoản chỉ khẳng định doanh nghiệp có số tiền trong tài khoản, số tiền đó có thể biến động tăng lên hoặc giảm đi do doanh nghiệp có thể rút số tiền đó ra.

Trong khi xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng có nghĩa số tiền trong tài khoản đã được phong tỏa. Tổ chức tín dụng sẽ báo cho các cơ quan số tiền đã phong tỏa khẳng định doanh nghiệp đã có sẵn tiền trong tài khoản để phục vụ mục đích theo yêu cầu của việc phong tỏa.

Do sự khác nhau trên nên TS. Kiêm cho rằng, không thể sử dụng giấy xác nhận tài tồn tại tài khoản thay thế cho giấy xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng được. 

Cũng liên quan đến giấy xác nhận tài khoản của Công ty Vietstar tại VPBank, được biết trong phần cuối của giấy xác nhận này có ghi nội dung: “Số tiền trên sẽ được phong tỏa từ ngày 11/8/2016 cho đến khi Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar có đề nghị giải tỏa số tiền trên sau khi nhận giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hoặc thông báo không được cấp giấy phép”.

Tuy nhiên theo TS. Kiêm, ngay cả khi có ghi nội dung phong tỏa thì giấy xác nhận tài khoản tồn tại của Công ty Vietstar tại VPBank cũng không thay cho giấy xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng, bởi số tiền phong tỏa trên chỉ đảm bảo vốn giúp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có cơ sở chứ không thay hoàn toàn giấy xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng được. 

Trong khi đó, trao đổi về vấn đề trên, một chuyên gia pháp chế tài chính cho rằng, nếu có tham vọng kinh doanh vận chuyển hàng không, trước hết Công ty Vietstar phải tuân thủ quy định của pháp luật. 

"Riêng về điều kiện vốn, theo quy định tại Nghị định 92, nếu yêu cầu biên bản xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng, thì cứ thế mà thực hiện. Anh đã đủ tiềm lực tài chính thì việc xác nhận tại tổ chức tín dụng hay ngân hàng chỉ là thủ tục. Luật là luật, không thể làm khác đi để gây ra những tranh cãi không đáng có", vị chuyên gia này cho biết.

Mai Anh